“Tiếng dương cầm trong mưa” rồi sẽ im bặt trong kho?
Trong buổi ra mắt bộ phim nhựa mới “Tiếng dương cầm trong mưa”, đạo diễn Lê Hữu Lương đã công bố số tiền làm phim: vỏn vẹn 500 triệu đồng. Và bộ phim đã không hề đi ngược lại sự "chuẩn bị tâm lý" của khán giả rằng sắp được xem một tác phẩm điện ảnh sơ sài.
Trong thời điểm mà muốn làm một phim truyện nhựa cho đàng hoàng ít nhất phải có trên dưới 2 tỉ đồng, thì với 500 triệu đồng người ta có thể làm được gì? Có lẽ, cái được lớn nhất ở bộ phim này là cho thấy đạo diễn Lê Hữu Lương cực kỳ dũng cảm vì anh dám nhận phim - đây là phim nhựa thứ hai của anh sau... 15 năm tính từ bộ phim thứ nhất.
Càng thấy anh dũng cảm hơn, khi biết rằng bộ phim kinh phí tí teo ấy cõng trên lưng sứ mệnh lớn lao: "Mang tính nghệ thuật nhưng phải ăn khách". Không thể phủ nhận rằng, mục tiêu ấy hoàn toàn chính đáng, vì lâu nay chúng ta vẫn kêu ca rằng, các phim nghệ thuật của mình thì quá kén khán giả, còn phim đông khách thì tính nghệ thuật chưa cao. Một bộ phim kết hợp được cả hai yếu tố này thì còn gì bằng.
Tuy nhiên, hình như chính cái áp lực "nghệ thuật nhưng ăn khách" ấy lại khiến bộ phim trở nên chênh vênh, cứ như thể nhà làm phim đang mải mê làm "nghệ thuật" thì chợt nhớ phải "ăn khách" nên phải pha vào tí hài, tí sex, tí lãng mạn ướt át. Vậy nên trong phim vừa có những cảnh Châu (Minh Thư) - cô sinh viên nhạc viện thất vọng não nề trước thị hiếu âm nhạc tầm thường của kẻ có tiền - ngồi đánh đàn khi ngoài trời đầy mưa với ngổn ngang tâm trạng, lại có những câu thoại hài dễ dãi của cây hài Anh Vũ, rồi cảnh cô gái gọi khỏa thân 50%, có cả cảnh Châu đang thay áo mà chẳng biết để làm gì.
Một số cách diễn tả tâm lý nhân vật cũ như... 15 năm trước: trời mưa, gió thổi vào làm giấy tờ trong phòng bay tán loạn để nói rằng trong lòng nhân vật cũng đang "nổi gió"; chàng và nàng chia tay trên sân ga, tàu chuyển bánh và nàng thất thểu ra về, không thèm trú mưa mà cứ thế đi trong mưa với tóc tai rũ rượi và cái nhìn xa vắng.
Cái sơ sài dễ thấy nhất, khiến người xem như đang đi trên một con đường lắm ổ gà lại chính là sự nghèo nàn chi tiết và thiếu thuyết phục trong chuyện phim. Cứ như cách trình bày việc Ngọc vu cáo cho mẹ Châu, đẩy bà vào tù vì tội vô ý giết chồng thì việc tống một người vào tù mới dễ dàng làm sao. Sự bươn chải của Châu khi không còn được cha mẹ bảo bọc để vừa kiếm tiền vừa theo đuổi đam mê chơi piano cổ điển quá ít chi tiết nên không gây được ấn tượng mạnh mẽ. Mối tình Châu và Tường (Kim Tiểu Long) được thể hiện nhạt nhòa, nên người xem khó mà đồng cảm với nỗi đau bị phụ bạc của Châu.
Đáng ngạc nhiên là, sau bao nhiêu biến động trong cuộc sống gia đình và đời sống tình cảm riêng, phải trực tiếp đối mặt với cuộc sống như thế mà cho đến tận cuối phim nhân vật chính vẫn không có gì chuyển biến trong tính cách: Châu vẫn ngoan ngoãn, hiền lành và tốt bụng đối với Ngọc. Cũng vị tha vô bờ bến như thế là bà mẹ của Châu: sau khi ra tù, điều duy nhất làm bà băn khoăn khi đồng ý bán nhà để giúp chị em Ngọc là cảm thấy có lỗi với chồng, chứ bà chẳng mảy may giận đứa con gái riêng của chồng đã phá tan hạnh phúc gia đình bà. Bởi vậy, Tiếng dương cầm trong mưa có rất nhiều sự kiện nhưng kịch tính, cao trào lại quá ít và không đủ để thu hút người xem. Các góc quay không có gì đặc biệt, nhân vật chính là một cô gái yêu âm nhạc, nhưng phần âm nhạc không có gì ấn tượng.
Hãng phim Giải Phóng chắc cũng không trông mong nhiều lắm vào doanh thu của phim, nên đã không chú trọng lắm tới khâu giới thiệu, quảng cáo. Có lẽ, như rất nhiều phim khác, sau khi ngân nga vài ngày tại vài rạp nhỏ ở TPHCM ngay giữa những ngày lễ hội tưng bừng, Tiếng dương cầm trong mưa sẽ im bặt trong kho. 500 triệu đồng cho một bộ phim - sự ít ỏi kinh khủng này chỉ khiến... người nước ngoài giật mình, chứ giới làm phim trong nước thì lâu nay đã quen với việc kinh phí làm phim bị cắt xén cho bao nhiêu khoản chi "sinh tử" khác, có nghĩa là cũng đã chấp nhận làm những bộ phim mà chất lượng của nó đã được dự báo trước khi bấm máy!
Theo Phạm Thu Nga
Thanh Niên