Mùa phim hè 2006:

"Thượng đế" phớt lờ chỉ trích của giới phê bình điện ảnh

(Dân trí) - Bất chấp những lời chê bai của giới phê bình, khán giả vẫn ầm ầm lao đến rạp đón xem các bộ phim như “The Da Vinci Code”, “Break-Up”, “X-Men III”. Điều này khiến người ta băn khoăn phải chăng lời nói của giới phê bình điện ảnh ở Hollywood đã dần mất trọng lượng?

Trong mùa phim hè năm nay, hiện ít nhất đã có 3 trường hợp tiêu biểu chứng tỏ nhận định trên là đúng. Trường hợp gần đây nhất là The Break-up với mức doanh thu phòng vé tại Mỹ và Cannada cao hơn 4% so với dự kiến ban đầu.

 

Trước ngày công chiếu bộ phim, giới phê bình cho rằng đây chỉ là một bộ phim nhảm nhí, lăng xê chuyện tình của nữ diễn viên Jennifer Aniston. Tờ Washington Post còn gọi những tình huống dở khóc dở cười nhưng rất thực tế của cặp tình nhân trong The Break-up là câu chuyện hài lố bịch, thiếu nội dung.

 

Hay như Mật mã Da Vinci của đạo diễn Ron Howard thì bị tuần báo Newsweek coi là “nhồi nhét quá độ và chẳng ra làm sao”. Thậm chí cả Dị nhân III cũng không tránh khỏi những lời phê phán nặng nề của giới phê bình điện ảnh. Trước khi phim được công chiếu, giới phê bình ngồi lại với nhau và dự đoán đây sẽ là bộ phim thất thu nhất trong lịch sử ba phần siêu phẩm Dị nhân, gọi khoản kinh phí 125 triệu USD của phim là xa xỉ phẩm và sẽ bị đổ xuống sông xuống biển.

 

Thế nhưng, quả bom tấn này đã phát nổ rất hoành tráng ngay trong 4 ngày đầu công chiếu với doanh thu cao đến ngỡ ngàng là hơn 175 triệu USD và phá luôn kỷ lục về doanh thu phòng vé trong đợt nghỉ lễ Memorial Day của Mỹ.

 

"Thượng đế" phớt lờ chỉ trích của giới phê bình điện ảnh - 1

Hugh Jackman (trái) và Famke Janssen trong một cảnh phim "Dị nhân III"

 

Giải thích về hiện trạng trên của Hollywod, giám đốc công ty Exhibitor Relations Co. Inc (một công ty nghiên cứu doanh thu phòng vé) nói: “Quyết định xem hay không xem của khán giả phụ thuộc chủ yếu vào chiến dịch marketing chứ không phải là những nhận định của giới phê bình điện ảnh”. Đây là một truyền thống lâu đời của thị trường phim Bắc Mỹ chứ không phải mùa phim hè 2006 mới xảy ra.

 

Vị giám đốc này còn giải thích thêm rằng, “khẩu vị” của khán giả và các nhà phê bình rất khác nhau. Giới yêu điện ảnh chỉ “khoái” những bộ phim được sản xuất với chi phí lớn, sử dụng kỹ xảo hoành tráng cộng với một chiến dịch lăng xê tốn kém và đình đám. Trong khi đó, giới phê bình điện ảnh lại dành lời khen ngợi cho những phim không quá tốn kém nhưng giàu nghệ thuật và tính nhân văn. Mới đây nhất là bộ phim đoạt giải Oscar năm 2005 Crash dù chi phí sản xuất phim khiêm tốn và doanh thu phòng vé chỉ là 54 triệu USD trong cả mùa công chiếu.

 

"Thượng đế" phớt lờ chỉ trích của giới phê bình điện ảnh - 2

Vince Vaughn (trái) và Jennifer Anniston trong một cảnh phim "The Break-up"

 

Một lý do khác nữa là các hãng sản xuất phim rất khôn ngoan khi chọn lựa đối tượng tiếp thị phim. Phần lớn các khán giả trẻ, phần trung thành nhất của các rạp chiếu, chỉ lắng nghe ý kiến của bạn bè, các chiến dịch quảng cáo trên truyền hình và thậm chí là website của bộ phim để quyết định có nên xem hay không. Đối với họ, ý kiến của các nhà phê bình điện ảnh là hoàn toàn không có trọng lượng.

 

Nhận ra điều này, hãng Universal đã thực hiện một chiến dịch quảng cáo đặc biệt cho bộ phim sắp ra mắt The Fast and the Furious: Tokyo Drift. Trong đó, hãng đã sử dụng website LiveDigital của cộng đồng giới mê tốc độ và xe hơi để tiếp thị cho siêu phẩm mới nhất của mình.

 

Mi Vân

Theo Reuters