Thuật làm báo - Sách thực hành
(Dân trí) - Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông vừa phát hành cuốn "Thuật làm báo - Sách thực hành" của nhà báo Trần Dzĩ Hạ.
Theo tác giả Trần Dzĩ Hạ thì muốn trở thành nhà báo trước hết cần biết nhìn đời, nhìn xã hội và phải biết phép tư duy của người làm báo. Xác định được điều này, ông cũng rèn luyện theo điều này và ông đã thành công. Nay ông viết quyển sách này để chia sẻ kinh nghiệm với những người mới bước vào nghề và những đồng nghiệp cũng những ai muốn viết bài để thành nhà báo nghiệp dư.
Nhận xét về cuốn sách này, GS-TS Vũ Văn Hiền - Tổng giám đốc Đài TNVN có những đánh giá cao: “Kinh nghiệm là ông thầy tốt nhất”. Quyển “Thuật làm báo - Sách thực hành” nêu lên những kinh nghiệm thực tế của một người đã từng có nhiều năm viết báo và vẫn đang tiếp tục viết báo, đó là nhà báo Trần Dzĩ Hạ.
Thông thường những người viết sách về những vấn đề lý thuyết thì hay tham khảo sách khác trước đó rồi mới chấp bút, như vậy là từ sách sang sách. Còn nhà báo Trần Dzĩ Hạ thìlấy vốn sống thực tế và kinh nghiệm nghề nghiệp của chính bản để viết sách, như vậy là từ cuộc sống vào sách.
Cuốn “Thuật làm báo - Sách thực hành” của Trần Dzĩ Hạ không giống bất kỳ một quyển sách nào trước đó về cách trình bày, không sao chép từ sách nọ sang sách kia. Cái gì Trần Dzĩ Hạ viết là của Trần Dzĩ Hạ.
Những bài viết trong cuốn sách đã thể hiện sự độc lập tư duy, hay trăn trở, tính tìm tòi và đầu óc sáng tạo của tác giả, chứ không câu nệ vào những lý thuyết có sẵn. Tác giả luôn luôn đặt ra những câu hỏi, những phản biện, chứ không thấy ai nói sao nghe vậy, không dễ chấp nhận những cái có sẵn, không “tát nước theo mưa”.
Sáng tạo là một trong những điều cần thiết của người làm báo và cả viết văn. Tất cả những điều này chỉ có thể tìm thấy trong một người yêu nghề, hết lòng vì cây bút. Trần Dzĩ Hạ luôn suy nghĩ, tìm tòi và phát hiện, chính điều này đã làm ông có nhiều đề tài để viết.
Trong cuốn sách này có rất nhiều lý thuyết nghiệp vụ báo chí, từ khâu đi viết bài đến khâu tòa soạn, nhưng lại được viết dưới hình thức câu chuyện hoặc tiểu phẩm, có các tình tiết cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ và cũng dễ tiếp thu, dễ thực hành.
Thực tế diễn ra muôn màu muôn vẻ, cuốn “Thuật làm báo - Sách thực hành” của Trần Dzĩ Hạ không nêu lên những lý thuyết chung chung mà nêu lên thực tế sống động của người làm báo, trong đó có cả những thành công và những thất bại. Thành công hay thất bại của người đi trước thường để lại một kinh nghiệm đáng quý cho những người đi sau.
Mặc dù không học ở bất kỳ một trường lớp báo chí nào, con số vài nghìn bài viết của tác giả phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam cũng như đăng trên 100 tờ báo khác đã thể hiện khả năng của một người làm báo.
Trần Dzĩ Hạ là phóng viên của Chương trình Thanh niên Đài TNVN, rất có duyên khi viết những tiểu phẩm cho tiết mục “Tuổi trẻ và cuộc sống” và những truyện hài hước và cũng là người duy nhất của chương trình viết được những tiết mục này.
Cuốn sách "Thuật làm báo - Sách thực hành" của Trần Dzĩ Hạ chưa phải là hoàn thiện, hoàn mỹ, nhưng nó đã bổ sung cho những tập giáo trình về nghiệp vụ báo chí đang được giảng dạy ở các trường đào tạo báo chí trên cả nước. Giá như, mỗi đời làm báo để lại một cuốn sách kinh nghiệm lưu vào kho nghiệp vụ báo chí nhằm giúp cho lớp nhà báo đi sau thì hay và quý biết mấy”.
Tiến sĩ Trần Đăng Thao - Nguyên Tổng biên tập báo Giáo dục và thời đại cũng ghi nhận sự thành công của cuốn sách như sau:
Cuốn “Thuật làm báo - Sách thực hành” là loại sách chuyên môn về nghiệp vụ báo chí, gồm 35 bài đề cập đến những kinh nghiệm và thủ thuật tác nghiệp, sau phần bài viết là những câu chuyện hài hước lấy đề tài là nghề báo vừa để minh hoạ, bổ sung cho bài viết, vừa có tác dụng giải trí, thư giãn.
Điều đáng trân trọng và đáng quý, cũng là nét nổi bật của cuốn sách là tác giả đề cập tới những vấn đề nghiệp vụ nhưng lại viết dưới hình thức tiểu phẩm hoặc những mẩu chuyện sinh động, cụ thể, chứ không lý luận chung chung, khô khan như những cuốn giáo trình nghiệp vụ báo chí ở các trường, khoa dạy báo chí. Đây là cuộc đời thật, kinh nghiệm thật của tác giả, nhà báo Trần Dzĩ Hạ.
Mỗi bài viết thường bàn về một vấn đề cụ thể của từng khâu làm báo, đó là công việc của phóng viên, của biên tập viên, của toà soạn. Điểm chung nhất của một nhà báo là phải biết xét người. Đây là điều không thấy trong các giáo trình nghiệp vụ báo chí nhưng lại thấy trong cuốn “Thuật làm báo - Sách thực hành” của Trần Dzĩ Hạ.
Rồi phương pháp thu thập tài liệu, cách viết về gương người tốt việc tốt, nung nấu đề tài, văn minh toà soạn, công tác cộng tác viên... Đây là những cái cần làm nghiêm túc và bổ ích, nhất là đối với những người chập chững vào nghề và những người muốn có kinh nghiệm viết báo để làm nhà báo nghiệp dư. Loạt bài viết này có thể là những kiến thức bổ sung và minh hoạ cho những tập giáo trình nghiệp vụ báo chí hiện nay.
PV