Thú “chơi” công nghệ của dân sành nhạc
Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp âm nhạc là công nghệ thưởng thức nhạc. Tùy theo sở thích, khả năng tài chính, người nghe nhạc có thể tìm được cho mình một hình thức phù hợp. Tìm hiểu thú chơi công nghệ sẽ phát hiện ra nhiều điều thú vị.
Một trong những thú chơi sang của dân nghiền âm nhạc chính là nghe nhạc bằng đĩa than. Thời kỳ hoàng kim của đĩa than vào khoảng những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước nhưng thời gian gần đây, giới nghe nhạc tại Việt Nam lại có một sự yêu thích đặc biệt với những chiếc đĩa than tưởng chừng như đã cũ và bị lép vế trước sự phát triện của công nghệ kỹ thuật số hiện đại.
Đĩa than đòi hỏi sự công phu trong quá trình làm đĩa, phát hành và đối tượng thưởng thức cũng phải là người có tiền để có thể sở hữu thiết bị hi-end đồ sộ. Với giá thành dao động khoảng 1 triệu đồng một chiếc, không phải người yêu nhạc nào cũng sẵn sàng bỏ tiền để sở hữu những chiếc đĩa than. Đĩa than đắt như vậy nhưng có giá trị hơn hẳn đĩa CD hoặc băng cat-sét bởi khả năng lữu trữ và tồn tại lâu dài của nó. Chỉ cần một sự tác động ngoại cảnh hoặc dính nước là những chiếc đĩa CD hoặc băng cat-sét có thể “chết lịm”, nhưng đĩa than thì khác.
Chơi đĩa than khó nhất là phải biết phối ghép các thiết bị với nhau và đòi hỏi người sử dụng có một sự hiểu biết và chịu khó tìm tòi nhất định. Bởi chỉ cần sơ sảy một chút, hàng nghìn USD có thể “đi tong”. Đầu đọc đĩa than có giá không hề “mềm”, có thể lên tới 15.000 đến 20.000 USD. Khi chơi đĩa than, kim tết là thứ hay hỏng nhất, và giá mỗi chiếc kim tết là từ 500 USD trở lên, đắt hơn có thể lên tới 4.000 - 5.000 USD.
Ở Việt Nam, nhiều nghệ sĩ Việt đã chịu phát hành đĩa than như Mỹ Linh với Tóc ngắn Acoustic, Quang Dũng với Tuyển tập Tình khúc Phạm Duy, hay Lặng lẽ tiếng dương cầm của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9… Tuy nhiên, công chúng còn khá dè dặt khi tiếp cận những sản phẩm âm nhạc được xem là “sang trọng” này. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng nhận xét, đĩa than chủ yếu phục vụ đối tượng khán giả có gu thưởng thức âm nhạc ở tầng cao và đối tượng khán giả này ở nước ta chỉ có một số lượng nhất định.
Ngoài thú chơi đĩa than, dân sành điệu còn thích thú với việc nghe nhạc bằng băng cối. Băng cối không chỉ được xem như một món hàng trang trí sang trọng, mà còn là mạng lại cho người thưởng thức những âm thanh Analog mộc mạc, khi giọng hát của ca sĩ bao trùm lên nhạc đệm. Cũng giống như nghe nhạc bằng đĩa than, người chơi băng cối cũng phải có sự hiểu biết, tỉ mẩn, và đam mê nhất định với hình thức nghe nhạc có phần hoài cổ này. Giá đầu băng cối dao động từ 3 triệu đến 70 triệu và khi sử dụng, chủ nhân của nó phải thường xuyên lau chùi, đảm bảo sợi băng được làm bằng bột từ không bị ẩm ướt.
Bên cạnh đó, người nghe nhạc còn có thể thưởng thức âm nhạc bằng đĩa CD hoặc băng cát-sét. Tuy nhiên, các sản phẩm âm nhạc phổ biến vào thập niên 90 của thế kỷ trước này có nhược điểm dễ hư hỏng, gãy vỡ, nếu không được sử dụng thường xuyên hoặc bảo quản cẩn thận. Giá những chiếc đĩa CD khá “mềm”, nhất là khi người mua đĩa CD thấy như một món hời khi được tặng kèm một số dịch vụ như album ảnh, thông tin “độc” về ca sĩ mình yêu thích.
Khi ngành công nghiệp kỹ thuật số phát triển và mạng Internet “bùng nổ”, người ta có thể dễ dàng nghe nhạc trên máy tính, điện thoại hoặc các loại máy lưu trữ nhạc nhỏ xinh chỉ bằng bao diêm. Chỉ cần đăng ký tài khoản và bỏ một khoản tiền khiêm tốn trên một trang mạng cung cấp nhạc độc quyền, người yêu nhạc có thể dễ dàng có được ca khúc mình yêu thích.