1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Thi người đẹp ở Việt Nam: Nghịch lý thừa và thiếu

Mỗi năm chúng ta đều có vài người đẹp đăng quang trong các cuộc thi nhan sắc. Nhưng các người đẹp Việt Nam vẫn không đủ tự tin, bản lĩnh và cả trí tuệ để đi thi tại các đấu trường sắc đẹp quốc tế. Thế nên năm 2006, chúng ta lại lỡ hẹn với cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ, một trong 2 cuộc thi sắc đẹp có uy tín lớn nhất trên thế giới.

Tính đến thời điểm này, có ít nhất 3 cuộc thi sắc đẹp đã chính thức khởi động trong năm 2006: Hoa hậu Việt Nam của Báo Tiền phong, Hoa hậu biển tại Vũng Tàu, Người đẹp các vùng kinh đô Việt Nam. Đó là chưa kể cuộc thi "Nữ hoàng trang sức Việt Nam" và "Thôn nữ duyên dáng" cũng vừa kết thúc cuối năm 2005 để lại nhiều dư âm không hẳn là tốt đẹp. Nghĩa là các cô gái đẹp Việt Nam có quá nhiều cơ hội để đăng quang.

Nhìn lại các cuộc thi, có truyền thống và uy tín nhất thuộc về cuộc thi hoa hậu Báo Tiền phong. Cuộc thi này đã và đang chuẩn bị cho đêm chung kết vào mùa thu tại Nha Trang và năm nay VTV3 lại độc quyền truyền hình trực tiếp. Nhưng ngay cả cuộc thi lớn này thì Ban tổ chức cũng phải trả lời khá nhiều câu hỏi trong cuộc họp báo tuần trước về scandal của các hoa hậu và "hàm lượng trí tuệ" của thí sinh. Phần thi ứng xử luôn là phần khán giả thót tim vì thường phải chứng kiến những câu trả lời ngô nghê và... "lỡ miệng" của các người đẹp.

Cuộc thi "Nữ hoàng trang sức Việt Nam" với mục đích tôn vinh các nghề thủ công mỹ nghệ còn cho thấy một thực tế, dường như người đẹp nào cũng... thiếu sức sáng tạo một cách đáng ngạc nhiên.

Ngày 1/3, thêm một cuộc thi nhan sắc nữa chính thức được công bố vào guồng quay trong năm 2006: "Người đẹp các vùng kinh đô Việt Nam năm 2006" do Công ty cổ phần Hoàng Nhật Quang đứng ra tổ chức (phối hợp cùng Hội Di sản Văn hóa, Hội Khoa học lịch sử và Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn - Phát huy văn hóa dân tộc).

Điều đáng chú ý là cuộc thi này chỉ cho phép các cô gái của 5 tỉnh từng là kinh đô xưa của Việt Nam như Ninh Bình, Phú Thọ, Hà Nội, Thanh Hóa, Huế, có độ tuổi từ 18 đến 25, kể cả đang là học sinh phổ thông trung học tham dự.

Về bản chất, đây là một cuộc thi người đẹp đơn thuần, với các vòng thi như một cuộc thi hoa hậu, nhưng mục đích mà Ban tổ chức nghĩ ra thì lại nhằm tôn vinh những di sản, những giá trị văn hóa...

Có tới 5 ý nghĩa (theo Ban tổ chức) của cuộc thi này, đó là: góp phần bảo tồn và tôn vinh các di sản văn hóa; hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; là sinh hoạt văn hóa mang tính thẩm mỹ, nghệ thuật và trí tuệ; quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam; đa dạng hóa các hoạt động của Festival Huế...

Nếu đúng như những mục đích cao đẹp này thì quả nhiên đây sẽ là một trong những cuộc thi sắc đẹp có "hàm lượng chất xám" cao. Bởi giới hạn địa lý đã ngăn không cho các cô gái trên toàn quốc đến với cuộc thi và những ai lọt vào vòng chung kết sẽ phải có tài năng nghệ thuật để giới thiệu những nghệ thuật truyền thống của quê hương mình, đồng thời cũng phải hiểu biết sâu sắc về các kinh đô Việt Nam nhằm trả lời phần thi ứng xử...

Tuy nhiên, theo nhiều người, có vẻ như "chiếc áo quá rộng với người mặc". Bởi một cô gái đoạt giải cao nhất cuộc thi này hẳn là một người đẹp uyên bác, điều mà công chúng mong đợi từ rất lâu (ở những cuộc thi có quy mô toàn quốc) mà vẫn chưa tìm thấy.

Các cuộc thi người đẹp vẫn tiếp tục được tổ chức, mỗi năm đều có vài người đẹp đăng quang. Nhưng các người đẹp Việt Nam vẫn không đủ tự tin, không đủ bản lĩnh và cả trí tuệ để đi thi tại các đấu trường sắc đẹp quốc tế. Và dư luận không tốt về các người đẹp vẫn liên tục xuất hiện, mà không phải tin đồn nào cũng là thất thiệt.

Dù chúng ta có quá nhiều hoa hậu, nhưng năm 2006, chúng ta lại lỡ hẹn với cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ, một trong 2 cuộc thi sắc đẹp có uy tín lớn nhất trên thế giới. Nghịch lý này đã xảy ra sau sự kiện ầm ĩ "thi hoa hậu chui" của Phạm Thu Hằng năm ngoái.

Công ty Elite Việt Nam, đơn vị chuyên gửi người dự thi các cuộc thi hoa hậu cho biết, dù rất muốn nhưng họ không dám tự động gửi người vì việc Phạm Thu Hằng đi thi năm ngoái và bị phản ứng, thậm chí có dư luận còn gay gắt là nếu cô được vương miện cũng không được công nhận tại Việt Nam.

Sau sự kiện đó, tưởng như chúng ta đã có những quy định lại một cách rõ ràng và chi tiết hơn, nhưng đến nay vẫn chỉ có Hoa hậu Báo Tiền Phong đủ điều kiện để đi thi Miss World, mà cuộc thi này lại chỉ tổ chức 2 năm một lần. Chuyện thiếu và thừa của hoa hậu Việt Nam vẫn còn dài và ít nhất đến lúc này vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi.

 Theo Công An Nhân Dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm