Thanh Lam: “Với tôi, nhạc Trịnh là khát vọng”

Bỏ qua một bên những khen chê về cách hát, Thanh Lam lại ra tiếp album hát nhạc Trịnh "Này em có nhớ" do Trần Mạnh Hùng phối khí, Lê Minh Sơn biên tập. Không bàn đến hay dở, phải công nhận rằng Thanh Lam đã tạo một lối đi riêng lạ lẫm trong nhạc Trịnh...

Album Ru mãi ngàn năm của chị chịu rất nhiều lời nhận xét là chị không hợp với nhạc Trịnh, nhưng có vẻ điều ấy không ảnh hưởng gì đến chị lắm khi mà album Này em có nhớ cũng toàn nhạc Trịnh, xem như là một Ru mãi ngàn năm Vol.2 sắp sửa ra mắt?

 

Đúng là có nhiều đánh giá không được tốt lắm về album trước, nhưng tôi nghĩ, khi đã đi theo một xu hướng thì mình phải làm thêm nữa để chứng tỏ xu hướng của mình và để người nghe có thể từ từ thâm nhập, hiểu thêm nét biểu cảm của âm nhạc Trịnh Công Sơn qua tiếng hát Thanh Lam. Đó là lý do tôi làm album này, và cũng có thể đây sẽ là album cuối tôi hát nhạc Trịnh, nên tôi đã dồn vào đây rất nhiều tâm huyết.

 

Chị có thể miêu tả qua về âm nhạc cũng như cách thể hiện của chị trong Này em có nhớ? Vẫn lối hòa âm bán cổ điển và cách hát gằn giọng, đãi giọng hay sẽ khác đi?

 

Vâng, vẫn phong cách hòa âm bán cổ điển phối hợp với nhạc cụ dân tộc của Trần Mạnh Hùng (7 bài) và Lê Minh Sơn (1 bài). Lối hát của tôi thì có thể nói là biểu cảm hơn, “ngầu” hơn, thả lỏng toàn bộ cảm xúc, hát bản năng. Nhiều người nói trong Ru mãi ngàn năm tôi hát tự nhiên quá, nhưng thực ra khi ấy tôi còn tiết chế nhiều, bây giờ mới thực sự “tự nhiên chủ nghĩa”.

 

Không thể tự nhận xét hay dở, nhưng tôi cho rằng đây là một album mà chúng tôi làm rất nghiêm túc với tất cả khả năng có được, mới mẻ, không bị rập khuôn. Một ví dụ vui cho sự làm việc nghiêm túc là trong khi thu bài Một cõi đi về, nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng và người đánh đàn đáy đã căng thẳng với nhau đến mức cãi nhau to vì người đánh đàn thích ngẫu hứng trong khi Trần Mạnh Hùng lại muốn phải đánh theo tổng phổ. Sự căng thẳng ấy nói lên mong muốn đạt đến hoàn thiện của chúng tôi trong âm nhạc.

 

Qua âm nhạc Trịnh Công Sơn, chị cảm nhận được điều gì và muốn chuyển tải đến người nghe điều gì?

 

Với riêng tôi, nhạc Trịnh luôn ở trong đời sống của mọi người, rất dung dị và hợp với tính biểu cảm của người Việt, chứa đựng những khát vọng nhẹ nhàng uyển chuyển chứ không cuồng nhiệt như nhạc sỹ trẻ bây giờ, cuồng nhiệt như Lê Minh Sơn đấy (cười).

 

Khát vọng trong nhạc Trịnh là những khát vọng ảo, mộng mị và theo chiều hướng than vãn, bởi nhạc sỹ không bao giờ giành giật, mà trong cuộc sống, có khi đánh mất cũng là chiến thắng. Tôi muốn đẩy mạnh khát vọng ảo ấy thành những khát vọng có thực của con người thực trong một không gian thực, dù có thể đó chỉ là khát vọng của một người đàn bà Thanh Lam mà thôi.

 

Sau khoảng thời gian 3 năm im hơi lặng tiếng kể từ album Mây trắng bay về, có vẻ chị muốn bù đắp khi liên tục ra album, rồi sắp tới còn có album Tuyển tập, album Tự sự 2, album Em và Đêm hát nhạc Lê Minh Sơn. Ra nhiều như vậy, chị không sợ người nghe chán sao?

 

Sau khoảng lặng, tôi may mắn tìm được Lê Minh Sơn là cộng sự ăn ý, là điểm tựa để tôi hoạt động nghệ thuật. Người nghệ sỹ thì chỉ làm việc tốt khi hứng khởi, có thể năm ngoái tôi không ra album, năm nay lại ra 4 cái là chuyện bình thường chứ không phải đều đặn mỗi năm một album là tốt. Quan trọng là tôi có cảm xúc để hát và làm việc, và tôi tin âm nhạc mà tôi đem đến cho khán giả sẽ có chất lượng.

 

Và chất lượng ấy được chứng tỏ bằng mức giá cao gấp rưỡi (50.000đ) so với album thường?

 

Đúng vậy, một phần vì đầu tư thu âm cao để đảm bảo chất lượng, một phần vì tôi muốn khẳng định giá trị của ê-kíp chúng tôi. Có thể những album sau, nếu làm theo dạng limitted edition, nghĩa là đầu tư cao, số lượng phát hành giới hạn thì giá sẽ cao hơn nữa.

 

 Theo Hải Thủy

Giai Điệu Xanh