“Quanh quẩn vẫn mấy gương mặt cũ…”
(Dân trí) - Sau 5 năm gián đoạn, <a href="http://www5.dantri.com.vn/giaitri/2006/5/116366.vip">Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc</a> lần thứ VII sẽ được khai mạc vào sáng mai (12/5) tại phố cổ Hội An. Trước ngày Hội nghị diễn ra, phóng viên đã có cuộc chuyện trò nhanh với một vài cây bút trẻ tiêu biểu.
Anh chị có cảm giác thế nào khi đến Hội nghị lần này?
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: Tôi đã 3 lần tham dự Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc. Năm nay là lần đầu tổ chức ở Hội An, cảm giác mới mẻ đấy (vì đây là địa điểm du lịch rất thú vị), nhưng…quanh quẩn vẫn chỉ thấy những gương mặt cũ.
Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu: Tôi có cảm giác như mình đang thực hiện một chuyến đi du lịch, gặp gỡ bạn bè. Có thể sẽ gặp được nhiều bạn tốt, lắng nghe được nhiều ý kiến hay, và cũng giống như những người tham dự Hành trình Văn hoá nói: “Tôi đến đây để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm”.
Nhà thơ Vi Thuỳ Linh: Tôi thấy thiếu vắng những cây bút mới, hay nói đúng hơn là không có những cây bút mới và những tác phẩm mới. Đây có thể coi là một cuộc điểm danh và tập hợp lực lượng văn trẻ đấy, nhưng… sao vẫn thấy hiu hắt quá.
Anh chị sẽ nói gì tại Hội nghị?
Nhà thơ Vi Thuỳ Linh: Tôi chả muốn nói gì cả. Tôi sẽ lắng nghe tất cả mọi người, thời gian đã dạy cho tôi sự điềm tĩnh. Tôi nghĩ nên trả lời bằng cách thể hiện mình trên tác phẩm chứ không phải bằng lời nói.
Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu: Tôi dự định có một vài lời rất ngắn trong chương trình tọa đàm “2 phút cho 1 ý tưởng sáng tạo”, tôi đặt tên nó là: “Khu vườn đẹp, nhưng không phải là một khu vườn Thần Thánh”. Tôi không nhận xét về văn học trẻ, mà chỉ nói ý kiến của tôi, nhận thức của tôi về Chân, Thiện, Mỹ trong tác phẩm văn học bây giờ thôi
Nhà văn Nguyễn Danh Lam: Hình như ai cũng nói suốt ngày rồi, nên thành thử với tôi không nhất thiết phải gặp nhau ở đại hội lần này mới… nói nữa.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: Tôi sẽ đề cập đến vấn đề cách nhìn nhận mới hơn về những người làm thơ trẻ. Tôi nghĩ cứ để thơ trẻ phát triển một cách tự nhiên. Thơ trẻ cũng như một đứa trẻ, được nuông chiều quá thì sẽ hư.
Với tư cách của một nhà văn trẻ, anh chị đánh giá như thế nào về tình hình văn nghệ trẻ giữa hai lần Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc 2001 -2006?
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: “Ưu điểm” lớn nhất giữa hai lần gặp mặt này là có một gương mặt được vào BCH Hội Nhà văn, chị Phan Thị Vàng Anh. Bên cạnh đó, dù xuất hiện một số trào lưu “nông nổi” (xin lỗi vì tôi không tìm được từ chính xác) như nhóm Ngựa trời hay Mở miệng, nhưng ít nhiều cũng khẳng định được những người đang cầm bút không đi trên lối mòn. Còn trong tương lai, dòng văn chương trên mạng sẽ là dòng văn học không bị bó buộc vào thủ tục xuất bản và không điên đầu vì chuyện phát hành. Đấy là chuyển biến tích cực nhất.
Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu: Tôi nghĩ rằng, bây giờ có nhiều cây bút mới xuất hiện, đa dạng và đang có nhiều cố gắng. Tôi cũng không biết có những nguời nào viết giống tôi, nhưng dù viết thế nào thì tôi cũng trân trọng họ. Vì bản thân viết văn đã là một công việc khó nhọc rồi, người trong nghề với nhau chỉ nên động viên nhau chứ không nên chê bai.
Phương Minh
(thực hiện)