Nhà thiết kế Ngô Thái Uyên:
Quá khứ đã khép lại
Vào thời điểm các nhà thiết kế trẻ hăng say mở tiệm riêng để khuếch trương nhãn hiệu trên thị trường, Ngô Thái Uyên đã tìm cho mình một cơ hội khác: Kiếm học bổng sang Mỹ học thiết kế thời trang, sau đó, vừa chăm sóc cửa hiệu riêng và làm trưởng phòng thiết kế của một công ty Hàn Quốc.
Thì tôi chỉ mãi làm ra những mặt hàng lạ, độc đáo, như những kỷ niệm nhỏ để du khách mang về nước. Nếu thế thì cũng chỉ đi lòng vòng: Khách du lịch có nhu cầu, sở thích khác nhau theo từng thời điểm. Chạy theo họ thì coi như chạy chợ, mất đi phong cách sáng tạo của riêng mình. Còn những người thấy được tiềm năng của tôi đến đặt hàng lại ngại: Cơ sở sản xuất nhỏ, e không đáp ứng nổi. Khi khách du lịch ít dần, tôi quyết định dẹp tiệm, thành lập công ty cổ phần, bước chân vào lĩnh vực tư vấn thiết kế vốn chưa mấy ai làm...
Vì sao chị từ chối cơ hội tiếp cận thị trường thời trang Mỹ?
Tháng 4/2005, Công ty NTU có đơn đặt hàng xuất khẩu đầu tiên đi Mỹ của J.Jill, tập đoàn có 160 cửa hàng bán lẻ trên toàn nước Mỹ. Trị giá lô hàng (trên 5.000 sản phẩm chủ yếu là hàng thủ công cao cấp như khăn choàng, túi xách) trị giá trên 100.000 USD. Giá bán lẻ tại thị trường Mỹ là trên 100USD/món. Yêu cầu từ phía khách hàng là sử dụng nguyên liệu tơ tằm 100% của VN. Nhận được đơn hàng, chúng tôi mừng lắm. Một số mẫu mã của tôi được đưa vào catalogue của J.Jill và với lời giới thiệu về người thiết kế, xuất xứ sản phẩm...
Nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì mới nhận ra rằng mình không có được nguồn nguyên liệu ổn định. Sản phẩm tơ tằm VN chất lượng không đồng đều, trong khi đơn hàng xuất khẩu lại nghiêm ngặt, hàng lỗi là bị trả lại. Hợp đồng lớn, sản xuất hàng loạt, nếu tiếp tục làm thì không tránh khỏi rủi ro. Chính vì thế, tôi buộc phải đổi hướng. Tập đoàn đó cũng thuê tôi làm việc trong vòng 6 tháng với mức lương 7.000-8.000USD/tháng, nhưng lúc ấy tôi chỉ nghĩ, nếu tôi bỏ đi thì bao nhiêu người trong một công ty non trẻ nhu NTU sẽ xoay xở thế nào. Và tôi quyết định ở lại. Cũng còn không ít lời mời khác, nhưng với tôi, đào tạo con người mới là chiến lược lâu dài.
Nhưng dường như chị lại lao vào một lĩnh vực mạo hiểm khác?
Đó là không đầu tư vào sản phẩm, mà đầu tư vào trí tuệ. Công việc chính là chẩn bệnh, kê toa, giao "bí kíp" cho doanh nghiệp, tức là tư vấn về thời trang chuyên nghiệp, cách phục vụ, cách làm hàng hoá... Lâu nay, nhiều doanh nghiệp chưa làm hết công suất vì không tìm được đầu ra. Họ chỉ có thể làm gia công cho các hãng may mặc lớn của nước ngoài, nhưng không thể chủ động mẫu mã để chào ngược lại cho đối tác khi năng lực sản xuất đã đạt yêu cầu.
Và đối với thị trường nội địa thì hoàn toàn lúng túng... Chúng tôi giúp các doanh nghiệp làm đúng với năng lực sản xuất và đúng với nhu cầu khách hàng của họ. Chúng tôi đang đi tìm sự chuyên nghiệp của mình trong thời gian ngắn nhất. Đội ngũ thiết kế, tư vấn người VN còn yếu, thì chúng tôi thuê người nước ngoài về làm. Không chỉ học hành bài bản, họ có khả năng thu hút người VN làm việc theo đội, nhóm với tinh thần đoàn kết. Với công ty khác, có thể mất 5-10 năm. Nhưng với chúng tôi, hy vọng năm sau sẽ khác.
Chị quan niệm thế nào về thời trang?
Thời trang không chỉ là quần áo, bề ngoài, mà trong cuộc sống hiện đại là cả con người, tính cách, văn hoá tiêu dùng. Không phải cứ có tiền là ăn mặc đẹp, người ta cần có kiến thức, có học để vừa có gu ăn mặc thẩm mỹ, vừa không vứt tiền qua cửa sổ. Nếu như cái đẹp ngày xưa theo chuẩn, thì ngày nay chuẩn quá có khi lại không đẹp, chệch đi một chút mới là cá tính của vẻ đẹp. Mỗi người phải tự khám phá cái đẹp cho bản thân mình, chứ không ai chỉ ra được.
Thời trang là những gì bạn thấy phù hợp với con người mình, thấy tự tin với chính bạn. Chính vì thế, tôi không quá chuộng đồ hiệu và không bao giờ phí trên triệu bạc vì một cái quần hay cái áo. Thay vào đó, tôi tự thiết kế cho mình và dành tiền mua sách. Càng đọc bao nhiêu càng thấy không đủ. Ngày trước, ông nội tôi thường dặn, phải biết nhìn xa trông rộng, nếu không thì mất nhiều cơ hội... Tôi từng được biết đến qua những cuộc thi, buổi trình diễn. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở các show biểu diễn thì quả thật vốn kiến thức của tôi chẳng giúp ích gì cho xã hội mà chỉ phục vụ cho cái tên Ngô Thái Uyên.
Thời trang không chỉ là sự hào nhoáng sàn diễn mà còn là công ăn việc làm của bao nhiêu người lao động trong các phân xưởng may, những người mà không có họ, tôi không được như hôm nay. Cứ lên sàn diễn hoài tôi nghĩ cũng chẳng để làm gì, thay vì hỗ trợ cho những người không có được cơ hội như mình kiếm được công ăn việc làm ổn định.
Chị nghĩ gì về tiềm năng của những công ty tư nhân như NTU?
Tôi đọc một số tài liệu, thấy người ta đưa ra con số 2 năm nữa, trên 50% doanh nghiệp ngành may mặc sẽ phá sản vì khủng hoảng ngành may mặc gia công. Con số đó quả không ít vì hiện nay có khoảng 2.000 doanh nghiệp ngành này, mà mỗi doanh nghiệp ít nhất cũng có trên 200 công nhân. Khi đó, chắc sẽ còn rất nhiều các đơn vị muốn trụ lại với ngành sẽ rất cần những công ty tư vấn như của chúng tôi.
Trên thực tế, không nhiều khách hàng đến với các nhà thiết kế trẻ hiện nay, ngoại trừ giới ca sĩ. Khoảng cách giữa họ và người tiêu dùng dường như chưa thu ngắn được. Để nắm được thị hiếu người tiêu dùng, một nhà thiết kế cần có những động thái nào?
Thử đặt mình là người tiêu dùng. Mình không còn là nghệ sĩ, mà chỉ là một người phụ nữ bình thường, một người tiêu dùng bình thường. Tôi thường xuyên đi shopping, mở to mắt nhìn xung quanh và dùng cảm tính nghệ sĩ trong mình để "đánh hơi" tâm lý tiêu dùng của khách hàng. Ngoài ra, nhờ thời gian đi dạy ở trường J.R.P ở Phú Mỹ Hưng, khoá học "Sức mạnh trang phục", tôi có điều kiện tiếp xúc học viên, tìm hiểu sở thích, yêu cầu của họ về thời trang. Việc thu nhận thông tin từ người khác hết sức quan trọng.
Không chỉ là nhà thiết kế có cá tính, trong đời sống riêng, chị là một phụ nữ độc lập. Điều này có phải trả giá?
Được người khác che chở cũng có cái lợi mà cũng có cái hại. Lợi là được sống trong không khí gia đình, được mọi người yêu thương nhưng hại là thường không chịu được cảm giác cô đơn, gặp chuyện là suy sụp. Đối với những người như tôi, có thể thiếu sự chia sẻ của gia đình hoàn chỉnh, nhưng tôi không còn sợ cảm giác cô đơn. Bố mẹ và em gái tôi sang Mỹ định cư từ năm 1996, chỉ còn tôi ở lại VN.
Và khi quyết định làm mẹ, tôi là một người mẹ độc thân. Tôi nghĩ rằng khi tôi nói ra những điều này, câu chuyện quá khứ dường như đã khép lại và từ nỗi đau, ai cũng có một cơ hội để trưởng thành. Tôi tin con tôi sẽ là người đàn ông đủ sâu sắc để biết trên đời có những người phụ nữ như mẹ mình, để biết làm người đàn ông đích thực. Hạnh phúc, đối với tôi bây giờ đơn giản lắm và cũng khó lắm khi tôi mong muốn làm cho những người sống xung quanh mình được hạnh phúc.
Theo Lao Động