Phim chiến tranh Việt chưa hấp dẫn

"Khi thấy các diễn viên vào vai bộ đội mặc trang phục mới tinh, vị đạo diễn phim Điện Biên Phủ người Pháp đã bỏ về. Ông yêu cầu người thiết kế trang phục phải làm trang phục cho cũ đi. Tất cả phải tôn trọng hiện thực," Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn kể lại.

Thiếu tính triết lý

 

Kịch bản sâu sắc, chân thực là chất liệu tạo dựng nên một bộ phim chiến tranh hay. Để viết được những kịch bản như vậy, nhà biên kịch không thể dễ dãi mà phải đầu tư nhiều công sức. Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, đạo diễn - NSND Hải Ninh và nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ đã mất tới 5 năm đi thực tế viết kịch bản Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. NSND Hải Ninh kể: “Tôi và anh Hoàng Tích Chỉ mỗi người một chiếc xe đạp, vượt qua chặng đường máu lửa suốt từ Hà Nội vào tới Vĩnh Linh. Thời đó có phóng viên người Nhật đã phải thốt lên, ai đi từ Hà Nội vào Vĩnh Linh và trở ra Bắc là đã có thể phong anh hùng”.

 

Còn nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn - tác giả kịch bản bộ phim truyền hình Huyền thoại 1C (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân), đã mất 4 năm “đi đi lại lại” các tỉnh miền Tây, tới con đường xưa nơi 800 nữ thanh niên xung phong tham gia vận chuyển vũ khí, thuốc men... trong kháng chiến chống Mỹ, đến nhà, trò chuyện với những người còn sống, đọc tất cả những lá thư của họ gửi cho ông...

 

Theo nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn, một trong những điểm còn hạn chế của phim chiến tranh Việt Nam là thiếu tính triết lý, hoặc thậm chí không có, mà đơn thuần chỉ là mô tả lại những cuộc chiến. Không ít bộ phim bị khán giả chê vì không khí, cảnh chiến đấu giả tạo. Cho đến bây giờ, NSND Hải Ninh vẫn được coi là đạo diễn phim chiến tranh hàng đầu của Việt Nam. Một trong những yếu tố thuận lợi của đạo diễn là ông đã được trải nghiệm thực tế. Ông đã đi gần như trọn vẹn cả hai cuộc chiến tranh. Không phải đạo diễn nào làm phim chiến tranh cũng trải nghiệm thực tế, điều cần là đạo diễn phải có kiến thức, kỹ năng dàn dựng cảnh chiến tranh. Theo nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn, đa số các đạo diễn ở ta vẫn còn dàn dựng cảnh chiến đấu sơ lược, không có khả năng dàn dựng những trận đánh lớn, có sự phối hợp của nhiều bình chủng, nhưng nhiều khi lại đổ lỗi cho kinh phí làm phim thấp.

 

Một trong những yếu tố góp phần tạo nên bộ phim hấp dẫn là những cảnh quay. Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn nhận xét, nhiều nhà quay phim không thực hiện cảnh quay theo điểm nhìn của nhân vật - người đang tham gia chiến đấu, vì thế gây cho người xem có cảm giác đang đứng ngoài chứ không phải trong cuộc chiến. Trang phục trong phim chiến tranh cũng là yếu tố cần phải chân thực. Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn nhớ lại: “Khi thấy các diễn viên vào vai bộ đội mặc trang phục mới tinh, vị đạo diễn phim Điện Biên Phủ người Pháp đã bỏ về. Ông yêu cầu người thiết kế trang phục phải làm trang phục cho cũ đi. Tất cả phải tôn trọng hiện thực”. Trong khi đó, bên cạnh khả năng diễn xuất, diễn viên cũng phải tạo hình tượng chân thực, như da phải đen, cháy nắng cho thấy sự ác liệt của chiến tranh...
 
Phim chiến tranh Việt chưa hấp dẫn   - 1
Cảnh trong phim Đường Hồ Chí Minh trên biển - Ảnh: Đỗ Tuấn

 

Cần có chiến lược

 

Đạo diễn Hải Ninh nhìn nhận: “Trong các đề tài thì đề tài chiến tranh chiếm vị trí quan trọng với phim ảnh. Các tác phẩm giúp truyền niềm tự hào, sức mạnh của đất nước từ thế hệ này sang thế hệ khác”. Tuy vậy, theo ông, chúng ta chưa có chiến lược đầu tư lâu dài, cụ thể cho phim chiến tranh. Thường thì việc đầu tư chỉ được thực hiện nhỏ lẻ, trong khi đầu tư cho nghệ thuật cần cả một thời gian dài. Đạo diễn Hải Ninh bày tỏ, phim chiến tranh phải là một tác phẩm nghệ thuật, mang tính văn hóa, “nếu chỉ phục vụ mục đích tuyên truyền thì sẽ hạ thấp tính lịch sử, hạ thấp cuộc sống”.

 

Mặt khác, đa số các bộ phim chiến tranh đều do các hãng phim nhà nước sản xuất. Trong khi đó, hầu hết các đơn vị này lại chưa quen, hay không có tiền để quảng bá phim, “nên bỏ qua các bước, giai đoạn thu hút sự tò mò của khán giả đến xem phim. Trái lại, các hãng phim tư nhân lại rất nhạy bén với công việc này”.

 

“Làm phim chiến tranh hấp dẫn khán giả càng ngày càng khó” - nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn nhìn nhận. Phim cần phải hội tụ các yếu tố như câu chuyện nhân văn, cách dàn dựng chân thực, diễn xuất có sức hút của diễn viên. Ông cho rằng, phim chiến tranh không phải chỉ sản xuất cho khán giả trong nước xem, không nên có góc nhìn “khu biệt”, mà phải chuyển tải câu chuyện có ý nghĩa với thế giới.

 

Theo Minh Ngọc

Thanh Niên