Phim "cấm" Trung Quốc hấp dẫn các nhà làm phim Mỹ
(Dân trí) - Việc bị các nhà chức trách Trung Quốc cấm trình chiếu khiến sức hấp dẫn của bộ phim “<a href="http://dantri.com.vn/giaitri/phim/2006/5/117687.vip">Cung điện mùa hè</a>” càng lên cao. Đó là lý do tại sao hãng Palm Pictures của Mỹ đã quyết định mua bản quyền tác phẩm điện ảnh gây tranh cãi của đạo diễn trẻ Lou Ye.
Cung điện mùa hè là bức tranh phản ánh những biến đổi trong xã hội Trung Quốc trong năm 1989 qua con mắt của một đôi tình nhân trẻ. Cô gái xinh đẹp Yu Hong đã rời bỏ quê hương và gia đình để tới Bắc Kinh học đại học. Tại đây, cô đã dần khám phá những khác biệt về giới tính, quan hệ nam nữ và những trải nghiệm về tình cảm mới lạ với cậu bạn sinh viên cùng lứa Zhou Wei.
Theo thời gian, mối quan hệ của họ đã biến thành một trò chơi nguy hiểm đối với cả hai người khi họ bị cuốn vào vòng xoáy “đấu tranh chứng tỏ cái tôi, đòi quyền tự do và dân chủ” của lớp sinh viên cùng lứa.
Bộ phim đã được đem đi tranh giải và là đại diện châu Á duy nhất tại Liên hoan phim quốc tế Cannes tại Paris hồi trung tuần tháng 5. Tuy nhiên, Cung điện mùa hè lại không được lòng các nhà chức trách Trung Quốc vì “chưa có giấy phép trình chiếu đã mang đi tranh giải”.
Các nhà chức trách cho biết, bản phim không đạt hiệu quả nghệ thuật vì nước phim quá tối và mờ. Nhưng lý do chính là do trong phim có khá nhiều cảnh quay nhạy cảm, không hợp với truyền thống văn hóa của các nhà văn hóa Trung Quốc.
Một cảnh phim trong "Cung điện mùa hè".
Vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 vừa rồi, Cung điện mùa hè cũng được đem đi tham dự liên hoan phim quốc tế Toronto (Cannada) và sắp tới là liên hoan phim Mill Valley. Đây là một liên hoan phim quốc tế diễn ra thường niên, không mang tính tranh giải do hiệp hội điện ảnh California (Mỹ) đứng ra tổ chức. Liên hoan phim Mill Valley là cơ hội để thưởng thức các bộ phim đặc sắc nhất từ khắp các châu lục và được tổ chức từ mùng 6 đến 16 tháng 10 hàng năm.
Tại liên hoan phim quốc tế Cannes 2006 hồi tháng 5 và Liên hoan phim quốc tế Toronto 2006 kết thúc vào đầu tháng 9 vừa rồi, Cung điện mùa hè đều nhận được những lời khen ngợi từ phía các nhà phê bình điện ảnh.
Theo họ, đạo diễn Lou Ye đã rất khéo léo và sáng tạo khi mượn câu chuyện tình sinh viên của Zhou Wei và Yu Hong để đề cập tới một vấn đề mang đậm tính xã hội, sự chuyển biến về quan điểm sống và tình yêu của thanh niên Trung Quốc khi tiếp nhận những cái mới và rũ bỏ những cái cũ.
Bằng một thứ ngôn ngữ vừa êm dịu vừa mạnh mẽ, bi thương nhưng đầy nhục dục, Cung điện mùa hè đã khắc họa thành công một câu chuyện tình đầy đam mê và cuộc đấu tranh không biết mệt mỏi với lịch sử và định mệnh của thế hệ trẻ khao khát tự do.
Đầu tháng 9 này, hai đạo diễn Lou Ye và Nai An của Cung điện mùa hè đã bị Bộ văn hóa Trung Quốc cấm hoạt động nghệ thuật (bao gồm: sản xuất, viết kịch bản và đạo diễn) trong vòng 5 năm.
Đây là lần thứ hai đạo diễn Lou Ye gặp khó khăn với các nhà kiểm duyệt văn hóa Trung Quốc. Trong năm 2000, đạo diễn Lou Ye đã bị cấm sản xuất phim sau khi đem bộ phim Suzhou River đi trình chiếu tại hai liên hoan phim quốc tế là Rotterdam và Tokyo mà không có giấy phép của bộ văn hóa Trung Quốc.
Lệnh cấm làm phim đối với Lou Ye đã được dỡ bỏ sau một năm rưỡi. Tuy nhiên, Suzhou River vẫn được cho phép phát hành dưới dạng đĩa DVD, còn Cung điện mùa hè sẽ không được phát hành dưới bất kỳ hình thức nào.
Đại diện của hãng Palm Pictures cho biết, chính việc Cung điện mùa hè đã lách luật tham dự các liên hoan phim quốc tế trong suốt một năm qua và những lời khen ngợi của các nhà phê bình điện ảnh đã khiến họ quan tâm đặc biệt tới bộ phim Trung Quốc gây tranh cãi này.
Nước phim mờ, tối đã khiến các nhà chức trách Trung Quốc
không cấp giấy phép phát hành cho "Cung điện mùa hè".
Mi Vân
Theo Sina