NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam - theo nghề vì tiền và đam mê

(Dân trí) - “Tôi không tin có người dám nói làm nghề này không vì tiền, không có tiền thì bạn không thể theo được bất cứ nghề gì dài lâu bởi ai nuôi sống gia đình bạn,” NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ.

Con đường anh tới với thời trang như thế nào?

Từ khi còn nhỏ, tôi nghe mọi người xung quanh nói chuyện rằng sau này lớn lên làm nghề “cơm ăn, áo mặc” sẽ không bao giờ sợ chết đói và tôi đã nghĩ rất nhiều về câu nói này. Ngày ấy tôi đã thích mặc đẹp nên khi bước vào học cấp 3, khi nhà trường có lớp hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh, con trai đều học ngành điện thì mình tôi vào học lớp may cùng các bạn gái. Thời đó, nguyên liệu không có, tôi tập cắt may bằng giấy xi-măng, sau đó còn lấy quần áo bảo hộ lao động đã rách nát của bố mẹ gỡ ra cắt thành chiếc quần, chiếc áo. Kết quả là trong mấy năm học cấp 3, tôi đã may vá và có thể kiếm tiền mua được nhiều thứ, lúc đó tôi rất tự hào.
Ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh trở thành nhà thiết kế thời trang?


Ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh trở thành nhà thiết kế thời trang?

Thực ra là không, đầu thập niên 90, khi ở Hà Nội bắt đầu có phong trào hát Karaoke, cùng với sự ham thích ca hát, tôi mạnh dạn vay tiền mở quán Karaoke nhưng không may bị vỡ nợ và số tiền phải trả bằng mấy cái nhà. Cú sốc đầu tiên khiến tôi cảm thấy bế tắc và thậm chí có ý định tự tử.

Dẹp quán Karaoke, tôi đi làm cho công ty may và chỉ trong 5-6 tháng đã trả hết nợ vì tôi làm tốt, hơn nữa tôi còn làm thêm ở ngoài, tập hợp những thợ may ở làng rồi nâng cấp họ từ may hàng chợ lên may hàng hiệu. Giai đoạn này tôi gặp may nên nổi lên khá nhanh rồi tôi mở một cửa hiệu cho riêng mình, kể từ đó, tôi xây dựng thương hiệu “Đỗ Trịnh Hoài Nam”.

Giờ đây nhắc tới tên anh là người ta sẽ nghĩ tới những trang phục đắt giá…

Sau gần 20 năm theo nghề này và đoạt nhiều giải thưởng về thiết kế, tôi thấy mình đủ kinh nghiệm và khả năng để làm cho bộ trang phục trở nên xứng đáng với số tiền khách hàng bỏ ra. Mỗi tác phẩm thời trang của tôi là độc nhất và người mặc sẽ thích vì tôi biết khách hàng cần gì.

Quan điểm của anh về thời trang?

Một bộ trang phục giá trị là không chỉ đẹp từ bên ngoài mà cả từ bên trong. Tức là trang phục phải đẹp từ những chi tiết nhỏ nhất, kể cả lộn trái ra cũng vẫn đẹp. Một chiếc áo, tôi không làm mác bình thường mà thêu để không cọ vào da người mặc. Tôi cũng sử dụng những nguyên liệu quý như vàng, pha lê, ngọc trai được thêu đính thủ công lên trang phục để tạo vẻ sang trọng. Quan điểm của tôi là: “Thời trang tạo nên giá trị con người khi xuất hiện”.
Những mẫu thiết kế mới của Đỗ Trịnh Hoài Nam

Những mẫu thiết kế mới của Đỗ Trịnh Hoài Nam
Những mẫu thiết kế mới của Đỗ Trịnh Hoài Nam
Như vậy nghĩa là anh đánh giá con người qua trang phục?
Bạn có thể coi tôi là “thày bói” trong thời trang. Khi ngắm một người mặc đồ, tôi phần nào hiểu tính cách của họ. Biết phong cách người khác thế nào thì sẽ dễ khiến họ hài lòng. Tôi thấy có người theo phong cách cổ điển - mãi người ta chỉ mặc như thế. Có người 1 năm vẫn mặc bộ trang phục đó, 5 năm sau vẫn mặc… bởi vì họ cảm thấy thoải mái và chỉ tự tin khi mặc bộ đó. Còn NTK phải biết cách làm thế nào trang phục mang phong cách của người mặc mà vẫn luôn mới, đó là điều quan trọng.

Tóm lại anh làm nghề vì đam mê thời trang hay vì tiền?

Trước đây, tôi thường thiết kế cho những khách hàng trẻ, không quan tâm nhiều đến tiền và khi đó tôi cũng không có nhiều tiền. Sau gặp rất nhiều khó khăn, tôi mới nghĩ đến tiền nhiều hơn và tôi chuyển hướng đối tượng khách hàng sang những doanh nhân thành đạt. Tôi không tin có người dám nói làm nghề này không vì tiền, không có tiền thì bạn không thể theo được bất cứ nghề gì dài lâu bởi ai nuôi sống gia đình bạn.

Tôi không dám nhận mình giàu có những tôi hài lòng với cuộc sống, với tôi, còn được làm nghề này - thế là đủ.

KL