NSƯT Trung Anh: “Tôi may mắn khi có được người vợ hết lòng vì gia đình”
(Dân trí) - NSƯT Trung Anh là gương mặt “trứ danh” của sân khấu, của phim truyền hình. Anh nổi tiếng với gương mặt khắc khổ, lúc nào cũng đóng những vai hiền lành, cơ cực. Trung Anh chia sẻ về thực tại khó khăn của sân khấu, và những câu chuyện đời rất riêng.
Ngoài sân khấu, anh đã có hằng trăm vai diễn lớn, nhỏ với phim truyền hình. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, Trung Anh bị đóng khung trong một kiểu mẫu nhân vật, lúc nào cũng hiền lành, khắc khổ… Anh có cho rằng, việc bị đóng khung trong một kiểu nhân vật sẽ mang đến sự nhàm chán cho khán giả?
Tại tôi có gương mặt khi lên hình nhìn khắc khổ quá, lúc nào cũng có vẻ đau buồn, nhầu nhĩ (cười). Các đạo diễn nhà mình thường thích… “ăn sẵn”. Cứ thấy diễn viên nào hợp với vai nào là mời luôn. Họ thấy tôi đóng hiền lành, khắc khổ hợp quá nên cứ mời mãi vào những kiểu nhân vật như thế.
Đã là diễn viên, không ai thích đóng mãi một kiểu nhân vật. Ai cũng muốn khẳng định được mình ở một kiểu nhân vật này, và thử sức mình ở một kiểu nhân vật khác. Tuy nhiên, những cơ hội như thế đối với tôi không nhiều. Mới đây, đạo diễn Vũ Trường Khoa mời tôi tham gia bộ phim Những công dân tập thể. Bộ phim xoay quanh cuộc sống, số phận của những công dân sống trong một khu tập thể cũ. Vai diễn của tôi có mang màu sắc khác với những nhân vật trước đây một chút. Hài hước hơn. Ít hiền lành, khắc khổ hơn.
Gắn bó với sân khấu gần 30 năm, có hàng trăm vai diễn nổi tiếng, có đài từ thuộc diện “hiếm có khó tìm” trong nghề diễn… Lẽ ra, đến bây giờ, Trung Anh phải có được nhiều hơn những gì anh đang có. Liệu, sự “thua thiệt” ấy có bắt nguồn từ việc anh cũng giống như những nhân vật của mình, luôn hiền lành, khắc khổ, nhàu nhĩ…Nên dễ bị lãng quên?
Thật ra, nếu bản thân tôi thực sự muốn phấn đấu để có cái này, cái kia, có thể đến giờ tôi cũng đã có một cái gì đó (cười). Tôi nói đơn giản về một vị trí quản lý ở nhà hát Kịch Việt nam (nơi tôi đang công tác) chẳng hạn, tôi từng giữ một vị trí trong nhà hát, tuy nhiên vì mâu thuẫn với ban giám đốc cũ, tôi đã xin trả lại chức vụ và đi học đạo diễn 2 năm.
Tôi không phải là người tham vọng thăng tiến. Tôi cũng không hiền lành. Đặc biệt khi nói về chuyên môn, tôi rất nóng tính. Sự nóng tính, thẳng tính của tôi dễ làm mất lòng nhiều người.
Sau “cuộc chiến” nảy lửa trong nội bộ các nhà hát trước đề án sáp nhập và thành lập ra Nhà hát Kịch Quốc gia VN, được biết, nội bộ nhà hát Kịch Việt Nam hiện tại khá… bệ rạc. Sau nhiều năm suy thoái, hơn bao giờ hết, nhà hát Kịch Việt Nam đang cần những nhà quản lý tài ba để vực nhà hát đứng dậy… Anh có nghĩ, anh phù hợp để giữ một vai trò trong việc vực nhà hát Kịch đứng dậy?
Nói thế này, có thể nhiều người không tin, nhưng quả thật tôi không quan tâm tôi sẽ chức vụ gì trong bối cảnh nhà hát đang gặp nhiều khó khăn như thế này, tôi chỉ quan tâm, “sếp” của tôi sẽ là ai. Đúng như bạn nói, nhà hát chúng tôi đang cần hơn bao giờ hết một nhân vật đủ tài, đủ tâm để vực nhà hát đứng dậy.
Nhà hát đã suy thoái. Bao năm nay, kịch mục thê thảm. Các đời Giám đốc thay đổi, nhưng chẳng ai thật tâm với nhà hát. Thậm chí, còn có những điều họ làm quá ác với nhà hát. Chúng tôi cần một người có tâm, có tình cảm thật sự với nhà hát Kịch Việt Nam.
Qua buổi họp với Bộ, tôi dự kiến sẽ xin một trong hai phó Giám đốc của Nhà hát Tuổi trẻ về làm Giám đốc nhà hát Kịch Việt Nam. Với anh Lê Hùng, tôi nghĩ, đã đến lúc anh ấy phải về nghỉ hưu. Về bản thân mình, tôi không mong gì hơn là được làm việc với một Giám đốc mới có tâm, có tài.
Vì, anh biết mình là ai?
Sân khấu suy thoái, thu nhập của nghệ sỹ vì thế cũng suy giảm. Trung Anh miệt mài đóng phim truyền hình, tham gia lồng tiếng… Đó là cách để anh kiếm thêm thu nhập?
Tôi thường nói, làm nghệ thuật, điều quan trọng nhất là đam mê. Niềm đam mê quan trọng hơn cả năng khiếu. Chỉ có đam mê mới giúp bạn có thể vượt qua những khó khăn, khắc nghiệt của nghề. Sân khấu mấy năm nay vất vả là thế, khó khăn là thế, nghèo đói là thế… Nhưng tôi không bỏ được. Thậm chí, sân khấu càng khó khăn, mình càng nặng lòng, càng khổ sở vì nó. Thế mới khổ!
Vợ anh nói gì về sự khổ sở này của anh? Về việc nghệ sỹ cứ sống bằng đam mê mà chẳng kiếm được nhiều tiền?
Vợ tôi hiểu. Tôi lấy vợ muộn. Năm 1997, tôi kết hôn. Vợ tôi làm nghề kế toán cho một chi nhánh của bưu chính viễn thông. Cô ấy hiểu và chăm lo gia đình chu đáo.
Vợ tôi xem rất nhiều những phim tôi đóng. Cô ấy không bao giờ kêu ca về kinh tế. Cô ấy lặng lẽ gánh vác công việc gia đình. Từ việc đưa con đi học, đón con về cũng một mình cô ấy đảm nhận. Chúng tôi có 2 cháu, cháu lớn năm nay đang học lớp 8- trường Amsterdam. Lịch học thêm của cháu rất nhiều. Vẫn một mình vợ tôi lo, để tôi có thời gian đi đóng phim, hay tập vở.
Quả thực, tôi may mắn khi có được người vợ hết lòng vì chồng con, vì gia đình. Hay nói cách khác, sở dĩ tôi theo được nghệ thuật đến hôm nay, là vì đã có được một hậu phương vững chắc.