NSƯT Thanh Tú: "Tôi có số hồng nhan"
"Tôi nhận ra tình cảm đặc biệt anh dành cho tôi. Một đời lặng thầm yêu tôi và nuôi con tôi, anh là người đàn ông tôi mang ơn suốt đời. Thế nhưng, tôi không muốn làm đổ vỡ hạnh phúc của anh chị", NSƯT Thanh Tú tâm sự.
Người ta bảo tôi có số hồng nhan, ngẫm lại đời mình, tôi thấy câu này cũng có phần đúng. Thế nhưng tôi không tiếc, vì dẫu sao đến giờ này, hạnh phúc đã ở bên tôi, niềm hạnh phúc giản dị không kèm hai chữ "hồng nhan".
Tôi sinh ra trong một gia đình trí thức danh giá ở phố cổ Hà Nội. Bố tôi nguyên là Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Mẹ tôi sinh 8 người con, tôi là con thứ hai. 9 tuổi, tôi được gửi đi học ở Trung Quốc theo chương trình dành cho con em cán bộ cấp cao, nhằm ươm nhân tài cho cách mạng. Thế nhưng, định mệnh đã chọn tôi theo con đường nghệ thuật.
Sau khi về nước, tôi thi vào đoàn văn công Hà Nội. Bộ phim đầu tiên tôi tham gia năm 1966 là Biển lửa, vai Thảo. Bốn năm sau, tôi vào vai cô sinh viên Hương Giang trong Tiền tuyến gọi.
Có người ví tôi như một ngôi sao tỏa sáng trên bầu trời điện ảnh Việt Nam thời kỳ đó. Tiền tuyến gọi trở thành lời thúc giục nhiều thế hệ thanh niên hăng hái viết đơn tình nguyện ra chiến trường. Sau đó, tôi vào vai bà mẹ của bé Hà trong Em bé Hà Nội, chị Hảo trong Vùng trời...
Kinh nghiệm tích lũy từ những vai diễn giúp tôi tự tin nhận vai chị Nhu trong Sao tháng Tám của đạo diễn Trần Đắc. Vào vai một nhân vật lớn của điện ảnh cách mạng và bộ phim màn ảnh rộng hai tập đầu tiên, tôi chịu khá nhiều áp lực.
Thời gian quay phim đã để lại trong tôi biết bao kỷ niệm. Lúc quay ở nhà máy điện Yên Phụ, giờ nghỉ trưa, chúng tôi đi ăn ở chợ Châu Long bên cạnh. Tôi tình cờ gặp một anh đi lấy xỉ than. Anh hỏi tôi làm gì, tôi bảo đi nhặt than. Anh chẳng nghi ngờ vì lúc đó tôi mặc nguyên trang phục công nhân của chị Thu.
Anh cười, nói tôi ăn trắng mặc trơn sẽ ăn đứt các diễn viên điện ảnh. Anh bảo về ở với anh cho đỡ phải đi nhặt than và rủ tôi đi chơi suốt cả buổi trưa. Hôm sau có cảnh quay, tôi thấy anh vẫn đợi ở chỗ hôm trước. Có lẽ lúc xem phim, anh ấy mới biết tôi là diễn viên. Lúc đó, tôi đã có con trai 7 tuổi.
Mối tình trong trắng thời vụng dại
Lịch quay phim Sao tháng Tám trùng với thời gian tôi đảm nhận vai chính trong Tanhia, vở kịch đạt mức kỷ lục với trên 1.200 suất diễn. Vai diễn "đóng đinh" tên tuổi tôi trên sàn diễn chính là quận chúa Minfo trong vở Âm mưu tình yêu. Vở diễn gây sấm sét trên sân khấu thủ đô năm 1979. Nhân vật của tôi vừa là bà hoàng, vừa là con điếm, vừa cao sang quyền quý, vừa phải quỳ gối van xin tình yêu của thiếu tá cận vệ. Vai diễn thành công bởi tình cảm tôi gửi gắm vào nhân vật tràn đầy, trên sân khấu, tôi không còn là tôi nữa.
Người chồng đầu tiên của tôi là đạo diễn Phạm Kỳ Nam. Anh chia tay vợ đầu, sau đó 3 năm mới quen tôi. 22 tuổi, tôi đóng Biển lửa và biển tình ập đến cuốn tôi vào mê muội. Anh hơn tôi hơn chục tuổi, thông minh, hóm hỉnh và tài hoa. Tôi lúc ấy trẻ người non dạ, ngộ nhận tình cảm quý mến là tình yêu và nghĩ rằng yêu là cưới. Lúc ấy, tôi không hề ý thức về sắc đẹp của mình.
Sau những nồng nàn ngây ngất cuốn trôi sự tỉnh táo, khi tôi nhận ra tình cảm mong manh như sương khói thì đã quá muộn. Thời gian chúng tôi sống với nhau rất ít ỏi. Khi tôi cho phép mình tự do, anh cũng tìm được bến riêng. Chúng tôi sống ly thân một thời gian dài trước khi chính thức ly dị.
Ngày ấy tôi non nớt quá. Giá mà tôi vững vàng như bây giờ, có lẽ mọi chuyện đã khác. Khi tòa án gửi giấy triệu tập ra tòa làm thủ tục ly dị chính là lúc tôi bị tràn dịch màng phổi. Nỗi đau chồng chất tưởng khó vượt qua. Bố mẹ tôi công tác ở nước ngoài. Anh em thân thích đều bận rộn gia đình. Người chăm sóc tôi tận tình là bạn học cùng khóa đạo diễn và ít tuổi hơn tôi.
Hạnh phúc lứa đôi không trọn vẹn
Mấy tháng trời anh túc trực bên tôi. Người phụ nữ nào lại không xúc động trước tấm lòng như vậy. Anh là người đàn ông tôi yêu thật lòng. Cả nhà ra sức ngăn cản nhưng chúng tôi vẫn đến với nhau. Tôi chịu nhiều điều tiếng và chấp nhận hy sinh, biết mình chỉ làm người bên lề.
Lo toan cho anh thênh thang trên con đường nghề nghiệp, nhưng sau những ngày vất vả vì miếng cơm manh áo, đến lúc sung túc, đủ đầy thì anh lại ra đi. Tôi chia tay anh khi con gái chúng tôi lên 6 tuổi. Lần chia tay này, tôi sa sút tinh thần thảm hại, đau đớn có lúc tưởng chừng tuyệt vọng nếu không nghĩ đến con. May mắn, bên tôi luôn có mẹ chia sẻ và che chở. Bà trở thành chỗ dựa tinh thần, đưa tôi qua hết cú sốc này đến cú sốc khác.
Hồng Nhật, con trai tôi, sống bên Pháp từ năm 13 tuổi. Gia đình một người bạn của chúng tôi nhận nuôi cháu. Đợt làm phim về Bác Hồ, anh Kỳ Nam thường đi lại bên đó nên chúng tôi cho con sang ăn học. Tưởng bố con được gần gũi nhau, nhưng cháu sang Pháp được một năm thì anh mất.
Gia đình Việt kiều nuôi con tôi có 5 người con và con trai chúng tôi là thành viên thứ 6, được anh chị coi như con đẻ. Có lần, anh chị mua vé máy bay để tôi sang thăm con.
Tôi biết anh chị rất tốt với mình, nhưng tôi nhận ra tình cảm đặc biệt anh dành cho tôi khi anh thổ lộ. Một đời lặng thầm yêu tôi và nuôi con tôi, anh là người đàn ông tôi mang ơn suốt đời. Thế nhưng, tôi không muốn làm đổ vỡ hạnh phúc của anh chị. Không ai khác, chính con trai tôi sẽ chịu thiệt thòi nhất.
Ngày vợ anh mất và đưa về Vũng Tàu chôn cất, tôi có đến đưa tang. Chứng kiến tình cảm sâu nặng của anh với vợ, tôi càng nhận ra mình đã làm đúng. Nhưng rồi anh gạt nước mắt khóc vợ, thổ lộ ý định về Việt Nam sống chung với tôi và vẽ ra cả một viễn cảnh đôi bạn tình già sống trong lãng mạn. Vì ân nghĩa người đã cưu mang con trai mình, tôi muốn chăm sóc anh trong những ngày tuổi già xế bóng. Trước linh hồn chị, tôi xin phép được làm vợ anh.
Tôi trở ra Hà Nội, chờ anh làm thủ tục giải quyết tài sản ở Sài Gòn và Vũng Tàu. Tôi cứ chờ mãi, gọi điện đến nhà anh thì nghe một giọng phụ nữ lạ. Con trai tôi bên kia biết tin, báo về: "Mẹ ơi, hỏng rồi... Bố có người khác rồi".
Tôi không trách những người đàn ông
Chính vì con tim tôi dễ rung lên bởi tình cảm chân thành mà bạn bè tôi thường thắc mắc vì sao có lúc tôi yêu người không đẹp trai, không giàu có, cũng không tài hoa. Có người bảo những người đàn ông ấy rất đỗi bình thường. Đã bao lần tôi tự vấn bản thân, nhưng không tìm được câu trả lời.
Tôi biết sự nhàm chán giết chết tình yêu và hơn ai hết, đàn ông luôn có ưu thế để đi tìm cái mới. Những người đàn ông đến với tôi đẹp đẽ và dũng cảm bao nhiêu thì khi chia tay, họ trở nên nhỏ bé và yếu thế bấy nhiêu. Khi hiểu quá nhiều về nhau, tôi thấy họ nhạt nhẽo và vô vị.
Tôi không trách những người đàn ông ấy. Họ đem tình yêu ngọt ngào đến với tôi và cho tôi những đứa con thông minh, xinh đẹp. Thế nhưng, hình ảnh đàn ông trong tôi bây giờ không còn lung linh và đẹp đẽ nữa.
Sau hai cuộc hôn nhân, ở tuổi ngoài 40, tôi càng rực rỡ mặn mà. Những giằng xé trong tâm hồn không làm tôi tàn tạ, héo úa. Trời cho tôi nhan sắc nhưng đôi khi bắt tôi phải khổ sở vì đàn ông dễ bị lung lay bởi cái đẹp.
Tôi không phải không có những phút xao lòng. Hàng chục năm trời sống một mình, con tim chẳng phải sắt đá. Việc lớn, việc nhỏ đôi khi rất cần đến bàn tay người đàn ông. Tuy nhiên, nghĩ về những đứa con cùng với cá tính quyết đoán, tôi nén lòng lại và chọn cuộc sống độc lập. Tôi đủ tỉnh táo nhận ra hoàn cảnh của mình. Đứa lớn mất bố, chỉ còn tôi là chỗ dựa tinh thần duy nhất. Con gái thứ hai ở với tôi, nếu tôi đi bước nữa, tình cảm mẹ con làm sao còn tròn đầy.
Tôi sẽ chẳng bao giờ đáp đền hết ơn nghĩa
Để được sống là mình và sống cho các con, tôi càng thấm thía hai chữ "tự do". Các con bên tôi luôn cảm thấy thoải mái dù chúng muốn tôi có đôi để đỡ hiu quạnh. Kỳ nghỉ hằng năm, con trai tôi từ Pháp kéo bạn bè về nhà. Sau những năm dành dụm, chắt chiu, tôi đã có nhà cửa đàng hoàng. Con gái ngày càng lớn khôn. Tôi tin vào các con. Chúng tỉnh táo và vững chãi để tránh được những vấp ngã như tôi ngày nào.
Bây giờ, bên tôi luôn có những người bạn đồng nghiệp tốt bụng, chu đáo. Có người bạn năm nào học cùng bên Trung Quốc, giờ vẫn tha thiết muốn về bên tôi. Ngày ấy, vì xa cách mà chúng tôi không đến được với nhau, giờ vẫn dành tình cảm yêu quý cho nhau hơn bất kỳ người bạn thân nào, nhưng hôn nhân thì không thể. Tôi không muốn người ấy đánh đổi tất cả vì tôi, dù anh có sẵn lòng hy sinh.
Có đồng nghiệp ở nhà hát hơn ba chục năm nay vẫn yêu tôi đơn phương. Tôi nhận ra rằng bạn bè có thể sâu sắc với nhau đến ngóc ngách tâm hồn, nhưng về sống với nhau chưa chắc có hạnh phúc. Sự nhàm chán sẽ giết chết tình yêu.
Nhà tôi theo đạo Phật. Tôi tin vào quy luật nhân quả, bố mẹ làm việc thiện để lại phúc đức cho con cái. Tôi giúp người, nhưng chẳng bao giờ nghĩ được trả ơn. Cũng có những tấm lòng tốt đối với tôi và các con tôi, nhưng chẳng bao giờ tôi trả hết ơn nghĩa.
Theo Thế Giới Văn Hoá