NSƯT Hoàng Cúc và duyên điện ảnh
Ai đã xem những phim Hoàng Cúc đóng, đến nhà hát xem Cúc diễn kịch đều không quên được chị. Gương mặt đẹp, sang trọng, đôi khi hơi lạnh của Hoàng Cúc lại đem đến một sức hấp dẫn bí ẩn...
"Điện ảnh chiều thứ Bảy" vừa phát sóng bộ phim truyện 2 tập Em không phải là đàn bà của đạo diễn Trần Lực. Có một gương mặt không phải là nhân vật chính, vào vai một bà trưởng chi nhánh ngân hàng tuổi trung niên, dung nhan vẫn còn phảng phất nét đẹp của ngày nào, nhưng nổi lên lại là vẻ khắc nghiệt và rất "đanh". Người vào vai là NSƯT Hoàng Cúc.
Dù chỉ thấp thoáng ở tập 1 trong bộ đồng phục công sở áo trắng váy đen, Hoàng Cúc vẫn thu hút được sự chú ý của không ít người xem - những người vốn mến mộ chị từ 2 chục năm qua...
Hoàng Cúc - tên đầy đủ là Hoàng Thị Cúc - sinh ra ở thị xã Hưng Yên. Vốn yêu ca hát và có khiếu về thanh nhạc, Hoàng Cúc từng được chọn làm diễn viên hát của đoàn Nghệ thuật Tuyên Quang. Nhưng rồi số phận lại đưa chị đến với nghề diễn viên kịch. Tốt nghiệp khoa kịch nói - trường Nghệ thuật Việt Bắc, Hoàng Cúc gắn bó với Đoàn kịch Hà Nội (nay là Nhà hát kịch Hà Nội) từ năm 1982 đến tận hôm nay.
Người đầu tiên phát hiện ra duyên điện ảnh của Hoàng Cúclà cố đạo diễn Nguyễn Ngọc Trung. Đó là vào năm 1982, Hoàng Cúc trong một vai chính trong phim truyền hình Chuyện thường ngày ở huyện, dàn dựng theo một vở kịch ở Liên Xô. Chuyện thường ngày ở huyện được khán giả bàn tán nhiều sau khi phát sóng, bởi cách đây hơn 2 chục năm, các tiết mục trên truyền hình rất hiếm hoi.
Lúc ấy, đạo diễn Nguyễn Ngọc Trung đi tìm diễn viên cho phim Hồi chuông màu da cam. Và ông đã "bắt" ngay được cô diễn viên sân khấu mới xuất hiện ấy cho nhân vật Thu Trang của phim. Là vợ của một viên phi công trong quân đội Sài Gòn cũ, Thu Trang từng có những ngày tháng đắm chìm trong tình yêu và hạnh phúc.
Nhân vật Thu Trang xuất hiện không nhiều nên cái khó của diễn viên là phải truyền được những ấn tượng đẹp vào nhân vật, để sau cái chết của cô, tình yêu, nỗi ân hận, đau khổ còn bám đuổi theo người chồng suốt cuộc đời.
Hoàng Cúc đã làm được điều đó khi nhân vật Thu Trang của chị không chỉ là người đàn bà đẹp mà còn là hiện thân của nỗi khát khao hạnh phúc, của sự trong trắng vô tội. Thế rồi, người đàn bà ấy bỗng nhiên lại trở thành nạn nhân của một bi kịch khủng khiếp và quả là người xem đã thương tiếc cho nhân vật.
Vai diễn đưa Hoàng Cúc đến một vinh quang nghề nghiệp - giải Diễn viên nữ xuất sắc tại LHPVN 1990 - là vai Thủy trong Tướng về hưu (Đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi) - bộ phim khai thác sâu những vấn đề xã hội bức xúc trong thời kỳ chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường.
Thủy là mẫu người "hợp thời" với kinh tế thị trường lúc nó mới nhen nhóm: tỉnh táo, thực dụng và sòng phẳng đến lạnh lùng. Là con dâu của ông tướng về hưu, thực chất Thủy đóng vai trò "nội tướng" trong gia đình, chỉ huy mọi công việc, điều khiển mọi mối quan hệ theo kiểu hợp đồng tiền trao cháo múc!
Nguồn lợi để Thủy "nuôi" gia đình là kinh doanh chó bécgiê. Vốn là bác sĩ sản khoa, ngày ngày Thủy mang một phích sắt đầy những nhau thai từ bệnh viện về để nuôi đàn chó.
Ông bố chồng choáng váng và ghê sợ, còn Thủy vẫn điềm tĩnh đến lạnh lùng. Gia đình xảy ra bao nhiêu biến cố: Mẹ chồng mất, rồi bố chồng cũng qua đời. Nhưng hình ảnh găm vào lòng người xem nỗi đau không thể nào quên là hình ảnh chiếc cối xay thịt vẫn đều đều xay những thứ Thủy mang về từ bệnh viện làm thức ăn cho đàn chó!
Thành công của "Tướng về hưu" là phim không dừng ở mức mô tả hiện thực mà hướng đến phân tích hiện thực ấy một cách sắc nét. Góp phần vào thành công ấy, Hoàng Cúc với lối diễn xuất linh hoạt, sắc sảo, quyết liệt đã dồn đẩy tính cách nhân vật đến cùng.
Trong phim truyện Việt Nam, nhiều diễn viên thường chỉ vào vai các nhân vật chính diện, tích cực. Hoàng Cúc có may mắn được vào những vai khá phức tạp và đa chiều - những nhân vật mang tính 2 mặt: có khoảng tối, khoảng sáng hoặc vai nghiêng về phản diện.
Ngoài những nhân vật thời hiện đại, Hoàng Cúc còn có dịp thử sức mình qua những nhân vật thời quá khứ. Trong bộ phim "Bỉ vỏ" (Đạo diễn Lương Đức) - chuyển thể từ tác phẩm văn học hiện thực phê phán suất sắc của nhà văn Nguyên Hồng, Hoàng Cúc vào vai Tám Bính - một cô gái quê bị xã hội cũ xô đẩy, đã biến thành một "đàn chị" - một tay lưu manh chuyên nghiệp hành nghề thành thạo ở trên tàu, dưới bến.
Hoàng Cúc đã thể hiện khá thuyết phục quá trình "lưu manh hóa" của cô gái chân chất. Người xem không chỉ giận mà còn thương cho sự dấn thân của Tám Bính bởi những hiểm họa, bất trắc luôn treo lơ lửng trên đầu trong bước đường hành nghề.
Một trong những vai diễn ấn tượng của Hoàng Cúc là thái phi Dương Ngọc Hoan trong bộ phim lịch sử "Kiếp phù du" (Đạo diễn Hải Ninh). Xã hội rối loạn thời chúa Trịnh làm nền cho cuộc quyết đấu giữa thái phi Dương Ngọc Hoan và tuyên phi Đặng Thị Huệ…
Trong suốt thập niên 80 cho đến giữa thập niên 90 của thế kỷ 20, Hoàng Cúc là diễn viên được xem là thành công trên màn ảnh. Nhưng Nhà hát kịch Hà Nội lại là ngôi nhà mà Hoàng Cúc gắn bó suốt 24 năm, kể từ khi ra trường đến nay.
Từng là diễn viên chính của đoàn, Hoàng Cúc đã đóng góp vào thành công chung của nhiều vở diễn như: "Người đàn bà sau tấm cửa sổ xanh", "Tôi và chúng ta", "Em đẹp dần lên trong mắt anh", "Nghĩ về mình","Ăn mày dĩ vãng"... Và gần đây là "Thầy khóa làng tôi" và" Mùa hoa sữa".
Có lẽ một trong những bí quyết quan trọng giúp Hoàng Cúc gây được ấn tượng cả trong những vai diễn trong phim lẫn trên sân khấu, là bởi chị xác định được rất rõ những nét tương đồng và những sự khác biệt giữa diễn xuất sân khấu và diễn xuất khi quay phim.
Từ năm 2001, NSƯT Hoàng Cúc trở thành phó giám đốc của Nhà hát kịch Hà Nội. Gánh nặng công việc trên vai chị nặng nề thêm. Với quân số 50 diễn viên thuộc 2 đoàn kịch - trong số đó không ít gương mặt nghệ sĩ được khán giả cả nước yêu mến - Nhà hát Kịch Hà Nội luôn cố gắng xác lập và gìn giữ phong cách riêng của mình - đó là phong cách chính kịch…
Hoàng Cúc không thích nói nhiều về cuộc sống riêng của mình, chị là người sống độc lập, luôn cố gắng tự chủ trong mọi hoàn cảnh. Trước mọi người, chị tỏ ra điềm tĩnh. Nhưng sâu thẳm trong đôi mắt của người đàn bà - nghệ sĩ này, bóng dáng những thăng trầm của cuộc sống và số phận vẫn đọng lại. Điều quan trọng nhất là những thăng trầm ấy cho chị thêm bản lĩnh, thúc đẩy để chị tiếp bước trên con đường mà chị chọn.
Theo Thế Giới Điện Ảnh