NSND Tự Long, đạo diễn Việt Tú chia sẻ ký ức ngày Tết
(Dân trí) - Là khách mời của chương trình "Khách đến xông nhà", NSND Tự Long và đạo diễn Việt Tú chia sẻ về ký ức ngày Tết, dạy con cách ứng xử trong ngày đầu năm mới.
Khách đến xông nhà nằm trong chuỗi chương trình Tết Hà Nội xuyên suốt 3 ngày Tết của Đài Phát thanh và Truyền hình (PT-TH) Hà Nội. NSND Tự Long, đạo diễn Việt Tú và nhà sản xuất phim Trần Bích Ngọc là những vị khách "xông nhà" Đài PT-TH Hà Nội.
Mỗi khách mời có những vị trí đáng nể trong lĩnh vực của họ, đều hoạt động liên quan tới văn hóa, nghệ thuật và đặc biệt trong năm 2024, họ đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật.
Các khách mời sẽ mang đến những câu chuyện về Tết, những ký ức Tết. NSND Tự Long đã có một năm 2024 với nhiều dấu mốc đáng nhớ như: Giải thưởng Nghệ sĩ truyền cảm hứng năm 2024 do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao tặng, Đạo diễn xuất sắc với vở chèo Đại đội trưởng của tôi, Giải thưởng Đào Tấn 2024, Giải thưởng uy tín của Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, Giải X-Brother - Anh tài của những anh tài trong chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai, 1 trong 10 Nhân vật truyền cảm hứng WeChoice Award 2024 và mới đây, anh nhận quyết định bổ nhiệm Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội.
Với đạo diễn Việt Tú, anh cũng có một năm 2024 với các dự án liên quan đến công nghiệp văn hóa và doanh nghiệp quy mô lớn như: Dự án phát triển khu phố nghệ thuật và thương mại Art Ave tại Soho, The Global City - dự án có giá trị lên tới 5 triệu USD, kiến tạo không gian trải nghiệm thị giác nhập vai lớn nhất Việt Nam tại The Galleria by Masterise Homes, tác giả của sân khấu led lập phương lớn nhất Việt Nam tại The Global City, Đưa công nghệ "Người bay phản lực" lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam…
Khách mời thứ 3, nhà sản xuất phim Trần Bích Ngọc - là nhà sản xuất của bộ phim Tro tàn rực rỡ (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên) - đại diện Việt Nam tham dự Oscar 2024, nhà sản xuất phim Culi không bao giờ khóc (đạo diễn Phạm Ngọc Lân) tham gia Liên hoan phim Quốc tế Berlin 2024, giám khảo tại Liên hoan phim Châu Á 2024 tổ chức tại Đà Nẵng, giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế Nouveau de Cinema, Montreal 2024 hạng mục phim sinh viên…
Lần đầu tiên, trong ngày mùng 1 Tết, cả 3 vị khách mời nổi tiếng cùng ngồi lại chia sẻ về những ngày Tết, ký ức, phong tục Tết ở Hà Nội cũng như các vùng quê Bắc Bộ.
Đối với đạo diễn Việt Tú - một người con Hà Nội, Tết là phong vị, là truyền thống, dù có đi đâu về đâu, con cái dẫu có đi du học xa thì ngày Tết vẫn phải có mặt ở nhà, sum họp, đoàn viên, cùng nhau dọn dẹp, bao sái ban thờ…
Với NSND Tự Long, sáng mùng 1 của người con vùng quê Bắc Bộ trong ký ức anh là sự háo hức của một đứa trẻ khi mặc quần áo mới. Sự háo hức đó được anh nhớ như in đến tận bây giờ.
Anh cũng giữ thói quen cùng bố thắp hương cho tổ tiên ông bà. Nam nghệ sĩ không quên nhắc nhở các con những điều kiêng kỵ khi đi ra ngoài và cách ứng xử trong ngày đầu năm mới.
Là người phụ nữ Hà thành, nhà sản xuất Trần Bích Ngọc chia sẻ rằng, Tết của chị đã đến từ 2 tháng trước, khi cả nhà cùng nhau tuốt lá đào, lá mai, xới đất trồng cây, trồng hoa để đợi tới mùng 1 Tết xem có bao nhiêu bông hoa nở, bao nhiêu nụ đào bung.
Trần Bích Ngọc cũng chia sẻ về bữa ăn những ngày Tết thuở nhỏ, những nỗ lực của bố mẹ để con cái có một tuổi thơ đáng nhớ…
Thông qua chia sẻ của các nghệ sĩ, những nét đẹp văn hóa truyền thống ngày Tết trở nên sống động, thú vị và đầy bản sắc. Trong Khách đến xông nhà, đạo diễn Việt Tú cũng đánh giá cao chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai mà NSND Tự Long tham gia. Chương trình này đã đưa văn hóa dân tộc trở lại với đời sống giới trẻ.
Nghệ sĩ Tự Long, đạo diễn Việt Tú đều thống nhất rằng, sự phát triển, hội nhập phải dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc. Đạo diễn Việt Tú cũng cho biết, sự khác biệt về thế hệ là vô cùng lớn, nếu không để giới trẻ hiểu một cách tự nguyện về những giá trị văn hóa, sẽ rất dễ tạo sự ép buộc và đứt gãy về mặt văn hóa.
Ở lĩnh vực điện ảnh, nhà sản xuất Trần Bích Ngọc cho biết, thế giới rất thích các tác phẩm điện ảnh của Việt Nam. Thông qua phim ảnh, họ nhìn thấy một Việt Nam với những giá trị văn hóa, bản sắc riêng.
Theo chị, thực tế, khán giả không cần những thứ mang tính Hollywood trong tác phẩm điện ảnh của Việt Nam. Họ muốn nhìn thấy một câu chuyện của Việt Nam, mang bản sắc, con người, bối cảnh đậm chất Việt Nam. Qua đó, tạo ra sự khác biệt trong tiếng nói điện ảnh của dân tộc.
Bên cạnh đó, NSND Tự Long cũng chia sẻ những câu chuyện về sự kết nối với các "anh trai" trẻ tuổi khi tham gia Anh trai vượt ngàn chông gai.
Từ đó, truyền tải những nét đẹp của dân tộc qua những tác phẩm mang đậm màu sắc Việt Nam tới thế hệ trẻ. Anh cũng đề cao những người trẻ luôn mang trong mình tình yêu với đất nước và sẵn sàng thể hiện tình yêu đó theo một cách riêng.