NSND Lê Khanh: "Tôi rất mong… đến Tết"

Gặp Lê Khanh trong dịp cuối năm này ở TPHCM, trông chị vẫn tươi tắn trẻ trung không có dáng vẻ gì của một phụ nữ sắp là… đạo diễn cả.

Chị cho biết mặc dù công việc của nhà hát Tuổi trẻ khá bận rộn vào dịp cuối năm nhưng chị gắng thu xếp để vào hội ngộ trong chương trình Gặp gỡ người đương thời năm 2005 do VTV tổ chức. Chị đã có cuộc trao đổi khá thú vị:

Nghe nói chị đã khá thành công với vai trò một đạo diễn khi dựng vở “Từ Thiên đường đi về phía Bắc 3 km”. Chị nói gì về vở diễn này?

Tôi mới đang học năm thứ 2 khoa Đạo diễn của trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh nên vở diễn chỉ là bài tập của tôi. Kịch bản của vở diễn, tôi… xin được cách đây khoảng 3 năm từ một nhóm sinh viên người Nhật trong lần đi lưu diễn ở Hàn Quốc cùng Nhà hát. Tôi bị ám ảnh bởi kịch bản này và đã quyết định sử dụng cho bài tập của mình.

Mặt khác, tôi cũng mong muốn từ vở diễn, tôi sẽ truyền thụ lại cho những diễn viên trẻ những kinh nghiệm mình đã có được từ bao năm làm diễn viên. 

Thật bất ngờ, vở diễn tuy chỉ diễn trong nội bộ mà lại được ủng hộ đến thế nên chúng tôi dự tính sẽ sớm tổ chức ra mắt công chúng. Nhưng nếu như thế thì phải tìm cách liên hệ với tác giả kịch bản chứ không thể... diễn xuông được.

Chị có thể tiết lộ bí mật về nội dung của vở diễn?

Đây là vở diễn nói về tình yêu và tuổi trẻ. Một đôi trai gái yêu nhau thắm thiết, ngày hôn lễ cũng sắp được cử hành thì đột nhiên sảy ra mâu thuẫn. Cả hai ai cũng không chịu chấp nhận ý kiến của người kia nên đã bỏ đi.

Cô gái bất ngờ bị một tai ương và lên Thiên Đàng. Tại đây, cô gái đã gặp một vị thần, nhưng khi biết rằng mình đã bị chết và lên Thiên Đàng, cô đã không tin là như thế.

Thế là vị thần đã chứng minh cho cô gái thấy rằng cô đã chết qua việc đưa cô trở lại dưới trần gian. Quả thực, mọi người dưới trần đều đã coi cô là người đã chết.

Cô đã gặp lại người yêu của cô và cố tìm cách hàn gắn nhưng dần dần cô nhận ra tất cả chỉ là sự hàn gắn vô ích, cô đã chết thực sự trong tâm trí mọi người dưới trần gian. Cô nhận ra là mình đã mất tất cả và trở lại thiên đường.

Tuy là vở diễn nói về tình yêu, nhưng ẩn khuất sau đó lại là những nỗi buồn, sự luyến tiếc vế những gì đã qua. Đâu phải cứ yêu nhau là biết quý trọng tình yêu, nhiều khi mất đi rồi mới biết tình yêu đó đáng giá biết bao. Có nhau thì khó chứ mất nhau đi thì dễ lắm.   

Bao giờ chị sẽ ra mắt công chúng vở diễn này?

Tôi cũng chưa nói trước được vì còn nhiều việc phải làm lắm. Nhưng hy vọng sẽ sớm trình làng vở diễn đầu tay này của tôi.

Tết này là cái Tết thứ… bao nhiêu của chị? Chị nghĩ về Tết thế nào? Tết năm nay chị đã có dự định gì chưa?

Không biết tại sao tôi lại…rất thích Tết, thích từ ngày còn nhỏ tới bây giờ. Điều này ngược lại với mẹ tôi, bà luôn luôn sợ Tết, có lẽ vì ngày xưa khi cuộc sống còn khó khăn, bà đã phải vất vả rất nhiều để có thể lo toan được cái Tết cho chồng, cho con nên giờ bà mới sợ.

Tôi đã được hưởng những cái Tết hạnh phúc do sự hy sinh tần tảo của mẹ nên cũng mong mình có được một phần tần tảo, vất vả như mẹ.

Nhưng bây giờ điều kiện kinh tế đã phát triển, mọi thứ hàng hoá ngày Tết đều có sẵn nên chuẩn bị cho một cái Tết không phải là khó. Còn Tết năm nay cả gia đình đang dự tính sẽ làm một chuyến đi chơi xa, nhưng đến đâu thì tôi vẫn chưa xác định được.

Còn năm mới, ngoài việc sẽ đưa vở “Từ Thiên đường…” ra mắt công chúng thì chị còn có dự tính gì khác không?

Thì vẫn như năm nay thôi, làm tốt vai trò của người vợ, người mẹ, tiếp tục là học tốt, rồi diễn tốt.

À năm 2006 đạo diễn Lê Hùng sẽ ra mắt vở Ngôi nhà búp bê (kịch bản của nước ngoài), tôi đã được phân công một vai diễn trong đó. Đây là vai khá phức tạp nên tôi cũng mong sẽ cố gắng để không phụ lòng tin của mọi người.

Cũng qua buổi trò chuyện này, tôi cũng chúc bạn đọc của báo một năm mới có nhiều niềm vui, hạnh phúc mới.

Xin cảm ơn chị và chúc chị đạt được mọi điều mình mong muốn.

 Theo Tiền Phong