NSND Đặng Thái Sơn: "Tôi sống như một cây lúa"
"Việt Nam là quê hương, tôi sẽ trở về khi đã kết thúc vòng tròn cuộc sống của mình, dù chưa biết là lúc nào", trước buổi diễn tối nay 23/11 tại Nhà hát lớn Hà Nội trong khuôn khổ chương trình Toyota Classics - NSND Đặng Thái Sơn tâm sự.
Thưa anh, buổi biểu diễn đêm nay có khác những buổi biểu diễn khác của anh ở các quốc gia khác?
Đêm nay tôi chơi bản Concerto cung La thứ - viết cho piano của nhà soạn nhạc E.H.Grieg. Không giống các buổi biểu diễn thông thường tôi chơi nhạc của Bach, Beethoven, lần này tôi chọn một bản mang màu sắc lãng mạn và trữ tình hơn để phù hợp với không khí lễ hội của chương trình. Mà nhạc lãng mạn thì Grieg là một đại diện tiêu biểu. Tất nhiên, buổi biểu diễn đêm nay trong Nhà hát Lớn phải khác những buổi khác vì tôi... đá trên sân nhà.
Một NSND trứ danh bây giờ đứng biểu diễn trước khán giả có khác cậu sinh viên 19 tuổi Đặng Thái Sơn của 25 năm về trước?
Khác chứ. Trước đây điều kiện khán phòng, đàn, âm thanh đều sơ sài, đánh hay hay dở thì tôi cũng được vỗ tay. Còn như tôi bây giờ mà chơi đàn chán thì chắc là không được hưởng ứng nữa đâu. Khán giả có quá nhiều điều kiện để nghe nhạc, thông tin cũng có nhiều, không thể hù dọa được. Mỗi buổi biểu diễn thành công tôi cũng cho rằng cảm xúc là rất quan trọng. Như tôi bây giờ - dùng đúng từ là "đi làm ăn" đó - một năm chơi không biết bao nhiêu lần cho một bản nhạc, không phải lúc nào cũng đủ sức khỏe và cảm xúc để nói là mình có hứng thú và chơi hay được.
Anh có quyền lựa chọn nhiều không?
Bây giờ thì đã có quyền lựa chọn rất nhiều và chỉ nhận lời những chương trình mang lại niềm vui nghề nghiệp cho mình. Không như hồi tôi mới nhận giải, được ai mời là hạnh phúc lắm và nhận hết. Đâu phải lúc nào cũng có cơ hội để mà chơi nhạc cổ điển đâu.
Hiện nay anh đang giảng dạy tại Trường đại học Montreal (Canada) nhưng được biết có rất nhiều lời mời đón anh về Hàn Quốc, Ba Lan, Đức làm giảng viên của họ. Anh có suy nghĩ là mình sẽ một lần nữa chuyển sang ở một quốc gia khác sau khi chuyển từ Nhật sang Canada?
Tính tôi cả thèm chóng chán. Việc tôi chuyển từ Nhật sang Canada một phần vì tính thích thay đổi. Không thể nói trước tôi sẽ đi đâu nhưng có thể châu Âu là nơi tôi sẽ suy nghĩ vì hiện nay tôi đang được mời về dạy tại Paris. Việt Nam là quê hương, tôi sẽ trở về khi đã kết thúc vòng tròn cuộc sống của mình - chưa biết là lúc nào. Với công việc hiện tại, tôi khó có thể sống ở Việt Nam vì chỉ tính riêng tiền vé máy bay thôi cũng rất bất tiện. Mỗi buổi biểu diễn lại phải quen với nhịp sinh học cũng phải 2- 3 ngày, rất không nên. Nhưng tôi sẽ về Việt Nam rất thường xuyên.
Cảm giác của anh - một người Việt Nam hiếm hoi trở thành một "công dân thế giới"?
Tôi tự hào! Nhưng thật sự phải hiểu thế này, niềm tự hào là rất cần thiết nhưng tự hào của tôi chỉ dừng lại ở sự tích cực là đem lại sự tự tin cho cá nhân tôi mà thôi. Còn tự hào để mà nghĩ về mình nhiều quá mà mất sự phấn đấu thì rất không hay. Thế giới bây giờ là cạnh tranh nhau, tôi cũng phải cạnh tranh để có được vị trí của mình trong nghề nghiệp.
Anh là người châu Á đầu tiên giành HCV cuộc thi Chopin quốc tế lần thứ 10 tại Warsaw. Năm nay anh là khách mời duy nhất biểu diễn và làm giám khảo cuộc thi piano quốc tế lần thứ 15. Cảm giác của anh sau 25 năm?
Khi được biết mình là pianist duy nhất biểu diễn tại lễ khai mạc cuộc thi này tôi lo lắng - bởi mình là giám khảo cuộc thi, đồng thời lại là người đã từng được giải, mà lại trình diễn trước các thí sinh giỏi nhất thế giới. Và tất nhiên, tôi đã phải chọn bản concerto mà tôi trình diễn tự tin nhất. Năm nay, người Á Đông chiếm số đông cả thí sinh và khán giả. Có tới 5/6 giải chính thức, 9/12 thí sinh chung kết là người Á Đông, nhưng không có người Việt Nam. Tôi vừa vui vừa buồn, Việt Nam mình đã đi sau họ rồi.
25 năm, âm nhạc Việt Nam chưa tìm thấy một Đặng Thái Sơn thứ hai. Đó có phải là điều đáng lo lắng?
25 năm - tôi nghĩ là đã quá lâu rồi đấy! Bây giờ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã là những cường quốc. Nhưng Việt Nam mình đã thua cả những quốc gia có nền âm nhạc phát triển mới chừng được 20 năm như Thái Lan, Indonesia... Tôi nghĩ thật đáng lo lắng. Cứ nhìn cái Nhà hát Lớn gần 100 tuổi và đẹp đẽ thế này lại nghĩ rằng nhạc cổ điển của mình phải phát triển hơn thế.
Anh sẽ góp sức mình vào việc chấn hưng chứ?
Nhiều người hỏi tôi ít về Việt Nam diễn, ít diễn tác phẩm của Việt Nam. Nhưng thật sự là có quá ít tác phẩm viết cho piano của Việt Nam. Và cũng không nhất thiết phải ở Việt Nam mới có thể đóng góp cho nước nhà. Mới đây, nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo có e-mail và nói với tôi về một tác phẩm viết cho piano. Tôi hy vọng sớm có thể trình diễn tác phẩm này. Hiện tại, tôi và một số người có dành một số học bổng cho các sinh viên nhạc viện trong nước giúp họ ra nước ngoài tu nghiệp. Phải tiếp xúc nhiều hơn nữa với các nước phát triển về âm nhạc.
Điều gì mà anh cho đó là bí quyết thành công của mình?
Tôi sống giống như một cây lúa. Càng nặng hạt càng trĩu bông. Chỉ có lúa lép mới cứ ngẩng cao đầu mà thôi.
Cảm ơn và chúc anh thành công trong buổi diễn đêm 23/11.
Theo Chu Minh Vũ
Thanh Niên