NS Tuấn Hùng: "Tôi hay bị liên miên bởi cảm xúc"
Nhạc sĩ trẻ Tuấn Hùng vừa đảm nhận vai trò đội trưởng trong gameshow Trò chơi âm nhạc. Thành viên cũ của ban nhạc Mùa Xuân vẫn luôn đam mê sáng tác và biểu diễn.
Lâu rồi mới lại thấy Tuấn Hùng xuất hiện. Thời gian qua anh làm gì vậy?
Mọi người cứ có quan niệm, xuất hiện nghĩa là phải lên TV, lên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tôi thì không nghĩ thế. Tôi vẫn luôn xuất hiện đấy chứ. Hiện tại, tôi là giảng viên bộ môn Piano-jazz của Nhạc viện Hà Nội. Hầu như ngày nào tôi cũng làm việc đến 2-3 giờ đêm. Tôi cùng với một người bạn mở công ty TAF chuyên về truyền thông và sự kiện. Tôi phụ trách chính về mảng âm nhạc, chất lượng phòng thu, biên tập bài hát cho ca sĩ, phát hành CD cho cả dân chuyên nghiệp lẫn không chuyên. Và đương nhiên sáng tác nữa. Nhạc sĩ trẻ mà.
Vậy giữa sáng tác và kinh doanh, anh thích làm gì hơn?
Tôi thích nhất là biểu diễn. Còn chuyện mở công ty, làm kinh doanh chỉ là một bước đệm, một sự thay đổi nhịp điệu sống cho đỡ đơn điệu chứ không phải là mục đích của tôi. Tôi còn trẻ và muốn làm được càng nhiều việc càng tốt. Mỗi công việc cho mình thêm một kinh nghiệm khác nhau và điều đó vô cùng hữu ích. Ví như làm kinh doanh chẳng hạn, tôi có cơ hội nâng cao hiểu biết xã hội của mình, tiếp xúc với nhiều thành phần, tầng lớp. Từ đó vỡ ra nhiều điều thú vị.
Vì sao anh nhận lời làm đội trưởng trong trong chương trình "Trò chơi âm nhạc"?
Đây là một gameshow hấp dẫn mà tôi rất thích nên đã tham gia. Làm đội trưởng của một đội chơi không hề đơn giản chút nào. Yêu cầu đầu tiên là đội trưởng phải biết chơi đàn, không chỉ dừng lại mức độ biết chơi mà phải chơi tốt, chơi hay và tạo được phong cách. Hơn nữa, đội trưởng phải có khả năng MC, duyên sân khấu, biết cách giao lưu với khán giả. Nếu hát được thì sẽ làm cho không khí của đội mình sôi động hơn. Nói chung là rất đau đầu.
Vừa phụ tránh phòng thu, vừa giảng dạy, vừa tham gia gameshow, anh còn thời gian nào để sáng tác?
Nếu ai nói dành thời gian để sáng tác là nói không thật lòng. Không ai có thể bắt ép mình và đặt ra kế hoạch để sáng tác. Kiểu làm việc đó chỉ cho ra những tác phẩm không nghe được. Có thể đùng một cái có cảm xúc, bất chợt có ý tưởng, thế là có sáng tác mới thôi.
Cảm hứng sáng tác của anh đến từ đâu?
Tôi là người hay bị liên miên bởi cảm xúc. Cái gì tôi cũng thấy đẹp, thấy thích. Vì thế mà tôi cần có một nguồn động lực, có một chất xúc tác để kích thích tôi tập trung, tìm ra được điểm đặc biệt nhất nằm trong mỗi cái đẹp. Giả sử, có một người bạn nói với tôi "Hùng ơi, sao không viết một bài về mùa xuân đi?", thế là tôi bắt đầu nghĩ nhiều về xuân và rồi tìm được tâm điểm để sáng tác.
Hiện nay, nhiều nhạc sĩ khẳng định có thể sống được bằng nghề sáng tác. Anh thì sao?
Số nhạc sĩ có thể nuôi được mình bằng sáng tác là rất ít. Tôi nghĩ rằng đã làm nghệ thuật là cống hiến, là chấp nhận đau khổ, hy sinh, là nghèo rồi. Khi mình thể hiện tác phẩm mình tâm huyết nhưng không ai hiểu, khán giả không chấp nhận, không muốn nghe, thế là đau khổ. Vì vậy mà tôi luôn cố gắng sáng tạo, tìm ra những cách thể hiện mới và khẳng định phong cách của mình.
Những sáng tác của anh thường có giai điệu rộn rã. Điều đó phản ánh được phần nào trong con người anh?
Đúng là mọi người luôn thấy tôi với bộ mặt tươi cười. Nhưng tôi cũng hay buồn và thậm chí khóc nữa. Không ai có thể cười mãi được. Như vậy sợ rằng mình điên mất. Buồn, khóc là để lấy lại cân bằng trong cuộc sống.
Anh là một trong không nhiều nhạc sĩ có khả năng hát tốt. Anh nghĩ thế nào về việc nhạc sĩ tự thể hiện tác phẩm của mình?
Ca sĩ góp phần rất nhiều vào thành công của ca khúc. Nhạc phẩm hay mà không có người thể hiện tốt thì cũng không chiếm được cảm tình của khán giả. Nếu như không tìm được ca sĩ phù hợp thì tôi sẽ tự thể hiện những nhạc phẩm của mình. Dù sao nhạc sĩ cũng là người hiểu nhất "con đẻ" của mình, truyền tải cảm xúc nhất tinh thần, cái "hồn" của bài hát.
Những nghệ sĩ trẻ khi vào nghề thường có một thần tượng để học tập. Còn anh?
Thần tượng đầu tiên của tôi chính là bố tôi, nghệ sĩ chơi đàn organ Phạm Anh Tuấn. Sau này khi theo học nhạc viện dưới sự chỉ bảo của thầy Lưu Quang Minh, tôi biết đến nhiều nhạc sĩ tên tuổi nhưng không đặc biệt thần tượng một ai. Tôi thích nhiều, yêu nhiều và luôn tìm ra ở mỗi người một điểm nào đó để học tập.
Đến giờ, anh thấy điều lớn nhất mà anh có được là gì?
Cái được lớn nhất của tôi chính là tôi có thể tự điều khiển được nghề nghiệp của mình. Chủ động trong mọi công việc tôi làm và không bao giờ phải gượng ép bản thân. Đó là điều tôi thoả mãn nhất. Tôi may mắn sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, có điều kiện nên không bao giờ có ý nghĩ mình làm nhạc vì tiền. Tất cả những việc tôi đang làm là vì tôi thích. Tôi có thể cho phép mình nghỉ cả tháng không làm gì để đi chơi. Rồi thích thì lại làm. Nhưng đã làm thì ra làm, cực kỳ nghiêm túc và hiệu quả.
Theo Ngôi Sao