Những gợi ý vui chơi giải trí tại Hà Nội dịp 30/4

(Dân trí) - Dịp nghỉ lễ năm nay do thời điểm các sự kiện liền kề nhau nên công chức và học sinh sinh viên cả nước được nghỉ 6 ngày. Đây sẽ là thời điểm để tìm đến những địa điểm du lịch và giải trí hấp dẫn, Dân Trí xin gợi ý một số lựa chọn.

Những điểm đến giải trí

Dịp nghỉ lễ kỉ niệm ngày giải phóng đất nước chắc chắn sẽ không thể bỏ qua những “đặc sản” du lịch của thủ đô, đó là những địa điểm mang dấu ấn lịch sử. Lăng Bác chắc chắn sẽ là lựa chọn hàng đầu đối với rất nhiều người trong dịp này, vừa là dịp để viếng Bác cũng vừa là đến để thư giãn ngắm cảnh, đặc biệt vào sáng sớm được chứng kiến lễ thượng cờ thiêng liêng tại Quảng trường Ba Đình. Ngoài ra vãn cảnh Hồ Tây, Hồ Hoàn Kiếm hay đến khu Văn Miếu Quốc Tử Giám, Bảo tàng lịch sử quân sự, Hoàng thành thăng long… cũng sẽ là lựa chọn hay trong kì nghỉ này tại thủ đô.
 
Những gợi ý vui chơi giải trí tại Hà Nội dịp 30/4


 
Do kì nghỉ lễ dài ngày nên trong những ngày này ngoài những người đang sinh sống và làm việc tại đây thì thủ đô sẽ chào đón một lượng khách thập phương vô cùng lớn đến tham quan du lịch và tham gia các hoạt động giải trí. Vậy nên các khu vui chơi giải trí, công viên trong nội thành đã sẵn sàng vào cuộc để phục vụ tất cả mọi người trong dịp lễ này. Vườn thú Thủ Lệ, Công viên nước Hồ Tây, Thiên đường Bảo Sơn, các khu vui chơi trong nhà như Royal City, Times City, Keangnam… sẽ là những gợi ý hay. Mọi người vừa có thể đến tham quan, mua sắm, nghỉ ngơi kết hợp với tham gia các trò chơi vận động, các hoạt động tập thể tạo không khí thoải mái suốt kì nghỉ.
Những gợi ý vui chơi giải trí tại Hà Nội dịp 30/4

 

Đối với những ai ưa xê dịch nhưng không có điều kiện đi xa dài ngày, tại những địa điểm ngoại thành khá nhiều lựa chọn cho việc nghỉ ngơi và thăm thú. Khu du lịch Khoang Xanh, Ao Vua, Làng gốm Bát Tràng rất thích hợp cho những chuyến đi trong ngày vừa để thăm thú vừa ngắm cảnh và vừa nghỉ dưỡng, vừa là dịp nghỉ ngơi, tìm hiểm và tri ân những giá trị lịch sử.

Cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 40km là khu di tích làng cổ Đường Lâm, nơi lưu giữ nguyên những giá trị văn hóa, kiến trúc của văn hóa đồng bằng bắc bộ. Lánh mình khỏi những ồn ào náo nhiệt tại thủ đô, chọn cho mình những trải nghiệm thú vị tại phong cảnh làng quê với những nét văn hóa truyền thống vẫn còn lưu giữ tại nơi này. Cũng gần cung đường này đó là khu K9 - Căn cứ địa của Hồ Chủ tịch, thuộc địa phận Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội. Đây là nơi căn cứ làm việc một thời gian dài của Bác. Ngoài hoạt động vui chơi có lẽ lựa chọn đến với nơi lưu giữ những hình ảnh về Bác là gợi ý rất hay trong dịp nghỉ lễ này.

… và các hoạt động giải trí

Hoạt động văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Mông, Tày, Nùng, Mường, Thái, Dao đến từ các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Kạn,..sẽ được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) từ 28/4 đến hết 3/5. Đây là dịp giới thiệu các nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, sẽ có các lễ hội, trò chơi và các gian hàng ẩm thực mang đậm nét địa phương đặc biệt là các chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ trong dịp này.

“Lễ hội Khinh khí cầu” hoành tráng tại khu đô thị xanh Ecopark, đây là dịp để du khách vừa có thể thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, vừa ngắm nhìn các khinh khí cầu đầy màu sắc trong ba ngày từ 30/4 đến 2/5 trong một không gian rộng lớn và xanh mát. Thử cảm giác bay trên bầu trời bằng khinh khí cầu khổng lồ, tận mắt chứng kiến những màn trình diễn khinh khí cầu đặc sắc hoặc tham quan lòng khinh khí cầu trên độ cao tối đa 40-50 mét sẽ rất thú vị. Ngoài ra nơi đây còn tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, ẩm thực đa dạng và đặc sắc, hứa hẹn trở thành điểm du lịch dã ngoại hấp dẫn cho mọi người.

Trong dịp này, rất nhiều trò chơi dân gian của các dân tộc Si La, Cống, Gia Rai, Ba Na, Ê Ðê…  sẽ được tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Như làm các con vật bằng lá, biểu diễn múa rối và hoạt trưng bày chuyên đề “Chuyện của người đang lớn”, hoạt động kéo dài từ ngày 30/4 đến hết ngày 4/5, khá nhiều thời gian cho công chúng đến tham quan và thưởng thức.

Xem gì trong kì nghỉ lễ

“Ngày hội xiếc” sẽ chính thức mở màn từ 30/4 đến hết ngày 3/5 tại rạp xiếc TW, với rất nhiều tiết mục như xiếc thú, xiếc Tráng sĩ phỏng theo truyện cổ tích Thạch Sanh… Một lựa chọn nữa cho những người ở lại thành phố trong kỳ nghỉ đến với các sân khấu kịch tại thủ đô. Tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô sẽ diễn ra chương trình “Cùng cười với hóng chuyện đời” vào tối 1/5 của Nhà hát Tuổi trẻ với sự tham gia đông đảo các danh hài Quang Thắng, Chí Trung, Đức Khuê, Minh Hằng, Hương Tươi… 
Chương trình nghệ thuật "Giai điệu tháng Tư" tại SVĐ quốc gia Mỹ Đình, được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là chương trình được dàn dựng công phu, với những tác phẩm danh tiếng, hào hùng của dân tộc, nhằm tri ân những giá trị lịch sử.

Một hoạt động có lẽ trở thành thường niên trong nhiều năm qua mà được người dân tại thủ đô rất chờ đợi đó là màn bắn pháo hoa. Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 6 điểm, gồm 3 điểm tầm cao, 3 tầm thấp. Các nơi bắn pháo hoa tầm cao là trước Bưu điện Hà Nội, hồ Văn Quán và trung tâm vườn hoa thị xã Sơn Tây. Ba địa điểm bắn pháo hoa tầm thấp là trước trụ sở báo Hà Nội Mới, công viên Thống Nhất và SVĐ Quốc gia Mỹ Đình. Ngoài ra theo dự kiến sẽ có màn bắn pháo hoa tại khu vực bãi giữa sông hồng với sự đóng góp từ nguồn kinh phí xã hội hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn thủ đô.

Dịp này tại các rạp phim cũng khởi chiếu phần 2 bom tấn “Avengers: Đế chế Ultron” và “Oan hồn”  phim hợp tác Việt Nam - Thái Lan của đạo diễn Troy Lê. Ngoài ra những phim như “Fast & Furious 7”, “Con đường bất tận”, “Quái vật Frankenstein”, “Vụ bắt cóc thế kỉ”... cũng là những lựa chọn cho kì nghỉ lễ đối với những ai không có dịp đi chơi xa, hoặc đối với những du khách đến Hà Nội để lựa chọn một không khí giải trí mới.

Hữu Đông