Nhiều bức chân dung phụ nữ vùng cao được trưng bày tại "Tây Park - Ngàn"
(Dân trí) - Tại triển lãm " Tây Park - Ngàn", công chúng sẽ được thưởng thức 100 bức chân dung chủ yếu là phụ nữ vùng cao của 6 tỉnh Tây Bắc do nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Tuấn thực hiện.
Triển lãm thị giác Tây Park - Ngàn được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc, Việt Nam kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
Tại triển lãm, khán giả sẽ được chiêm ngưỡng 100 bức chân dung chủ yếu là phụ nữ vùng cao của 6 tỉnh Tây Bắc mà Nguyễn Thanh Tuấn gặp gỡ trong những chuyến làm phim, sản xuất các chương trình nghệ thuật.
Đó có thể là những người phụ nữ thầm lặng nghiên cứu, sưu tầm hàng ngàn vốn quý của Tây Bắc thành những áng văn chương, sách vở. Đó là những người phụ nữ khiếm thính, bị câm nhưng nuôi nấng 5, 7 người con nên người…
Tác giả mong muốn được kể nhiều hơn về họ. Chính vì vậy, công chúng sẽ được thấy những dòng chú thích ở mỗi tác phẩm được kể lại như những mẩu truyện ngắn trên giấy dó.
Trong triển lãm lần này Thanh Tuấn tập trung vào hình ảnh chân dung những người phụ nữ ở Tây Bắc với góc nhìn cận cảnh giúp người xem thấu hiểu hơn về câu chuyện của từng nhân vật.
Một điểm đặc biệt của Tây Park - Ngàn là đem đến một trải nghiệm đa giác quan cho công chúng với loại hình nghệ thuật chính là nhiếp ảnh in trên giấy dó truyền thống, được sắp đặt, bài trí kết hợp với các đạo cụ, hiện vật đặc trưng của Tây Bắc, Việt Nam.
Cảm hứng với chất liệu giấy dó bắt nguồn từ việc Nguyễn Thanh Tuấn khám phá ra nhiều loại giấy dó của đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc dọc theo quốc lộ 6 lên đến Điện Biên.
Đại đa số giấy dó được bà con dùng trong các nghi thức tâm linh như làm vàng mã, dán ở ban thờ và ít khi được ứng dụng với các loại hình khác. Khi in ảnh trên giấy dó nét hoài cổ và độ xuyên sáng trên mỗi tác phẩm đem đến một cảm nhận thú vị với riêng cá nhân Thanh Tuấn từ đó tạo ra những hiệu ứng về thị giác nhất định.
Phát triển từ chất liệu này, Nguyễn Thanh Tuấn đã đa dạng cách sắp đặt các tác phẩm nhiếp ảnh tại triển lãm từ việc đặt ảnh trên mặt mâm mây đan lát của người Thái, kết hợp với chiếc điếu ục bằng tre, gắn trên thổ cẩm.
Toàn bộ các tác phẩm được bố trí theo hành trình trải nghiệm đi qua các tỉnh Tây Bắc theo thứ tự giao thông: Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên... giúp người xem có được trải nghiệm trọn vẹn về Tây Bắc.
Triển lãm Tây Park - Ngàn diễn ra từ ngày 26/11 tại 75 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.