1. Dòng sự kiện:
  2. Concert Dân trí 20 năm - "Rực rỡ ngày mới"

Nhạc sĩ Thanh Tùng: Ta là gã cô đơn 18 tuổi...

Đằng sau cái vẻ phớt đời, lãng tử nhiều khi còn tưởng như xuề xòa ấy, ẩn chứa một tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ. Đi qua nửa cuộc đời, nhưng niềm hân hoan vui sống vẫn không bớt đi, thậm chí, anh luôn bảo: mình có một trái tim của một gã trai 18 tuổi.

“Non nớt” trong tình cảm, quyết đoán trong công việc và tử tế trong cách sống, đó là những gì có thể khẳng định về con người của anh - nhạc sĩ Thanh Tùng. Lần quay trở lại Hà Nội này, anh mang theo một liveshow mang tên Ngôi sao cô đơn, một đêm duy nhất sẽ diễn ra tối nay, 08/12.

Đây là một trong những show diễn lớn nhất của ông trong năm 2005, nằm trong tour diễn xuyên Việt của nhạc sỹ Thanh Tùng. Chương trình sẽ hội tụ các ngôi sao ca nhạc, ca sỹ nổi tiếng, rất nhiều đã từng là học trò của ông như Mỹ Linh, Ngọc Anh, Khánh Linh…Có thể nói, đây là chương trình mang tính nghệ thuật cao với sự góp mặt của dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. VTC sẽ tường thuật trực tiếp chương trình trên kênh VTC1 của Truyền hình Kỹ thuật số.

Sau "Tôi sẽ kể em nghe" và "Trò chuyện với bông hồng", bây giờ lại là chuyến xuyên Việt, công việc diễn ra với tốc độ nhanh và có vẻ như vội vàng!

Sau 6, 7 năm mệt mỏi với bệnh tật nên tôi không được làm việc nhiều. Nên bây giờ có làm nhiều một chút cũng không sao. "Trò chuyện với bông hồng" chính là khởi điểm của liveshow lần này. Liveshow sẽ đến  Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Phan Thiết, Pleiku, Buôn Mê Thuột, Đà Lạt và điểm cuối cùng là Cần Thơ.

Mục đích chính của liveshow này là gì?

Tìm lại trong khán giả, khơi dậy trong họ niềm cảm hứng đối với nhạc Pop. Bây giờ, có quá nhiều những bài hát có nhảy múa minh họa. Cứ có hát là có nhảy múa minh họa, nhiều khi khán giả chỉ được xem chứ không được nghe, có cảm giác như nó không cân bằng trong đời sống âm nhạc của người nghe!. Chuyến đi này của tôi nhằm khơi lại những ấn tượng về nhạc Pop, một dòng nhạc bình dân, nhạc của công chúng với một cách làm nghiêm túc và có trí tuệ, có giá trị nội dung tư tưởng nhất định.

Sự không cân bằng có thể hiểu là...? Và đối với nhạc Pop thì không cần nhảy múa phụ họa chăng?

Không phải, dòng nhạc Pop trữ tình vốn là dòng nhạc thuần túy là âm nhạc, nội dung chuyển tải của nó, giai điệu của nó là những cái cần được tôn vinh, chứ không phải là các biện pháp phụ họa như các loại hình nghệ thuật khác. Thế nên cái chuyện nhảy múa không phải ở đâu cũng nhảy được.

Nhiều tiết mục múa minh họa chẳng ăn nhập gì với bài hát. Đương nhiên, đấy cũng là một kiểu thể hiện. Nhưng đối với dòng nhạc của tôi thì không có cái kiểu thể hiện này, nó chỉ chuyển tải bằng âm nhạc và bằng lời, đến với người nghe. Đây là một dòng riêng và tôi muốn chứng minh rằng cái dòng này nó không bị lấn lướt gì không giống như rất nhiều kiểu ca khúc nghe không ra là Pop, không ra là Rock cũng chẳng ra là Rap. Có thể gọi chung cho nó một cái tên: Dòng nhạc có múa minh họa. Đấy, nhiều người lạm dụng dòng nhạc thập cẩm này quá nên nó gây ra sự không cân bằng.

Chuyến đi này, tôi cũng muốn xem những người nghe nhạc thực sự, người ta còn muốn nghe, hay là: bây giờ không cần đến nghe, không cần lời lẽ, không cần giai điệu, mà chỉ cần xem ca sĩ hát.

Một liveshow rất tốn kém, nếu chỉ để thử nghiệm xem người nghe có còn đón nhận mình, dòng nhạc của mình nữa hay không thì có quá mạo hiểm?

Không hề mạo hiểm. Bởi vì chuyện làm liveshow lần này không phải của riêng tôi. Mà chính những người muốn dòng nhạc này có một vị trí xứng đáng đã ủng hộ tôi. Rất nhiều nhà tài trợ đã giúp tôi, tài trợ công khai để quảng cáo cũng có, tài trợ mang tính hảo tâm không cần quảng cáo cũng có, thậm chí cả khán giả, cũng ủng hộ bằng cách mua vé. Thế nên theo tôi không có gì là mạo hiểm, tất nhiên nó cũng hơi có chút lãng mạn.

"Ngôi sao cô đơn" có điều gì đặc biệt hơn các liveshow trước đây của anh?

Thực ra thì sau "Trò chuyện với hoa hồng" và "Tôi sẽ kể em nghe" thì cũng có ý kiến thế này ý kiến thế kia, nhưng đại đa số công luận rất ủng hộ dòng nhạc của tôi. Tất nhiên đây là một dòng nhạc không chỉ có mình tôi mà có thể còn có nhiều đại diện khác, nhưng tôi lại là một thí dụ. Tôi nhận được lời mời của hầu hết tất cả các trung tâm văn hóa lớn của Việt Nam. Ngoài ra, tôi cũng nhận được rất nhiều lời hứa, rằng, tôi cứ làm đi, sẽ có những sự hỗ trợ về tài chính, của khán giả và họ tin là tôi sẽ thành công.

Tất cả những điều đó đã giúp tôi tự tin để tiến hành làm liveshow lần này. Những tác phẩm của tôi sẽ được dàn dựng một cách hay nhất, luyện tập kỹ nhất và sẽ chứng minh sức mạnh của dòng nhạc Pop trữ tình là dòng nhạc bất diệt, dòng nhạc có thể nói rằng là luôn luôn có đông đảo khán thính giả nhất trên thế giới.

 

Nhạc sĩ Thanh Tùng: Ta là gã cô đơn 18 tuổi... - 1
 

Hướng dẫn Lưu Hương Giang tập luyện

Từ một chương trình gần đây là "Tôi sẽ kể em nghe", anh nghĩ gì khi có một nữ ca sĩ nổi tiếng đã hát sai lời cả mấy bài hát quá quen thuộc của mình? Anh có buồn không?

Đây thực sự là một trường hợp duy nhất thôi. Vì chính cô ấy (MT) không sống trong dòng nhạc của chúng tôi. Chính vì một dòng nhạc cần chuyển tải nội dung, cảm xúc, mà ca sĩ lại không hiểu bài hát, không hiểu nội dung, không biết rằng mình đang hát cái gì thì những chuyện đó xảy ra tôi không hề ngạc nhiên.

Vậy tại sao lại để xảy ra chuyện đó?

Tôi không mời ca sĩ đó mà là bên chương trình mời. Còn bây giờ sẽ không bao giờ có chuyện đó xảy ra nữa. Trong chuyến đi lần này, có rất nhiều ca sĩ trẻ, tuổi mới ngoài 20 thôi, nhưng họ rất hiểu bài hát của tôi và rất thuộc lời. Họ hát rất hay nếu không muốn nói rằng, ngày một ngày hai họ sẽ qua mặt những ca sĩ thương mại kiểu như vậy.

Anh gửi gắm niềm tin vào ca sĩ nào nhất?

Tôi tin vào nhiều người chứ không phải một người. Tôi đang huấn luyện và đang chờ đợi kết quả. Nhưng cái cách của tôi là chỉ huấn luyện cho họ kỹ năng biểu diễn trên sân khấu thôi, chứ kỹ năng thanh nhạc thì họ đã được huấn luyện ở trường rồi. Các khuôn mặt như Mỹ Dung, Phương Anh, Hương Giang, Kim Anh... Tôi rất tin vào khả năng và sức trẻ của họ.

Tại sao tên của chuyến xuyên Việt lần này lại là "Ngôi sao cô đơn"?

Tôi hy vọng tên bài hát của tôi nói lên nhiều thứ. Cách đây 30 năm, khi tôi đi, rời xa Hà Nội, tôi có vợ đi cùng. Bây giờ, khi tôi trở về, chỉ có một mình. Một kẻ cô đơn.

Lúc nào chẳng có bóng hồng quanh anh, sao gọi là cô đơn?

Tôi không bao giờ không có bóng hồng, nói thẳng là như thế. Tôi có rất nhiều bạn gái, nhưng chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định. Cũng có người sợ giùm cho tôi rằng những bóng hồng đến với tôi là "có lý do". Nhưng dù vì bất cứ lý do gì, tôi cũng đều trân trọng họ hết. Phải nói thế này mới đúng này, vì lúc nào cũng cảm thấy cô đơn cho nên mới cần như thế!

 

Theo Vietnamnet