Nhạc sĩ Nguyễn Quang đi từ Nam ra Bắc chỉ để dựng 1 bài hát
Tháng 7 vừa qua, nhạc sĩ - đạo diễn Nguyễn Quang cùng ekip sản xuất chương trình Âm nhạc Việt Nam những chặng đường (phát sóng trên VTV3 và VTV4) đã đến 3 vùng đất đại diện 3 miền: Bắc – Trung - Nam để ghi hình ca khúc Hội Trùng Dương của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Đó là Hà Nội - Huế - Tiền Giang - nơi có 3 con sông lớn nối liền lãnh thổ Việt Nam.
Trong thời điểm nhiều công ty truyền thông gặp khủng hoảng về tài chính thì việc nhạc sĩ, đạo diễn Nguyễn Quang cùng cả ekip gồm hơn 20 con người đi 3 miền chỉ để ghi hình 1 bài hát như thế có được coi là chơi trội? Về việc này nhạc sĩ - đạo diễn Nguyễn Quang đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn với báo…
Thưa anh, được biết chương trình Âm nhạc Việt Nam những chặng đường đến nay đã phát sóng khoảng 70 tập và thường ghi hình, thu tiếng trực tiếp tại phòng trà Nguyễn Ánh 9. Vậy tại sao lần này anh lại quyết định mang cả ekip đi quay ngoại cảnh, nhất là việc cả ekip đi 3 miền chỉ để ghi hình 1 bài hát?
Trong quá trình thực hiện chương trình âm nhạc Việt Nam những chặng đường tôi nhận thấy có những bài hát khi ca sỹ trình diễn trên sân khấu không thể lột tả hết được ý nghĩa, hình ảnh của tác giả muốn gửi gắm đến người nghe như là Hội Trùng Dương, Hòn Vọng Phu và Tình Ca. Đó là những tác phẩm lớn của nền tân nhạc Việt Nam. Nhất là bài Hội Trùng Dương một tác phẩm Tiêu biểu diễn tả được từ hình ảnh đến con người của ba miền được đại diện là: sông Hồng, sông Hương, sông Cửu Long.
Nghiền ngẫm lời bài hát, tôi biết rằng nếuchỉ hát tại sân khấu phòng trà hay bất kỳ một sân khấu nào khác mà có lồng hình ảnh các dòng sông thì không thể nói lên hết được ý nghĩa đẹp đẽ đáng trân trọng của nhạc sĩ Phạm đình Chương. Trong đầu tôi hiện ra ba dòng sông và cái kết là ghép ba dòng sông đó lại với nhau để tuôn ra biển lớn với ý nghĩa ba miền mà nắm tay nhau thì không ngại gì ra biển lớn cả. Nên mặc dù rất khó khăn về kinh phí nhưng tôi và toàn ekip cũng như ban giám đốc công ty Chu Thị đã quyết định thực hiện những gì tốt nhất có thể để dựng nên bài hát này. Có “chơi lớn” mấy cũng không thể so sánh được với một tác phẩm lớn như Hội Trùng Dương. Nếu khán giả xem đến cuối bài sẽ thấy hình ảnh ba dòng sông được ghép thành một và ba ca sỹ đại diện cho ba miền đứng hát trước 3 dòng sông như tiếng nói của ba miền Bắc - Trung - Nam.
Đạo diễn – nhạc sĩ Nguyễn Quang đang xem lại hình ảnh fly cam
Đi đến 3 nơi ghi hình trong nhiều ngày thì điều gì làm anh nhớ nhất khi thực hiện ghi hình bài hát này?
Điều làm cho tôi đáng nhớ nhất trong chuyến công tác xuyên Việt này là đúng vào mùa mưa. Trước đó mưa rất tầm tả tưởng rằng rất khó thực hiện nhưng không ngờ khi đoàn phim đến thì trời nắng khô, trong xanh giống như là một điềm báo trước bài hát sẽ được tiến hành thuận lợi. Toàn ekip quay phim đã phải làm việc rất cực lực chạy đua với mặt trời vì không biết lúc nào trời lại mưa nhưng thật may khi vừa quay xong thì trời đổ mới mưa rất lớn.
Một điều nữa là khi đứng trước 3 dòng sông để bắt đầu ghi hình, nhìn vào fly cam tôi không khỏi bàng hoàng vì ba dòng sông đều đẹp đến không tả được. Cảm xúc dâng tràn, tôi cảm thấy yêu quê hương mình nhiều hơn.
Ca sĩ Lô Thuỷ, Mỹ Đăng, Tương Phùng đại diện cho ca sĩ 3 miền Bắc - Trung - Nam
Theo dõi chương trình Âm nhạc Việt Nam những chặng đường ngay từ những ngày đầu lên sóng, chúng tôi nhận thấy rằng đây là một chương trình tài liệu về âm nhạc được đầu tư công phu về mặt tư liệu. Nhất là việc chương trình được Trung tâm Dữ liệu Quốc gia II và Trung tâm Lưu trữ & Nghiên cứu Điện ảnh TP.HCM làm hậu thuẫn. Phải chăng việc chương trình đi quay ngoại cảnh lần này là tiến thêm một bước nữa trong việc đầu tư công phu về hình ảnh?
Mục đích thực hiện chương trình Âm nhạc Việt Nam những chặng đường là nhằm để khán giả hiểu rõ hơn về những tác phẩm kinh điển hay những tình cảm của tác giả và hoàn cảnh ra đời của nó như là một bộ phim tài liệu về âm nhạc của tất cả những nhạc sĩ đã đóng góp trí tuệ của mình cho âm nhạc Việt Nam. Và cũng là một kho lưu trữ miễn phí cho những ai muốn tìm hiểu thêm về âm nhạc Việt Nam qua nhiều thời kỳ. Với sự hậu thuẫn về tài liệu của Trung tâm Dữ liệu Quốc gia II và Trung tâm Lưu trữ & Nghiên cứu Điện ảnh TP.HCM, tôi và e kip rất tự tin để tiếp tục thực hiện cung cấp cho khán giả những hình ảnh và thông tin chính xác nhất về âm nhạc Việt Nam. Mặc dù vậy khi tiếp cận những tài liệu quý giá ấy tôi cảm thấy mình cần phải tăng cường thêm nhiều hình ảnh sống động hơn để khán giả hiểu được cảm xúc thật của bài hát mà mình hằng yêu thích. Chắc chắn nếu có điều kiện hơn thì về phần hình ảnh sẽ được đầu tư nhiều hơn nữa để xứng đáng là bộ phim tài liệu lịch sử âm nhạc Việt Nam.
Đạo diễn – nhạc sĩ Nguyễn Quang chỉ đạo quay ca khúc Tình Ca của Phạm Duy
Là con trai của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, nhưng cho đến thời điểm hiện tại chương trình Âm nhạc Việt Nam những chặng đường chưa làm một tập nào về nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là vì sao vậy?
Trước hết với tinh thần tôn sư trọng đạo tôi muốn gửi đến khán giả những nhạc sĩ lớn của nền âm nhạc Việt Nam trước rồi mới đến ba mình và hơn nữa cũng có một dự tính rất liên quan đến con số 9. Vì thế chương trình đã chọn phát sóng tập Nguyễn Ánh 9 vào ngày 09/09/2019. Lúc đó khán giả sẽ hiểu thật rõ tại sao có tên Nguyễn Ánh 9, và con số 9 ấy đã trở thành định mệnh của ba tôi như thế nào? Cuối cùng rất mong nhận được những góp ý và đóng góp tài liệu từ nhiều nguồn của tất cả khán giả theo dõi chương trình và khán giả yêu nhạc Việt Nam. Cảm ơn công ty Chu Thị và ban giám đốc VTV3 đã tạo rất nhiều điều kiện cho tôi và e kip thực hiện được chương trình này.
Nhạc cảnh Trường ca Hòn Vọng Phu của Lê Thương tại Đà Lạt
Ekip ghi hình Hội Trùng Dương tại Tiền Giang
Clip tập 75 Âm nhạc Việt Nam những chặng đường
Xin cảm ơn rất nhiều!
Thương Tín