Nhà văn Chu Lai lấy vợ nhờ… một câu thơ

(Dân trí) - “Tôi lấy vợ nhờ 1 câu thơ” - Đại tá, nhà văn Chu Lai dí dỏm kể về câu chuyện tình “ly kỳ, hấp dẫn” của mình với “phu nhân”, nhà văn Nguyễn Thị Hồng.

Dám “vượt mặt” anh hùng đặc công thuỷ

 

Sau giải phóng miền Nam, các nhà văn, nhà thơ trẻ được quân đội tập trung cho đi Đà Lạt để sáng tác tái hiện lại cuộc chiến thần thánh của dân tộc vừa kết thúc. Đoàn có 22 nhà văn, nhà thơ, hoặc "lều văn, lều thơ" mới xuất hiện trong kháng chiến chống Mỹ. Toàn là người trẻ, quân hàm từ thiếu uý đến thượng uý. 22 người, thì 20 chưa có gia đình, vậy mà trong đoàn lại xuất hiện một nhà văn nữ, làm tất cả cánh nam giới cứ xốn hết cả lên.

 

Cánh nhà văn trẻ toàn là trưởng thành trong quân đội, ở rừng từ 6-7 đến 10 năm. Chu Lai kể, sau 10 năm "nằm vùng" tại Lái Thiêu, cách Sài Gòn có 15 km, sống trong môi trường toàn nam với nhau, lúc nào cũng khao khát một bóng hình phụ nữ. Còn những người khác, cũng đều chỉ quen với cuộc sống trong rừng, chỉ cần có dáng hình một người nữ giao liên đi qua là đem lại mùa xuân cho tất cả cánh lính trẻ, là làn gió mát thổi qua cả cánh rừng khô héo vì chất độc quân Mỹ rải.

 

Dù "nàng" là mục tiêu săn sóc của cả đoàn, nhưng chàng trai Hà Nội Chu Lai vẫn quyết tâm chiếm trọn tình cảm của nàng. Và tuy biết "nàng" sắp sửa kết hôn với một anh hùng đặc công thuỷ, nhưng chàng đặc công cạn này không hề nao núng.

 

Anh ấy tuy là anh hùng, nhưng khi nói chuyện gì với nàng, chắc cũng chỉ kể có: "Hôm ấy bọn anh từ dưới nước ngoi lên đánh cái tàu A, hôm sau bọn anh lại bơi đi đánh cái tàu B" là cùng. Còn mình, mình đang trên đường thành nhà văn, biết kể những chuyện "hoả châu sáng rực trời đêm" hay "những đường đạn xé toang đêm tối" hoặc "nước sông lung linh gợn sóng lấp lánh muôn vàn ánh sao...", sợ gì!

 

Câu thơ “xuất thần” trên đèo Hải Vân

 

Trên đường từ miền Bắc vào Đà Lạt, Chu Lai vẫn loay hoay tìm cách để chinh phục người đẹp. Đến đúng đèo Hải Vân, trước cảnh non nước trời biển hữu tình, bỗng nhiên, con người chưa bao giờ làm thơ lại bật ra câu thơ "xuất thần": "Biển xanh đựng nắng đổ vào mắt em".

 

Chu Lai kể: "Khi ấy, gương mặt "nàng" sau những năm chiến tranh ác liệt, trắng và xanh xao. Mắt "nàng" to, khi nhìn qua cửa xe ra phía biển tôi thấy đúng là màu của biển ánh lên trong mắt "nàng" thật. Vậy là câu thơ "đầy chất xăng dầu" đó tự nhiên bật ra. Đúng là chất "xăng dầu" thật, vì nào là "đựng", nào là "đong" còn gì. Nhưng mà được bật ra vào thời điểm ấy, quá hợp tình hợp cảnh, cứ như là có thần nhân làm rồi truyền vào miệng mình vậy. Chỉ có mỗi một câu duy nhất, thế mà nàng thực sự xúc động, và từ đó bắt đầu "kết" tôi!"

 

Cuốn tiểu thuyết viết với thời gian kỷ lục

 

Lên đến Đà Lạt đúng đang mùa đông. Cái lạnh, cái đẹp tuyệt diệu của xứ sở sương mù khiến con người... không yêu nhau mới lạ! Vậy là Chu Lai và nàng đã bắt đầu có tình ý. Anh quyết định viết cuốn tiểu thuyết "Nắng đồng bằng" thật nhanh, với tốc độ... mỗi ngày một chương, để đến đêm được đem sang phòng nàng, đọc cho nàng nghe.

 

"Tôi cố gắng viết từ 8h sáng đến 11h đêm cho xong một chương sách dài khoảng 25-30 trang", Chu Lai kể. "Đến tối, cả khu trại viết văn quân đội được vệ binh canh giữ cẩn mật. Vậy là tôi phải giở kế: "Ve sầu thoát xác", giăng màn đắp chăn như đang ngủ, dưới giường giày vẫn xếp ngay ngắn. Sau đó mới leo qua cửa số, di chuyển theo kiểu...đặc công qua khoảng sân dài 100m để đến khu nàng ở. Tới nơi, gõ cửa sổ theo ám hiệu, rồi "đột nhập" vào đọc cho nàng duyệt đầu tiên. Vì nàng đang là biên tập viên nhà xuất bản mà. Trong 1 tháng ở trại viết, tôi viết xong trọn cuốn tiểu thuyết 30 chương. Sau này, tôi không bao giờ có thể đạt được, dù chỉ 1/10 kỷ lục xuất sắc ấy nữa."

 

Nhờ có tiếng ngáy nổi tiếng của nhà văn Xuân Thiều ở phòng bên cạnh mà việc đọc "sơ duyệt" tiểu thuyết của Chu Lai không bị phát hiện. "Chắc không ai tưởng tượng được tiếng ngáy của ông Xuân Thiều như thế nào. Có nhà thơ ở cơ quan tôi đã mô tả tiếng ngáy ấy như thế này: "Ngáy như nhè ruột ra rồi lại nuốt ruột vào!". Chính vì vậy, mà ông Hồ Phương ở phòng bên kia hoàn toàn... mù tịt về hành động "mờ ám" của Chu Lai.

 

“Tôi không bao giờ làm thơ nữa!”

 

Chu Lai "than thở": "Khi về đến Hà Nội, tôi đã "bị" nàng bắt làm tù binh vĩnh viễn. Chính vì vậy, tôi không dám và cũng không còn khả năng làm thơ nữa".

 

"Nàng" của Chu Lai ngày ấy, bây giờ là người vợ đảm đang, người đồng nghiệp của anh, Đại tá, nhà văn Nguyễn Thị Hồng.

 

Tiên Long