Nhà báo Tạ Bích Loan và những dấu ấn trong gần 3 thập kỷ gắn bó với VTV
(Dân trí) - Sau 29 năm gắn bó với VTV, nhà báo Tạ Bích Loan đã ghi dấu ấn sâu đậm với khán giả truyền hình cả nước qua loạt chương trình đình đám.
Nhà báo Tạ Bích Loan đầu quân cho VTV khi 27 tuổi. Đầu tháng 12 tới, chị sẽ nghỉ hưu sau 29 năm công tác.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhà báo Phạm Hồng Tuyến - nguyên Trưởng phòng Tương tác nội dung (VTV6), một người bạn khá thân với nhà báo Tạ Bích Loan - cho biết, ngày 28/11, nhà báo Tạ Bích Loan có buổi chia tay với các đồng nghiệp.
VTV6 có cuộc gặp mặt nhân sự và mọi người cũng tổ chức một buổi liên hoan chia tay với nhà báo Tạ Bích Loan.
Nhà báo Tạ Bích Loan không chỉ là một người làm báo chí thông thường, mà từ lâu đã là gương mặt quen thuộc, gắn với ký ức của nhiều thế hệ khán giả thông qua các chương trình đáng nhớ trên sóng truyền hình quốc gia.
Từ "SV 96" đến "Đường lên đỉnh Olympia"
Nhà báo, Tiến sĩ Tạ Bích Loan sinh năm 1968, tại thôn Thọ Thái, xã Yên Hưng, huyện Yên Mô, Ninh Bình. Chị tốt nghiệp trường cấp III Lý Thường Kiệt Hà Nội, (nay là trường THPT Việt Đức) và đã tốt nghiệp Tiến sĩ tại Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov ở Nga.
Tạ Bích Loan là nhà báo thuộc thế hệ biên tập viên, MC đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam, bên cạnh những đàn anh, đàn chị như nhà báo, MC Lại Văn Sâm, nhà báo Thu Uyên của chương trình Như chưa từng có cuộc chia ly.
Năm 1996, nữ nhà báo họ Tạ làm việc tại Ban Thể thao - Giải trí - Thông tin kinh tế (VTV3). Thời điểm này, chị tròn 28 tuổi và mới về công tác tại VTV được 1 năm. Đây cũng là thời điểm VTV3 mới thành lập, quá trình phát triển kênh sau đó gắn liền với sự nghiệp của chị.
Những ngày đầu đồng hành với VTV3, Tạ Bích Loan cùng nhà báo Lại Văn Sâm và đội ngũ người làm kênh đi thuyết trình tại các trường đại học trên khắp cả nước để "chiêu mộ" sinh viên tham gia chương trình SV 96.
Đây là gameshow đầu tiên của nhà đài, lại là chương trình "đinh" ra đời trong bối cảnh các trào lưu sinh viên phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc và Hàn Quốc. Với sự tham gia rộng khắp của sinh viên 3 miền tại Việt Nam, SV 96 khi đó đã trở thành một dấu mốc giải trí khó quên trên truyền hình đối với thế hệ 7X.
Sau đó, chị liên tục ghi dấu ấn ở vai trò MC trong các chương trình: Ở nhà Chủ nhật, Người đương thời, Đường lên đỉnh Olympia, 7 sắc cầu vồng… Chị cũng chính là tác giả kịch bản một số chương trình này, trong đó 7 sắc cầu vồng (1996-1998) là sản phẩm đầu tay.
7 sắc cầu vồng có thể xem là cuộc thi kiến thức đầu tiên dành cho lứa học sinh trung học phổ thông được lên sóng trên toàn quốc.
Bạn dẫn với nhà báo Tạ Bích Loan lúc bấy giờ là nhà báo Lưu Minh Vũ. Cũng tại chương trình này, Tạ Bích Loan gặp ngay "sự cố" đầu tiên trong sự nghiệp.
Ở kịch bản chị viết về 7 phần quà trao cho người chơi, có phần quà lớn và phần quà nhỏ, phần quà nhỏ nhất chỉ là một màn vỗ tay động viên tinh thần. Khi đó, có một khán giả bất bình, cho rằng kiểu tặng quà như thế là bất công và viết thư cho MC Lại Văn Sâm yêu cầu… đuổi việc chị.
Cuối năm 1998, nhà báo Tạ Bích Loan tiếp tục với Đường lên đỉnh Olympia. Ở chương trình này, ngoài là MC dẫn dắt năm đầu tiên, chị còn là người đưa ra ý tưởng về chiếc vòng nguyệt quế ý nghĩa dành cho người chiến thắng.
Sau công đoạn tuyển người chơi, mùa đầu tiên chính thức lên sóng vào tháng 3/1999. Lần cuối chị dẫn chương trình là năm 2000, sau đó trao lại vị trí cho MC Tùng Chi và chuyển sang làm đạo diễn chương trình đến năm 2003.
Là những thử thách dành cho người đủ dũng cảm và tự tin, đến nay, sau 25 năm phát sóng, Đường lên đỉnh Olympia là sân chơi truyền hình chưa từng hết "hot".
Nhờ tài năng và sự nỗ lực không ngừng nghỉ với nghề, năm 2007, Tạ Bích Loan được lãnh đạo nhà đài bổ nhiệm chức Phó Trưởng Ban Thể thao - Giải trí - Thông tin kinh tế.
Bản lĩnh "Người đương thời"
Nói đến những dấu ấn của nhà báo Tạ Bích Loan với VTV thì không thể bỏ qua chương trình Người đương thời do chị "cầm trịch".
Từ năm 2001 đến 2006, chương trình do VTV3 thực hiện nhưng giai đoạn 2007-2012, chương trình được chuyển sang Ban Thanh thiếu niên (VTV6) do khi đó nữ nhà báo trở thành Trưởng ban Thanh thiếu niên.
Trong 11 năm lên sóng, Người đương thời đã đồng hành cùng khán giả Việt Nam và quốc tế gặp gỡ 500 nhân vật khách mời.
Họ đều là những gương mặt nổi bật có đóng góp trong đời sống xã hội Việt Nam ở nhiều khía cạnh, lĩnh vực. Từ người phụ nữ nuôi 300 trẻ mồ côi khuyết tật Huỳnh Tiểu Phương; nhà khoa học Tạ Minh Sơn - người tạo ra nhiều giống lúa phù hợp với miền Trung đến các nhân vật thuộc giới nghệ thuật như: Nhạc sĩ Phó Đức Phương, ban nhạc Bức Tường, lĩnh vực quân đội như tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn…
Ở cương vị MC, Tạ Bích Loan gây chú ý với những câu hỏi thông minh và sắc sảo để làm nổi bật những câu chuyện tiêu biểu, nhân văn và đáng được lắng nghe, lan truyền, khiến người xem phải đặt suy ngẫm vào các vấn đề được nói đến.
Chia sẻ về xây dựng kịch bản và lựa chọn nhân vật tham gia Người đương thời, nhà báo Tạ Bích Loan từng cho hay: "Là người đang sống cùng thời với mình, với những câu chuyện cụ thể về cuộc sống, thế giới tâm hồn và quá trình lao động của nhân vật.
Mỗi kịch bản đưa ra một vấn đề thông qua số phận nhân vật, vấn đề của một người có thể là của một lớp người, một ngành nghề, một thế hệ, một giai đoạn lịch sử. Qua đó, chúng ta có thể thấy bức chân dung xã hội, của người đương thời".
Nhà báo Dương Xuân Nam - nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong - gọi đồng nghiệp Tạ Bích Loan là "cô nàng một tạ" không phải chỉ vì tên họ, mà còn bởi sức ảnh hưởng chị tạo ra trong các chương trình của mình.
Từng được nữ nhà báo phỏng vấn trong chương trình Người đương thời, ông Nam kể: "Những câu hỏi sắc sảo, thông minh, cùng bức tranh với nhiều ẩn ý sâu xa của MC Tạ Bích Loan lúc đó, làm tôi có phần khó chịu.
Song, về sau, mỗi khi nghĩ lại, tôi thấy nhà báo Tạ Bích Loan thật biết cách thu hút khán giả, biết cách khai thác chiều sâu của con người, của sự kiện, dày công sắp đặt để có một chương trình truyền hình thực sự hấp dẫn. Và tôi có cảm tình với Tạ Bích Loan từ đó".
60 phút mở cũng là chương trình gắn với tên tuổi của nhà báo Tạ Bích Loan bởi những câu hỏi trực diện, màn đối thoại thẳng thắn của chị với các khách mời trong chương trình.
Đến năm 2017, chị thôi giữ chức Trưởng Ban Thanh thiếu niên và chuyển sang làm Trưởng Ban Sản xuất các chương trình giải trí (VTV3) thay nhà báo Lại Văn Sâm về hưu.
Giai đoạn này, nhà báo Tạ Bích Loan tham gia và xây dựng nhiều chương trình chính luận có nội dung mang dấu ấn lịch sử - thời cuộc như: Đất nước trọn niềm vui, Giai điệu tự hào, Quân khu số 1… và để lại ấn tượng về một biên tập viên linh hoạt, bản lĩnh và dày dạn kinh nghiệm.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị cho rằng, cái khó khi làm chương trình mang tính thông điệp và có giá trị văn hóa, lịch sử, chính luận là nghệ thuật trình bày chi tiết và câu chuyện, bằng những ngôn ngữ và chất liệu đa dạng để thu hút người xem.
"Tôi tin rằng báo chí có tính định hướng nhân văn mới có khả năng tránh khỏi áp lực của nội dung giải trí không thích hợp với nhu cầu của xã hội, loại bỏ những yếu tố không nâng cao những giá trị tinh thần tốt đẹp của con người.
Chúng ta cần nhiều hơn những chương trình tạo ra những cảm xúc tốt đẹp, tâm trạng lạc quan, khơi gợi hành động tích cực trong xã hội, nội dung gắn với định hướng văn hóa và tư tưởng, đồng bộ với nguyên tắc tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí của chúng ta", nhà báo Tạ Bích Loan nói.
Năm 2017, chị được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh là một trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng tại Việt Nam.
Cùng với những đóng góp của mình, chị được khán giả ưu ái gọi là "người phụ nữ quyền lực của VTV" hay "người giữ kỷ lục nhiều show, chương trình ấn tượng nhất".