Nguyễn Văn Chung: "Chuyên môn đánh giá nhạc thiếu nhi là... những đứa trẻ"

(Dân trí) - "Sáng tác nhạc thiếu nhi tôi không cần ai có chuyên môn đánh giá mà đơn giản nhất là cần những đứa bé đánh giá", nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ.

Mới đây, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhận được kỷ lục Việt Nam dành cho “Nhạc sĩ trẻ sáng tác nhiều ca khúc thiếu nhi nhất Việt Nam” với 300 ca khúc sáng tác từ năm 2012 đến 2020. 

Nguyễn Văn Chung: Chuyên môn đánh giá nhạc thiếu nhi là... những đứa trẻ - 1

Trong suốt nhiều năm qua, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã dành nhiều tâm huyết và kiên trì theo đuổi dự án 300 bài hát thiếu nhi với mong muốn đây là "di sản" có thể để lại cho thế hệ thiếu nhi bây giờ và thế hệ thiếu nhi sau này. Và việc giành được Kỷ lục Việt Nam hoàn toàn là điều bất ngờ với nam nhạc sĩ.

Sáng tác nhạc thiếu nhi, chuyên môn đánh giá của tôi là… những đứa bé

Với thành tích được công nhận kỷ lục “Nhạc sĩ trẻ sáng tác nhiều ca khúc thiếu nhi nhất Việt Nam”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung có cảm thấy đây là một cột mốc đáng tự hào trong sự nghiệp của mình?

Ngày xưa, khi thành công với những bài hát tình yêu, tôi cảm thấy đó là may mắn bước đầu. Đến Nhật ký của mẹ là cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp sáng tác của tôi. Và 300 bài hát thiếu nhi là một cột mốc tiếp theo khiến tôi cảm thấy rất đáng tự hào. 

Nếu trước tôi thành công nhờ may mắn thì đây là quá trình tôi kiên định, kiên trì theo đuổi. Tôi quyết tâm thực hiện được thử thách cho bản thân và cũng mong muốn làm điều gì đó cho sự nghiệp sáng tác của mình.

Với anh, thành công này có dễ dàng không? 8 năm là khoảng thời gian rất dài, vậy anh làm gì để kiên định với con đường sáng tác nhạc thiếu nhi?

Bài Nhật ký của mẹ tôi không nghĩ có thể trở thành hit được vì nó quá dài. Riêng kỷ lục này xuất phát từ sự cố gắng, sự hy sinh của tôi. Tôi hy sinh những thành công mình đang làm để mình dấn thân vào lĩnh vực, một chủ đề hoàn toàn mới mà chưa biết được có thành công hay không.

Có những lúc tôi  thấy chơi vơi, thấy mệt mỏi và muốn dừng lại. Tôi nghĩ mình sẽ không đi hết "ngọn núi" 300 bài hát thiếu nhi này. Nhưng sự kiên định lại thôi thúc tôi tiếp tục công việc này.

Một trong những điều thôi thúc tôi chính là những đứa học trò của mình. Ví dụ như có bé thấy tôi viết một bài về mẹ cho bạn kia hát hay quá, mong muốn tôi viết một bài về cha để bé hát, bé khác lại muốn một bài để tặng cô... Tất cả các bé cứ cuốn mình đi theo. 

Nguyễn Văn Chung: Chuyên môn đánh giá nhạc thiếu nhi là... những đứa trẻ - 2

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bên các học trò nhí của mình.

Có lúc tôi nghĩ mình sẽ không thể viết được nữa, khi con số khoảng hơn 100 bài tôi thấy hơi nhiều, hơi quá tải. Nhưng tình cờ một lần tôi phát hiện ra một cách để có thể hệ thống lại. Tôi sắp xếp trật tự các bài hát thiếu nhi theo từng chủ đề và từ đó tôi có thể tiếp tục sáng tác, đi đến con số 300 bài cuối cùng.

Ca khúc nào đánh dấu bước khởi đầu của anh trong việc sáng tác cho thiếu nhi?

Bài hát thiếu nhi đầu tiên tôi viết và dấu một chặng đường đầu tiên cho sáng tác thiếu nhi là Gia đình nhỏ hạnh phúc to, Con gái nhỏ của ba. Ban đầu, tôi chỉ định viết một album nhạc thiếu nhi để tặng cho con gái nuôi Suri của mình. Nhưng khi Suri càng lớn lên, càng có sự quan tâm khác hơn thì tôi sẽ viết những bài hát thiếu nhi khác nữa dành cho con.

Tiêu chí của anh chọn khi sáng tác ca khúc thiếu nhi là gì?

Phải đơn giản, dễ nhớ, dễ thuộc nhưng không nông cạn, không hời hợt, không sáo rỗng, cũng không hô hào cứ điều gì cả. Tất cả những bài học hoặc những ý nghĩa muốn truyền tải cho đứa bé phải được gói gọn một cách tinh tế và khéo léo bằng những ca từ đơn giản, gần gũi và được "bọc" bằng một giai điệu thật là vui nhộn, dễ nhớ, dễ thuộc để các bé tiếp cận một cách đơn giản nhất.

Bên cạnh đó, sáng tác nhạc thiếu nhi tôi không cần ai có chuyên môn đánh giá mà đơn giản nhất là cần những đứa bé đánh giá. Chỉ cần bài hát nào bé thích thì sẽ hát, sẽ nghe và nhún nhảy theo. Và khi sáng tác ca khúc thiếu nhi, tôi thấy con tôi nhún nhảy theo, học trò thích hát và bộc lộ niềm vui khi hát thì tôi xem đó là một bài hát thành công.

Nguyễn Văn Chung: Chuyên môn đánh giá nhạc thiếu nhi là... những đứa trẻ - 3

Anh lấy cảm xúc từ đâu để sáng tác các ca khúc thiếu nhi?

Trước giờ tôi đều lấy cảm xúc của bản thân mình và những bài hát thiếu nhi cũng vậy, tôi phải chơi với các con, với học trò của mình, phải trao đổi, trò chuyện với các bé để mình hiểu được các em đang muốn cái gì, đang thích cái gì, đang quan tâm điều gì, hoặc là  cần câu chuyện gì; muốn bày tỏ thông điệp gì với ba mẹ, với những người mình yêu quý. Từ những cảm xúc đó tôi kết nối với mình và cảm nhận nó. Tôi xem đó giống như nguyên liệu, chất xúc tác ở xung quanh mình lấy “đắp thêm” cho bài hát thiếu nhi của mình.

Thật sự mà nói, nếu một mình viết, ngồi tự tưởng tượng viết bài thiếu nhi thì không thể nào làm nổi. Ở xung quanh tôi có rất nhiều nguồn thông tin, rất nhiều nguồn cảm xúc và tôi tận dụng tất cả nguồn cảm xúc đó để viết. Như vậy mới có thể trọn vẹn 300 bài hát thiếu nhi.

Anh có tiếp tục sáng tác nhạc thiếu nhi sau kỷ lục 300 ca khúc được ghi nhận không?

Con số 300 chỉ là cột mốc tôi đặt ra thử thách bản thân mình thôi, thực tế đã nhiều hơn số 300 rồi. Trong khoảng thời gian làm tôi đã viết rất nhiều bài và chọn lọc lại. Có những bài tôi cảm thấy không hay, tôi không thích sẽ không đưa vào tuyển tập này.

Những sáng tác trong 300 bài hát này hoàn toàn thuộc về bản quyền của tôi và tôi có thể tự quyết định mọi thứ. Nhưng sau này có những ca khúc thiếu nhi mà nhãn hàng nào thấy phù hợp và mong muốn hợp tác tôi sẽ tiếp tục viết thêm.

Những năm gần đây, thu nhập của nhạc sĩ tăng cao hơn trước, điều này có giúp anh chuyên tâm hơn trong sự nghiệp sáng tác?

Gần đây nhờ vào Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có phương án tốt hơn để mang lại thu nhập cao hơn cho các anh em nhạc sĩ. Không chỉ riêng tôi mà đối với rất nhiều chú, các anh em nghệ sĩ khác có thể lo được cho bản thân mình, cho gia đình của mình, sẽ không chịu nhiều áp lực vì cơm, áo gạo, tiền. 

Không phải viết những bài hát mang tính kinh doanh thì ai cũng có được nhiều tác phẩm cống hiến có giá trị, có ý nghĩa hơn.

Đó cũng là điều tốt, bởi vì ai cũng mong lao động để có được thu nhập tốt cho bản thân, cho gia đình của mình. Khi có thu nhập tốt sẽ thăng hoa hơn trong việc sáng tác. Họ sẽ hào hứng hơn trong việc lao động và họ cảm thấy lao động sáng tác mang lại cái gì ý nghĩa hơn. Lúc đó họ mới tìm được một lý tưởng, chứ nếu suốt ngày chỉ lo kiếm tiền cơm, tiền gạo thì làm gì có lý tưởng được.

Nhạc sĩ nào cũng có “bóng hồng” trong những sáng tác và làm nên tên tuổi, anh thì sao? Cô gái nào đã đi vào các sáng tác của anh? 

Đa số nhạc sĩ viết về tình yêu cũng xuất phát từ tình yêu của mình, từ người yêu, người tình hoặc là những cô gái mà mình đã từng thương mến, để lại cho mình nhiều niềm vui và tiếc nuối. 

Bây giờ không có cô gái nào cả, nhưng thời điểm năm 2 đại học, có một cô gái mang cho tôi rất là nhiều cảm xúc. Chúng tôi quen xa, nhưng được một năm thì cô gái đó “biến mất”, không một lời chia tay. Đến tận bây giờ tôi cũng không biết cô gái đó đi đâu. Nhưng thời điểm đó cô ấy đã để lại cho tôi rất nhiều tiếc nuối, một câu hỏi không thể nào giải đáp được, không ai giải đáp. Tôi cũng không biết mình hoặc là cô ấy đã làm gì sai để cả hai phải chia tay một cách ngỡ ngàng như vậy.

Nguyễn Văn Chung: Chuyên môn đánh giá nhạc thiếu nhi là... những đứa trẻ - 4

"Đa số nhạc sĩ viết về tình yêu cũng xuất phát từ tình yêu của mình, từ người yêu, người tình hoặc là những cô gái mà mình đã từng thương mến, để lại cho mình nhiều niềm vui và tiếc nuối".

Cuối cùng, nhờ những nỗi buồn đó mà tôi sáng tác. Có rất nhiều cảm xúc theo tôi đến rất nhiều bài hát và đa số những bài hát đó đều trở thành hit như Vầng trăng khóc, Đêm trăng tình yêu, Con đường mưa... Tất cả những cái bài hát ngày xưa tôi viết đều là cho cô gái đó. Và đó cũng là cô gái đã "biến" tôi trở thành nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.

Hôn nhân tan vỡ không ảnh hưởng đến việc sáng tác nhạc thiếu nhi

Anh có thể trải lòng một chút về cuộc hôn nhân đã đổ vỡ. Anh có cảm thấy cô đơn trong cuộc sống hiện tại không?

Tôi không muốn nói nhiều đến chuyện này, tôi nghĩ đến một lúc nào đó, cuộc sống sẽ có sự thay đổi. Chúng ta phải lựa chọn để đưa ra những quyết định thay đổi cuộc sống của mình, thay đổi những bế tắc của mình. Tôi cũng vậy.

Tôi chỉ cần khán giả biết là bây giờ tôi đang ổn và dành rất nhiều thời gian cho sự nghiệp sáng tác của mình - một niềm đam mê chắc chắn tôi sẽ theo suốt cuộc đời. Tôi sẽ làm được nhiều điều hơn cho công việc, cho cuộc sống của mình và tôi hy vọng là khán giả sẽ hiểu cho tôi.

Cuộc sống hôn nhân không trọn vẹn có ảnh hưởng đến con đường sáng tác nhạc thiếu nhi với những giai điệu vui tươi của anh không?

Tôi nghĩ cuộc sống hôn nhân không ảnh hưởng gì đến việc tôi sáng tác cho thiếu nhi. Bởi vì cảm xúc để sáng tác những ca khúc thiếu nhi đến từ lòng yêu thương tôi dành cho những đứa trẻ. Tôi thương con mình, thương con gái nuôi của mình, thương những đứa học trò của mình… Thậm chí những đứa trẻ mà tôi gặp phải trên đường; hoặc đọc một bài báo về một đứa trẻ nào đó đang phải chịu một nỗi đau, một chuyện buồn, mất mát...  là tôi đã cảm thấy rất xót xa rồi.

Giống như trường hợp vừa rồi khi tôi đọc bài báo về cây phượng ngã đè những đứa trẻ đi học, tự dưng tôi rơi nước mắt. Tôi thấy những đứa trẻ đều là những cái gì đó rất mỏng manh và cần sự bảo vệ, cần được sống.

Anh có buồn hay tiếc nuối gì khi bản thân không giữ được một mái ấm trọn vẹn cho các con?

Tôi chỉ buồn khi tôi không thể lo được cho con một cuộc sống tốt, học ở một môi trường tốt, cho con ăn được những món ăn sạch hoặc là cho con sống trong một môi trường vui vẻ về tinh thần. Nếu nói về tiếc thì tôi chỉ tiếc khi không có nhiều thời gian dành cho con hoặc là không có nhiều thời gian vui vẻ, chơi đùa với con, cho con những kỷ niệm đẹp.

Tôi nghĩ một đứa trẻ chỉ cần mình cố gắng nuôi dưỡng trong một môi trường đầy đủ ở mức cơ bản, như cho con học ở môi trường giáo dục tốt, có bạn bè, thầy cô đàng hoàng và chuẩn bị trước tương lai cho con. Bên cạnh đó, về tinh thần mình luôn cho con không khí vui vẻ, thoải mái và văn minh nhất. Như vậy đã là tốt một đứa trẻ rồi. 

Tôi đánh giá điều đó tốt hơn là có một mái ấm nhưng mà đôi khi đó không thực sự là một mái ấm và có không khí ngột ngạt ở trong nhà. Rồi đứa trẻ lại phải nghe những sự giận hờn, trách móc, hay mắng nhiếc của người cha, người mẹ của mình. Giữa hai điều đó, điều nào thật sự tốt hơn tôi nghĩ mọi người cũng có thể hiểu được .

Điều mà tôi quan tâm nhất với con là tinh thần của con lúc nào cũng phải cảm nhận được sự yêu thương từ cha lẫn mẹ. Cũng như không có điều gì nặng nề trong tuổi thơ của con.

Nguyễn Văn Chung: Chuyên môn đánh giá nhạc thiếu nhi là... những đứa trẻ - 5

Nam nhạc sĩ đã ly hôn và hiện vẫn chọn cuộc sống độc thân. Niềm vui trong cuộc sống của anh ngoài sáng tác là đam mê bóng đá.

Có khoảng thời gian nào sáng tác của anh bị gián đoạn không?

Khá nhiều khoảng thời gian công việc sáng tác của tôi bị gián đoạn. Đó là những lúc tôi thấy bị mệt, bị chơi vơi, và bị mất phương hướng. Bởi vì tôi chưa biết được những gì mình làm sẽ mang lại cho mình những gì, hoặc là có được như mình mong muốn, mình tưởng tượng hay không. Tôi chỉ dựa vào niềm tin để sáng tác.

Khi tôi chia sẻ mình sẽ làm 300 bài hát thiếu nhi, rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, anh em thân thiết đều nghĩ tôi nói đùa hay dở hơi, làm chuyện viển vông. Và bản thân làm đến một đoạn đường nào đó, tự nhiên mình cũng sẽ cảm thấy như vậy thôi, tại vì nó thật sự rất khó khăn. Ai đã bắt đầu làm điều này mới cảm nhận được những khó khăn mà tôi đã phải gánh chịu trong suốt 8 năm qua. Nhưng mà nó đến từ sự liều lĩnh và mình phải chấp nhận nó.

Ca khúc Nhật ký của mẹ vẫn là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của mình, anh có mong muốn sáng tác ca khúc khác để vượt qua đỉnh cao này?

Do mọi người ấn tượng nhiều quá, thật ra Nhật ký của mẹ cũng chỉ là một trong những điểm nhấn trong sự nghiệp sáng tác của tôi. Bản thân tôi cũng biết mình còn nhiều điều khác phải làm lắm. Ví dụ như 300 bài hát thiếu nhi này, nếu tính ra về mức độ cống hiến, rõ ràng là một cái “đỉnh” cao hơn Nhật ký của mẹ.

Trong giây phút tôi sáng tác bài hát đó không xuất phát từ việc tôi muốn cống hiến, mà chỉ đơn thuần là một món quà tặng mẹ thôi. Nhưng mà riêng 300 bài hát thiếu nhi này xuất phát từ việc "tôi muốn cống hiến". Tôi muốn ghi dấu một điều gì đó cho sự nghiệp sáng tác của tôi. Đây là di sản tôi có thể để lại cho thế hệ thiếu nhi bây giờ và thế hệ thiếu nhi sau này. 

Đối với tôi, 300 bài hát thiếu nhi này là điểm nhấn, đã vượt qua Nhật ký của mẹ. Và tôi hy vọng mọi người sau này đánh giá đúng dự án này và dự án sau này của tôi nữa.

Băng Châu