Nguyễn Đức Hạnh, câu thơ chảy dọc đời lặng lẽ

Phương Nhung

(Dân trí) - Nguyễn Đức Hạnh là nhà văn, chuyên ngành lý luận phê bình. Thế nhưng nhà văn này mê đắm với thơ.

PGS.TS, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đức Hạnh cả đời gắn với sự nghiệp đào tạo nhân lực ở Thái Nguyên. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thái Nguyên.

Nguyễn Đức Hạnh là nhà văn, chuyên ngành lý luận phê bình. Thế nhưng nhà văn này mê đắm với thơ. "Thầm", NXB Hội Nhà văn quý 2/2021 là 1/4 thơ, 1/9 tác phẩm ông đã xuất bản.

Nguyễn Đức Hạnh, câu thơ chảy dọc đời lặng lẽ - 1

PGS.TS, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đức Hạnh (trái) cả đời gắn với sự nghiệp đào tạo nhân lực ở Thái Nguyên.

"Thầm" đa đề tài, đa thi pháp; có thơ tự do, lục bát, văn xuôi. Đối với lục bát, vốn được xem là thể thơ "hồn cốt" của thi ca Việt, phát triển lên từ ca dao, văn học bình dân và trường tồn cho đến ngày nay.

Có thể kể ra đây "Ở đây", "Xem đêm", "Lạc", "Lục bát dầm mưa lạnh", "Sông Cầu", "Vĩ Dạ xưa", "Bóng", "Lãi", "Bóng dưới Tây Hồ", "Người mùa đông ngắm mùa đông", chiếm gần 21% tổng số bài. Điều này cho thấy, Nguyễn Đức Hạnh không câu nệ về thể loại, nó chỉ là phương thức giúp ông biểu đạt được tâm hồn.

"Ở đây" là 1/11 bài lục bát có thi ảnh đặc biệt "thơ". "Ở đây có hạt lúa vàng / Nằm trong bồ chật mơ màng mà thơm". "Mơ màng mà thơm" thì hay quá. Ví dụ khác: "Đường đã nhỏ lại gập ghềnh / Mấy viên đá cuội giật mình mà lăn", "đá cuội giật mình mà lăn", thực sự "thơ", sự tưởng tượng chỉ có ở thơ.

"Ở đây đom đóm dịu dàng

Nửa đêm thắp sáng nửa bàn tay run!"

Giữa bóng tối và ánh sáng, bóng tối thường là nơi trú ngụ của những tâm hồn cần dưỡng khí, chằng chịt vết thương lòng. Vì thế, đêm được xem là không gian tâm trạng, là nơi chốn người nghệ sĩ đối diện với bóng với vách để bộc bạch hay chất vấn chính mình. "Đêm" xuất hiện trong nhiều bài trong "Thầm", không riêng bài "Ở đây".

Nguyễn Đức Hạnh, câu thơ chảy dọc đời lặng lẽ - 2

Ngoài Truyện Kiều của Nguyễn Du đạt đến đỉnh của lục bát, có thể kể ra những nhà thơ thành công với thể loại này như Huy Cận, Nguyễn Bính, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Lê Đình Cánh...

Đời sống thi ca ngày càng phong phú với khá nhiều xu hướng, trường phái, nhất là giai đoạn mở cửa, hội nhập, giao lưu văn hóa toàn cầu. "Trong cuộc "cạnh tranh" giành vị thế và đáp ứng yêu cầu của độc giả hiện đại so với các thể loại khác, lục bát vẫn khẳng định được khả năng tồn tại và sức hấp dẫn mạnh mẽ của mình với hơn", (TS. Biện Thị Quỳnh Nga). Đó là nhận định đúng.

Dẫu, lục bát ngày nay được làm mới, đa dạng, được các nhà thơ chú tâm phát triển hình thức. Lục bát không chỉ huyền ảo mà còn có ý nghĩa sâu xa hơn, có chất của thơ hiện đại, ngôn ngữ thơ hiện đại, ý nghĩa đa dạng, hình thức đa dạng.

Nguyễn Đức Hạnh trong sáng tác của mình, không câu nệ về hình thức ngắt câu, xuống dòng, bẻ lục, bẻ bát... như một thứ mode của các tác giả trẻ. Cơ bản ông trung thành về cấu trúc, tứ thơ... chú trọng làm mới tầng xúc cảm hơn là hình thức.

Trong "Thầm", Nguyễn Đức Hạnh còn nhiều câu thơ lục bát khá hay:

...

Có hòn đá cuội lặng im

Xem đêm đến nứt trái tim yêu thầm

(Xem đêm)

...

Lục bát thả một lưỡi câu

Bình an thì lảng, bể dâu cắn nhiều

(Lục bát dầm mưa lạnh)

...

Không ai lay giấc hát thầm

Nửa đêm thức gối ướt đầm bóng cây

(Bóng)

Là nhà phê bình văn học, chắc chắn PGS. TS. Nguyễn Đức Hạnh nghiên cứu nhiều về thơ. Là nhà giáo, chắc chắn PGS. TS. Nguyễn Đức Hạnh đã từng hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh làm luận văn, luận án về thơ.

Tâm hồn ông thuộc về thơ. Điều này giải thích vì sao trong "Thầm" PGS. TS. Nguyễn Đức Hạnh có nhiều bài thơ về thơ. Có thể kể đến "Thơ", "Tản mạn về thơ", "Lãi", "Vong chữ"; ông còn có các bài thơ tặng nhà thơ Y Phương, nhà thơ Trần Hùng, Đoàn Quốc Vịnh; hoặc nhớ Hoàng Cầm, Hàn Mặc Tử - những thi nhân đã về miền mây trắng từ lâu.

...

Đời tặng nhà thơ bao nhiêu củi

Mỗi lần đốt một ngọn lửa thanh tân

Nhìn tưởng giống nhau nhưng thực ra lửa bao giờ cũng mới

Có đốt được không ngọn lửa của riêng mình?

(Tản mạn về thơ)

"Ngọn lửa của riêng mình" phải "đốt" được, trước là thơm "mùi" bản ngã, sau mới hy vọng thơm mùi "nhân vị" người. Nhà thơ Chế Lan Viên từng nói: "Câu thơ phải luôn bất ổn và xôn xao", đọc câu kết của bài thơ "Tản mạn về thơ" của PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hạnh, chắc chắn người làm thơ nói chung phải suy nghĩ.

Trong "Thầm" có những bài thơ chủ đề về quê hương, đất nước. Điều tôi cảm động là PGS. TS. Nguyễn Đức Hạnh, quê gốc Hưng Yên nhưng dành cho miền Trung có 2 bài thơ là "Nghẹn tiếng miền Trung", trang 89 và "Nhớ miền Trung", trang 99. Nếu tính cả bài "Vẽ" tặng nhà văn, họa sỹ Như Bình (quê Hà Tĩnh) thì thành 3 bài viết về miền Trung.

Miền Trung là vùng đất gian khó, lạ kỳ đó lại là "đất thơ". Không chỉ các nhà thơ sinh ra và lớn lên ở miền Trung mà rất nhiều nhà thơ người quê khác từng viết, viết hay về miền Trung nói chung, xứ Nghệ nói riêng. Với Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh, miền Trung là "em" và ngược lại. Dẫu "Em là thủy tinh sôi ngàn độ", (Vẽ), Nguyễn Đức Hạnh vẫn muốn "Uống em để suốt đời vẫn khát", (Nhớ miền Trung). Không biết có phải vì vậy không nhưng ông đã có những câu thơ hay về miền Trung:

"Nắng cắn mãi đá gan gà còn nứt / Mồ hôi rơi nửa chừng đã bốc hơi / Bão chồng bão tên bão không nhớ nổi / Gió Lào hun ròn cả nụ cười", (Nhớ miền Trung). Dẫu gian khó như vậy nhưng với ông, "Miền Trung là nốt lặng thẳm sâu/ Là khoảng ngân rung không cần lời hát".

So với các tập thơ trước, ở "Thầm" Nguyễn Đức Hạnh cởi mở và phóng túng hơn trong cuộc đối thoại với bản thân. Ông tự cầm "chìa khóa" thơ mở cửa tâm hồn mình. Có thể thấy ở những bài thơ, câu thơ day dứt, hướng nội. "Sông dài vẫn có thể đo được / Biển cũng có thể và trời cũng thế / Đo tiếng thở dài làm sao?", (Vẽ). "Đêm mưa dài hay ngắn / Ồn ào hay trầm ngâm / Những tiếng gọi thăm thẳm từ vũ trụ / Những liều thuốc hồi sinh của trời đất gửi vào khô khát", (Mưa đêm).

Thi sỹ thường đa mang, trái tim nhạy cảm. Họ thường nương nhờ vào bóng đêm. Đó cũng là "không gian tâm trạng" của nhà thơ. Tôi đồ rằng, Nguyễn Đức Hạnh lẻ loi trong đêm, vin vào đêm, trải những day dứt lòng mình làm đêm. Vì thế, thơ ông luôn đau đáu, nhân vị người. "Lửa thật buồn liếm vào bàn tay / Mẹ ngồi sưởi nỗi buồn tuổi tác", (Chiều nay con vội về nhóm lửa). "Mẹ ngồi sưởi nỗi buồn tuổi tác", câu thơ thật hay, thật thơ, thi ảnh đẹp, trắc ẩn...

Nói về thơ hay, sẽ còn tranh luận rất nhiều chương hồi. Đặc biệt, thời chúng ta đang sống sự phân hóa về thị hiếu, quan điểm thẩm mĩ càng trở nên vô cùng phức tạp. Bản chất là nghệ thuật ngôn từ, thi ca càng phải sáng tạo ngôn từ. Tuy nhiên, nói như Xuân Diệu "Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa".

Dù nói "Thầm" nhưng trong thầm thì Nguyễn Đức Hạnh, ngổn ngang đời sống, bất ổn cuộc đời, "vốc vui buồn bỏng bàn tay". Những "Câu thơ yêu thương chảy dọc đời lặng lẽ", (Thắp nến mà cầu) trong "Thầm" mang đến cho người đọc cảm xúc nhân vị.