1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Nguyễn Chánh Tín: Nể vợ, thương vợ

Với Nguyễn Chánh Tín, kỷ niệm về vai diễn Nguyễn Thành Luân vẫn là những kỷ niệm đẹp nhất.

Nếu chọn một vài nam diễn viên điện ảnh được cánh phụ nữ mê mệt, chắc chắn một trong số đó là Nguyễn Chánh Tín. Nhưng thời gian thì khắc nghiệt lắm. Nhiều ngôi sao Hollywood không muốn xuất hiện trước công chúng lúc về già vì sợ làm mất đi những hình ảnh đẹp của mình thuở vàng son.

Nguyễn Chánh Tín có vậy không ở tuổi mon men hai phần ba quãng đời? Chẳng biết! Có điều anh không thích chụp ảnh nữa. Có điều anh đang bực mình với tấm thân "đổ đốn" đến đồ sộ, những 86 ký của anh. Nhưng lạ kỳ chưa, nụ cười của anh vẫn vậy.

Nguyễn Chánh Tín: Tôi là kẻ rất nhút nhát!

Người ta bảo nhìn phớt vào mắt người đàn ông sẽ thấy ngay đó là kẻ đa tình hay không. Riêng với Nguyễn Chánh Tín cả mắt, cả nụ cười đều ở ngoài "tầm phủ sóng" của những kiểu coi bói tướng ấy. Phớt hay không phớt vẫn lồ lộ ra toàn thân, toàn xác chứ đâu riêng gì mắt với miệng: Đa tình.

Ấy vậy mà, có thể tin được không từ miệng Nguyễn Chánh Tín ở cái thời 86 ký lô cân nặng nói ra đấy: "Tôi là kẻ nhút nhát". Nhưng tôi tin. Lý lẽ giản đơn: Kẻ đa tình vừa vừa thì coi trời bằng vung. Kẻ đa tình vượt ngưỡng đôi khi lại là kẻ vô cùng nhút nhát, đồng thời, khi lấy vợ, sẽ vô cùng yêu chỉ mình vợ và sợ vợ. Đó cũng sẽ là công bằng. Trời phú cho anh cái gì quá thì cũng tước bỏ của anh cái gì quá.

Nguyễn Chánh Tín: Tôi sinh ra ở Bạc Liêu. Má tôi là Lưu Ngọc Lan, hoa khôi của vùng Bạc Liêu, Cà Mau. Ba tôi, Nguyễn Chánh Minh. Gia đình khá giả, nhưng bị sa sút do chiến tranh. Gia đình tôi lên Sài Gòn, tôi học ở trường Tây nhưng ham chơi, ưa tụ tập đánh lộn, học dở nên bị đuổi, tôi phải vào học trường Việt.

Và mối tình đầu?

Thú thực, tôi không thể gọi được đâu là mối tình đầu. Với tôi, thuở học trò chỉ là những mối tình học trò với đúng nghĩa của nó chứ không lộn xộn như bây giờ. Trường Mạc Đĩnh Chi, quận Sáu, tôi học có nhiều cô rất xinh.

Lúc đó anh đã cao ráo và... đẹp trai...

Nhưng tôi lại chỉ lặng lẽ cắp cặp đi theo mấy người đẹp mà không một lần dám hỏi bắt quen. Có người đẹp thuở ấy sau này gặp lại, tôi kể là tôi đã cắp cặp bám theo bao nhiêu lần, rằng tôi yêu cô, cô ấy đã cảm động phát... khóc. Khi dứt cơn, cô ấy tấm tức: "Trời! Sao hồi đó anh không nói?". Tôi bảo: "Tôi không dám!". Cô ấy bảo: "Nếu anh dám nói thì tôi yêu anh liền".

Cảm giác thoát khỏi sự nhút nhát ấy là lúc nào?

Chẳng lúc nào cả. Tin, không tin. Mặc! Cho đến tận thời sinh viên, tôi học với Ngọc Bích, tức Bích Trâm, bà xã của tôi bây giờ, vẫn vậy. Tôi và Trâm cùng hoạt động văn nghệ trong trường Luật. gặp nhau, tôi chỉ nói qua nói lại chuyện bài hát nào hay, bài hát này hát thế nọ, mặc dù tôi để ý Trâm và rất thích Trâm. Cứ thế, thời gian trôi, tôi ôm "cục tình" trong sự im lặng. Cho đến một hôm, chắc sốt ruột vì chờ đợi câu tỏ tình của tôi mà Trâm đành buột miệng trước: "Tôi yêu anh!". Tôi vội nói ngay: "Anh cũng vậy!".

Làm đức ông chồng hơn ba mươi năm rồi, anh còn thấy mình nhút nhát trước vợ không?

Cái tính nhút nhát ấy đã được nâng lên đến đỉnh cao để biến thành: nể vợ, thương vợ.

Tôi biết khó mà có thể moi được những gì gọi là "tình tang" nào đó của Nguyễn Chánh Tín khi anh - gã nghệ sĩ hào hoa, đẹp trai lừng lững - đã cương quyết đóng khung công khai tư cách của mình ở điệp khúc: "Nể vợ, thương vợ".

Đang dở chuyện thì Bích Trâm xuất hiện, đưa một ly sinh tố cho Chánh Tín, với lời thúc giục: "Anh uống đi!". Thế thôi. Chánh Tín ngước nhìn vợ rõ là âu yếm cùng nụ cười không... diễn, và ngoan ngoãn uống cạn ly sinh tố. Thế thôi.

Nguyễn Chánh Tín - Sự thật... Lật ngửa.

Nói ngay, diễn đây là diễn trên sân khấu, màn ảnh chứ không phải diễn ngoài đời. Chánh Tín bảo: "Tôi chúa ghét diễn ngoài đời". Anh tự rút bài học cho mình: "Có lẽ nhờ ghét diễn ngoài đời mà diễn thành công trong nghệ thuật". Và "ăn theo" bài học ấy, có một "dư âm" khó thoát: cảm thấy bị cô lập.

Chà, con người bề ngoài thấy lúc nào cũng được vây bủa bởi bạn bè, chiến hữu, người hâm mộ lại cảm thấy bị cô lập. Nghịch lý ư?

Anh tự thích nghệ thuật và điện ảnh, hay do soi gương thấy mình điển trai mới tư vấn: Đẹp trai thế này chắc đóng phim được đây?

Có một sự thật, vào con đường nghệ thuật là bất ngờ lớn nhất đối với cuộc đời tôi. Khi còn là học trò trường Mạc Đĩnh Chi, tôi "buộc" phải tham gia văn nghệ ở trường.

Đội văn nghệ trường tôi luôn được giải nhất các liên hoan văn nghệ Sài Gòn, được quay lên ti-vi. Tôi nghiễm nhiên trở thành ca sĩ... bất đắc dĩ. Nhưng tôi vẫn chỉ đi hát chơi, tự trong tôi, ngay cả đến lúc nổi danh tôi vẫn chỉ nghĩ, sự nghiệp chính của tôi vẫn phải trở lại trường học, học Luật.

Duyên nào đến với điện ảnh?

Một lần, đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc, một tên tuổi lớn của điện ảnh sài Gòn xưa, xem tôi hát, đã ngỏ lời mời tôi đóng phim.

Thế nhưng, chỉ sau khi đóng vai Nguyễn Thành Luân trong Ván bài lật ngửa tôi mới ở một vị thế mà tôi cũng không thể nào ngờ tới.

Bắt đầu là thế nào?

Là cuộc vượt biên không thành. Tôi bị nhốt trong trại trên đường Phan Đăng Lưu, Phú Nhuận. Đó là năm 1982.

Một số người mách với ông Sáu Thảo (Dương Đình Thảo, lúc đó là giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM), người rất quan tâm tới bộ phim này, rằng, người thích hợp với vai Nguyễn Thành Luân là tôi. Nhưng mọi người đều e dè vì biết tôi đang ở trại giam. Ông Sáu Thảo quả quyết: "Tôi sẵn sàng bảo lãnh nó ra trại để giao nhiệm vụ".

Ông Sáu Thảo vào trại gặp tôi. Ông hỏi: "Chú còn vượt biên nữa không?". Tôi đáp: "Anh Sáu ơi, em vượt biên chả qua vì cực quá, có cái hộ khẩu Sài Gòn xin mãi không ai cho. Mà không hộ khẩu sống toàn giá "noi" (chợ đen) thì làm sao em sống nổi! Có hộ khẩu đàng hoàng tại nhà của mình, kinh tế ổn định, em việc gì phải vượt biên cho khổ?". Ông Sáu Thảo nói: "Được, tôi sẽ giải quyết".

Sau ba ngày, tôi có hộ khẩu. Thế là tôi lao vào đóng vai Nguyễn Thành Luân.

Nguyễn Chánh Tín đến tận bây giờ vẫn còn cảm thấy ngất ngây với những kỷ niệm cái thời sau khi Ván bài lật ngửa được công chiếu toàn quốc.

Một lần cùng đoàn nghệ sĩ đến phà Gianh, Quảng Bình. Bão, phà bị kẹt, hơn 2.000 xe xếp hàng rồng rắn. Đột nhiên có người phát hiện ra Chánh Tín đang "ẩn" trong đám nghệ sĩ. Thế là tất cả các xe đều nhường xe chở Chánh Tín qua phà.

Một lần đóng phim ở Bến Tre, hàng ngàn quần chúng chực chờ Nguyễn Chánh Tín ở khách sạn để xin chữ ký. Thành viên trong đoàn phải kiếm hàng ngàn tờ giấy trắng anh ký trước rồi đem phát cho quần chúng.

Nguyễn Chánh Tín xúc động kể: "Đời một nghệ sĩ như tôi chưa bao giờ được như thế. Bao chuyện dở khóc, dở cười. Đi đến đâu tôi cũng phải che kín mặt, đeo kính đen, ngủ chỗ nào phải vô ra như hoạt động bí mật. Có khi tôi phải đóng giả bụi đời ngủ trên thớt thịt ở lồng chợ. Có lần tại sân vận động Pleiku, hơn bảy ngàn người chen lấn xô đẩy vào xem chương trình có tôi xuất hiện. Cánh cửa sắt sân vận động đổ sập làm ba người bị thương".

Làm phim để kể chuyện lịch sử nước nhà

Đến bây giờ, hơn 20 năm sau, có thể nhiều khán giả đã quên nhân vật Nguyễn Thành Luân. Mỗi thời có thần tượng nghệ thuật của mình. Nguyễn Chánh Tín hiểu điều đó.

Điều đáng cuốn hút toàn bộ tâm trí của anh bây giờ là... sản xuất phim. Anh cùng các cháu của mình ở Mỹ về lập Hãng phim C&P. Bộ phim đầu tay của Hãng phim gia đình sẽ ra mắt vào tháng 4/2007, có tựa đề Dòng máu anh hùng.

Bộ phim dựa theo những câu chuyện lịch sử của Việt Nam. Nguyễn Chánh Tín bảo: "Đề tài, cốt truyện Việt Nam theo tôi rất được thế giới quan tâm. Nhưng người ta đa số mới chỉ biết Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Họ ít biết con người Việt Nam là ai, trước đó, có lịch sử xa xưa thế nào, ăn mặc ra sao, cuộc sống, tính cách ra sao. Hãng phim của chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng những hiểu biết này".

Tôi biết Nguyễn Chánh Tín còn là người có máu kinh doanh. Anh đã kinh doanh nhà hàng và góp vấn sản xuất nhiều bộ phim ăn khách như Chiếc mặt nạ da người, Ngôi nhà oan khốc.

Nhưng đề tài này lại không hấp dẫn tôi. Tôi chỉ chúc anh một điều: "Cật lực luyện tập giảm cân xuống còn bảy mươi ký như thuở nào, trở lại với những vai diễn khác mà ở độ tuổi của anh, tài năng của anh chắc chắn vẫn rất được nhiều người yêu điện ảnh nước nhà trông đợi".

Khi chia tay tôi, anh lặng buồn và thừa nhận hiện diễn viên điện ảnh Việt Nam vẫn còn quá thiếu vắng những tài năng lớn. Anh tỏ ý tiếc một Lê Công Tuấn Anh, thích một Công Ninh, và chưa thích nhiều ngôi sao trẻ. Hơn ai hết, anh thừa hiểu: Với tuổi U50 của mình, nghiệp diễn chưa hề kết thúc.

Theo Lưu Trọng Văn
Thế giới Văn hóa