Người truyền lửa Dân ca Quan họ
(Dân trí) - Sở hữu giọng hát ngọt ngào, vang, sáng, cùng gương mặt trái xoan và phong cách biểu diễn duyên dáng, tao nhã, sang trọng của một liền chị, Thanh Quý nhanh chóng trở thành cái tên quen thuộc đối với khán giả yêu mến Dân ca Quan họ Bắc Ninh từ nhiều năm nay.
Trùm chăn nghe nghệ nhân hát
Là người con của quê hương quan họ thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, nghệ sĩ Thanh Quý được dưỡng nuôi bằng men say của những làn điệu dân ca đằm thắm, ngọt ngào, tha thiết. Quyết tâm đến cùng để được bảo tồn, gìn giữ, tôn vinh dân ca quan họ, Thanh Quý luôn khiêm nhường học hỏi, nỗ lực luyện rèn đưa những nét đẹp của dân ca Quan họ đến với đông đảo công chúng.
Sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Bắc Ninh với tấm bằng loại giỏi, Thanh Quý về công tác tại Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh. Thanh Quý đã thể hiện sự nghiêm túc trong học tập bằng cách không ngừng học hỏi, tiếp thu cặn kẽ, cầu thị từ các liền anh, liền chị đi trước như; NSND Thúy Cải, NSƯT Quý Tráng, NSƯT Khánh Hạ truyền kiến thức qua cách kể chuyện thâm nhập thực tế bằng cùng ở, cùng ăn, cùng làm với các nghệ nhân quan họ, rồi chuyện trùm chăn nghe nghệ nhân hát, hay học thầy cô cách nhả chữ, lấy hơi.
Sở hữu giọng hát ngọt ngào, vang, sáng, cùng gương mặt sáng, Thanh Quý nhanh chóng trở thành cái tên quen thuộc đối với bất kỳ khán giả yêu mến Dân ca Quan họ Bắc Ninh từ nhiều năm nay. Thành công đó càng được khẳng định hơn nữa khi Thanh Quý đạt được nhiều giải thưởng quý như: giải A và giải B tiết mục đơn ca trong Liên hoan các Trường Văn hóa - Nghệ thuật toàn quốc năm 2002 - 2003; giải A Liên hoan Tiếng hát dân ca Việt Nam với tiết mục song ca “Lấy gì làm thú giải phiền” năm 2005; Huy chương Vàng tiết mục song ca “Tiên sa xuống cõi trần chơi” và Huy chương Bạc đơn ca làn điệu “Lý cây đa” tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2006. Đến Liên hoan năm 2012, thêm 1 Huy chương Bạc nữa dành cho Thanh Quý và đồng nghiệp trong tiết mục song ca bài “Tương phùng tương ngộ”.
Trong những sản phẩm ra mắt khán giả phải kể đến Album đầu tay “Sở cầu như ý” được thực hiện sau gần 10 năm nghệ sỹ gắn bó và công tác tại Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh (nay là Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh). Album “Sở cầu như ý” gồm 11 bài, trong đó hầu hết là những làn điệu Quan họ lời cổ. Với giọng ca ngọt ngào, đằm thắm hội tụ các yếu tố "vang, rền, nền, nảy" của nghệ thuật Dân ca Quan họ cùng khả năng biểu đạt tình tứ, hòa quyện nét duyên dáng Quan họ trong một không gian cổ xưa của miền quê Đồng bằng Bắc Bộ, ngoài ra Thanh Quý còn tham gia cùng với các nghệ sĩ, đồng nghiệp ra mắt nhiều anbum như: Còn duyên; Về Kinh Bắc; Mong nhớ bạn tình; Đôi ta như thể Đào nguyên; Về Thiên Thai, Về miền Quan họ 1; Về miền Quan họ 2…liền chị Thanh Quý mong muốn giúp khán, thính giả có thể thưởng thức Dân ca Quan họ Bắc Ninh cùng những nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa Quan họ đặc sắc của người Kinh Bắc - Bắc Ninh, qua đó góp phần quảng bá Di sản Quan họ đến với đông đảo công chúng gần xa.
Nguyện gìn giữ, bảo tồn, phát huy và truyền lửa dân ca quan họ
Ngoài những bài hát Quan họ phổ thông thường biểu diễn trên sân khấu, Thanh Quý còn thuộc và biểu diễn thành công hàng trăm bài hát Quan họ cổ, khó hát như: La rằng, Bạn Kim Lan, Suông hời, Tiên sa xuống cõi trần chơi, ...Mỗi lần được đi biểu diễn ở nước ngoài, Thanh Quý đều xác định đó chính là niềm tự hào nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm đối với người nghệ sỹ. Chị tự hào vì được là “sứ giả” mang loại hình nghệ thuật dân ca, tâm hồn của dân tộc giới thiệu với bạn bè quốc tế, để từ đó khẳng định văn hóa Quan họ là nét văn hóa độc đáo và cũng chính là bản sắc Việt Nam nói chung, của vùng quê Kinh Bắc - Bắc Ninh nói riêng.
Thanh Quý tâm sự: Mỗi lần “Mang chuông đi đánh xứ người” là một lần thử thách đối với chị, người nghệ sỹ ngoài tài năng còn phải tâm huyết với nghề, có sự đam mê nghệ thuật thì mới truyền được cái “hồn” của dân ca, từ đó mới thuyết phục được khán giả, nhất là khán giả nước ngoài tuy có bất đồng về ngôn ngữ nhưng họ vẫn hiểu và yêu mến dân ca Quan họ Bắc Ninh hơn. Chính vì vậy mọi cử chỉ, cách đi đứng, giao duyên của các liền anh, liền chị phải mang đúng chuẩn mực của người Quan họ, mến khách nhưng không ồn ã, gần gũi mà lại chừng mực. Và hình ảnh chị hai Quan họ Thanh Quý nền nã trong chiếc áo mớ ba mớ bẩy, duyên dáng cùng vành nón quai thao, đằm thắm trong câu hát trao duyên đã thuyết phục được những khán giả yêu mến Việt Nam nói chung, say đắm làn điệu dân ca Quan họ nói riêng.
Được lãnh đạo Nhà hát tạo điều kiện, quan tâm để bản thân chị có cơ hội được khẳng định mình không chỉ trên các sân khấu lớn mà giúp chị thể hiện mình trong cương vị Phó Giám đốc Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Ở cương vị mới là nhà quản lý, nghệ sỹ Thanh Quý luôn băn khoăn, trăn trở rằng, làm thế nào để Nhà hát được phát triển hơn nữa. Đặc biệt từ khi dân ca Quan họ Bắc Ninh được Unesco công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì bản thân những “sứ giả” của Dân ca Quan họ Bắc Ninh phải coi đó là trọng trách trong việc giữ gìn, bảo tồn, quảng bá dân ca Quan họ Bắc Ninh một cách hiệu quả và tích cực nhất. Đó cũng là điều trăn trở trong lòng nghệ sỹ Thanh Quý.
Bá Đoàn