Ngôi sao thiết kế Việt Nam: “Cuộc chiến ngầm” giữa giám khảo và nhà đầu tư
(Dân trí) - Nếu như những liveshow đầu, cuộc tranh luận giữa các giám khảo và nhà đầu tư có vẻ nhẹ nhàng thì những tuần gần đây, dường như giữa hai bên đang diễn ra một “cuộc chiến ngầm” nhằm bảo vệ quan điểm của riêng mình.
Có thể thấy, điểm khác biệt lớn nhất của sân chơi Ngôi sao thiết kế Việt Nam so với các cuộc thi thiết kế thời trang khác là có sự xuất hiện của hàng ghế nhà đầu tư. Họ sẽ là những người xác định giá trị bộ sưu tập của các thí sinh qua số tiền đấu giá bên cạnh sự thẩm định về mặt chuyên môn của ban giám khảo. Tuy nhiên, giữa hai bên không phải lúc nào cũng đồng thuận về mặt ý kiến nhận xét. Đôi khi, giữa họ có những cách nhìn khác nhau theo quan điểm của một người kinh doanh và một nhà thiết kế.
Nếu theo dõi các liveshow đã diễn vào những tuần trước, không ít khán giả sẽ dễ dàng nhận ra sự thay đổi đang dần hình thành trong mối quan hệ tương tác giữa các nhà đầu tư và các thành viên giám khảo. Giai đoạn đầu của chương trình, dường như các nhà đầu tư vẫn mang một chút tâm lý “dè chừng” hoặc “cả nể” ban giám khảo và vì thế, các cuộc ngã giá của họ cũng trở nên dễ dàng “thuận lòng” hơn với sự “định hướng” từ ban giám khảo.
Đó cũng là nguyên nhân khiến cho một số khán giả cảm thấy chương trình thiếu đi tính tranh luận sôi nổi giữa hai bên và thậm chí có phần hơi đơn điệu. Bởi lẽ, việc xuất hiện hai hàng ghế đối diện nhau, một bên đại diện cho những người tiếp cận với khách hàng một cách gần gũi và thực tế nhất, một bên thiên về yếu tố kỹ thuật, chuyên môn. Điều này hẳn nhiên sẽ phải xuất hiện các ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, sau khi liveshow 6 tuần vừa rồi diễn ra thì tình thế đã có sự biến đổi rõ nét hơn mặc dù chưa “quyết liệt”. Các nhà đầu tư đã bắt đầu “cứng rắn” hơn trong những quyết định của mình mà không bị chi phối nhiều bởi tác động của thành viên ban giám khảo.
Cũng trong liveshow vừa mới đây, khi chứng kiến các nhà đầu tư ngã giá khá thấp cho các bộ sưu tập (cao nhất cũng chỉ ở mức 35.000.000đ), giám khảo Minh Hạnh lên tiếng: “Nhà đầu tư đã cạn vốn khi tuần trước “vung tay quá trán” nên tuần này đấu giá đã cạn kiệt vốn hay “Tôi đã quan sát thái độ của nhà đầu tư từ đầu chương trình tới giờ và tôi thấy hôm nay nhà đầu tư có vẻ “buồn" hơn so với tuần trước. Tôi cần những phát pháo mạnh mẽ hơn nữa để thể hiện quyền lực của nhà đầu tư”.
Ngay sau khi nhận được ý kiến của giám khảo Minh Hạnh, nhà đầu tư cũng đã đưa ra những lý giải của mình. Vấn đề không nằm ở chỗ nhà đầu tư cạn vốn mà nằm ở chỗ, các bộ sưu tập chưa thật sự khiến họ ưng ý để có thể bỏ tiền ra mua. Đại diện các nhà đầu tư, Lý Nhã Kỳ chia sẻ: “Ở những liveshow trước, tôi mua để ủng hộ tinh thần của các bạn nhưng khi tôi chứng kiến các bạn đã khóc khi chia tay với cuộc thi thì tôi nghĩ sự ủng hộ tinh thần không nhất thiết phải mua. Tôi nghĩ tôi cần sự khắt khe hơn cho các bạn hiểu và cố gắng hơn để đạt đến sự tinh tế của thời trang”.
Nếu như các giám khảo là những người đồng hành và theo sát các thí sinh để đánh giá điểm mạnh và hạn chế của các bộ sưu tập, trực tiếp tác động phần nào đến sản phẩm làm ra của thí sinh, thì các nhà đầu tư, họ nhìn nhận và đánh giá tổng thể bộ sưu tập thông qua các tiêu chí như thị hiếu khách hàng, tính ứng dụng và lợi nhuận kinh doanh…
Vì vậy, việc xuất hiện những ý kiến không cùng điểm chung giữa hai phía là điều không thể tránh khỏi. Nhưng đó lại là yếu tố giúp cho chương trình trở nên hấp dẫn hơn nếu như sự tranh luận đó phản ánh đúng thực tế. Nên chăng, một "cuộc chiến ngầm” cần được diễn ra để chuẩn bị cho những màn “phản pháo” mạnh mẽ hơn giữa hai bên để góp phần giúp thí sinh nhận ra giá trị đích thực của bộ sưu tập mà họ đã làm nên.
Tất nhiên, cuộc chiến nào cũng có sức nóng riêng của nó và Ngôi sao thiết kế Việt Nam cũng không ngoại lệ. Liệu cuộc chiến này có bùng nổ hơn nữa hay không trong hành trình còn lại, khán giả vẫn đang mong đợi điều đó ở liveshow tiếp theo sẽ được diễn ra lúc 20g00, thứ bảy, ngày 30/11/2013 và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV3.
Cao Trí Hòa