Ngôi sao "bình dân" Phương Thanh và những giải thưởng

Đi hát hơn 10 năm, bươn chải thi thố khắp các giải ca hát từ thành phố đến quận huyện, từ truyền hình đến phát thanh trong những ngày đầu lập nghiệp, vậy mà cho đến bây giờ, Phương Thanh chưa hề có cơ hội nắm trong tay một giải thưởng mang tính "chính thống" nào cả.

Bởi cô hát một cách rất bản năng, không có nền tảng kỹ thuật vững vàng có thể đáp ứng những tiêu chí của một giải thuởng âm nhạc, cộng với chất giọng khàn nghịch nhĩ nhiều người, Phương Thanh không kiếm nổi giải thưởng nào cũng là chuyện dễ hiểu.

Ngược lại, kể sang các giải thưởng do công chúng bình chọn, cô lại là một trong những ca sỹ sở hữu nhiều giải thưởng nhất của các báo đài từ trung ương đến địa phương mà tiêu biểu là giải Làn Sóng Xanh (Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM) suốt mấy năm liền và giải Mai Vàng (báo Người lao động). Xét về mặt này, gọi cô là "ca sỹ của nhân dân" cũng không ngoa. Tại sao Phương Thanh thành công và gặt hái nhiều giải thưởng của công chúng đến thế?

Có lẽ lý do đầu tiên trong sự thành công của Phương Thanh là cô xuất hiện đúng thời điểm, khi mà khán giả đã chán chê với những hình mẫu ca sỹ sang trọng thướt tha xa vời, giọng hát thì luôn ngọt ngào mượt mà. Sư xuất hiện của Phương Thanh lúc bấy giờ với hình ảnh bụi bụi và chất giọng khàn cùng cách thể hiện vừa rock vừa… sướt mướt qua ca khúc Xa rồi mùa đông (Nguyễn Nam) được xem là một cú shock thú vị, một phát hiện mới của làng nhạc nhẹ thành phố.

Vẻ giản dị bình dân của một một ca sỹ như cô tưởng trái khoáy, hóa ra lại hợp với ý thích của số đông khán giả miền Nam muốn có một thần tượng gần gũi. Đến khi ca khúc Giã từ dĩ vãng (Nguyễn Đức Trung) do Phương Thanh thể hiện gây nên làn sóng hâm mộ cuồng nhiệt, cô chính thức trở thành ngôi sao, một ngôi sao "bình dân".

Thành công của Phương Thanh giống như một giấc mơ trở thành hiện thực, như câu chuyện Lọ Lem hóa thành công chúa. Nhưng ở đây, Lọ Lem vẫn là Lọ Lem, vẫn gần gũi đơn giản chứ không kiêu kỳ xa cách. Ngoài phong cách bình dân, cách hát hết mình đấy máu lửa của Phương Thanh cũng khiến cô “ăn điểm” trong lòng công chúng. Cô hát mà không hề quan tâm đến kỹ thuật, tảng lờ những lý thuyết thanh nhạc cơ bản, đến mức có người gọi đó là lối hát phá giọng.

Không hẳn là phá cách, sự phá phách thì đúng hơn - của cô trong âm nhạc, trong lối trình diễn không giống ai đem lại sự hưng phấn cho khán giả. Âm nhạc của Phương Thanh không còn là nghệ thuật để thưởng thức, chiêm ngưỡng một cách “kính nhi viễn chi” mà trở thành loại hình nghệ thuật để công chúng có thể hòa mình theo, “chơi” theo.

Từ sự hâm mộ mà công chúng dành cho Phương Thanh, chứng tỏ có sự thay đổi nhất định trong "gu" thưởng ngoạn của khán giả. Cùng với sự làm mưa làm gió của làn sóng ca sỹ Hà Nội: Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh... lúc bấy giờ, khi mà lớp ca sỹ cựu trào miền Nam đã xuống sức, bắt đầu nổi lên thế hệ ca sỹ ngôi sao miền Nam mới hát nhạc "bình dân" dễ nghe dễ hát mà tiêu biểu nhất là Phương Thanh và Lam Trường.

Bên cạnh dòng nhạc chính thống, nhạc (gọi là) sến vẫn luôn chiếm một vị trí vững chắc. Nhạc của Phương Thanh, Lam Trường suy cho cùng cũng là nhạc sến thôi, có khác chăng là sến trẻ trung hiện đại hợp thời hơn, không lê lết ủy mị như nhạc sến “truyền thống”. Sến thế hệ Phương Thanh cũng linh động hơn rất nhiều trong cách thể hiện, vừa rất rock trong Trống vắng, cô lại có thể da diết tận cùng với Một thời đã xa (Trường Huy) chẳng hạn, và rất được khán giả yêu thích.

Mười mấy năm đi hát, “hiện tượng Phương Thanh” lúc đầu nhiều người dự đoán chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn đã bền bỉ đến tận bây giờ. Không những thế, cô còn đoạt rất nhiều giải thưởng do khán giả bình chọn, đều đặn có mặt trong top ca sỹ được yêu thích nhất hàng năm. Quan trọng hơn, hình tượng Phương Thanh đã tạo một ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài đến các ca sĩ đàn em và đời sống nhạc trẻ nói chung.

Đã có nhiều phiên bản Phương Thanh, lối hát hết hơi kiểu Phương Thanh trên khắp các sân khấu từ Bắc chí Nam. Dù không được đế cao đến mức diva nhạc Việt, cô cũng được xem là một ca sỹ đàn chị đáng nể về sự nghiệp và đáng trọng về tư cách. Đối với một nghệ sỹ, còn có thể đòi hỏi gì hơn thế?

 Theo Giaidieuxanh