Nghỉ ở “5 sao” Tuần Châu

(Dân trí) - Trong những ngày nghỉ cuối tuần có một dòng người “rút khỏi” Hà Nội tìm đến các điểm du lịch hấp dẫn, đẳng cấp cao. Một trong những địa chỉ đang được dân chơi kháo nhau đi đáng “đồng tiền bát gạo” là Tuần Châu, Quảng Ninh.

Phóng viên báo Dân trí cũng theo dòng người đó để đi Tuần Châu để xem thực hư có đúng như vậy không.

 

Hành trình 3 tiếng đến đảo ngọc

 

Theo quảng cáo của Công ty TNHH Tuần Châu, thì sự hấp dẫn của khu du lịch này ngoài rất nhiều thứ, còn thêm một điều nữa là đoạn đường từ Hà Nội lên đây chỉ mất có 2 giờ đồng hồ. Thế nhưng chúng tôi phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ mới đến được Tuần Châu, dù chỉ nghỉ có một lần và xe đi có lúc lên tới 80 km/giờ.

 

Tuần Châu mấy năm trước vẫn còn là đảo nghèo (rộng khoảng 4 ha) với vài ngàn hộ dân chủ yếu sống bằng nghề chài lưới. Người dân ở đây chẳng tiếp xúc nhiều với cuộc sống hiện đại vì làm gì có điện mà mua sắm tivi, tủ lạnh hay đầu đĩa. Ngay cả xe máy cũng chẳng ai biết đi, phần vì nghèo, phần vì đường ghồ ghề có đi xe máy cũng không đi được. Thế mà ông Đào Hồng Tuyển, TGĐ Công ty du lịch và dịch vụ Quốc tế Tuần Châu đã quyết định đầu tư, xây dựng để biến hòn đảo này thành “Ngọc châu”. Họat - một ngư dân của Tuần Châu trước đây, bây giờ làm hướng dẫn xe điện chở khách nói vui: “Ông Tuyển biến cả làng chài này từ thế kỷ 19 sang ngay thế kỷ 21”.

 

Quả cũng xứng danh là ngọc châu thật. Từ đường 18 đi vào đảo là một đoạn xa lộ dài hơn 2km thẳng tắp đang được hoàn thiện nốt nối liền đất liền với đảo. Năm 2004, mới khánh thành khu du lịch này với sự kiện tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam báo Tiền Phong thì đến nay nó đã mang dáng dấp của một đảo du lịch cao cấp. Đèn cao áp sáng choang cả một vùng.

 

Cứ ở rồi biết

 

Vòng vèo qua nhiều đoạn đường trải nhựa thẳng tắp (mà chẳng có bảng hướng dẫn nào hết), lạc mấy lần lên xuống, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được đến khu Âu Lạc Resort, được coi là khu nhà nghỉ cao cấp nhất của Tuần Châu.

 

Khu nhà nghỉ quả là rất đẹp, với mái ngói thật và được giới thiệu là đủ tiêu chuẩn 5 sao. Âu Lạc không xây dựng theo kiểu khách sạn 5 sao mà thành một tổ hợp liên hoàn các biệt thự cao cấp gần nhau. Giá của mỗi biệt thự đều rất “chát” mà chỉ có thể là các đại gia hoặc các gia đình trung lưu nghiến răng đến một lần cho biết trong đời là có thể ở được. Loại xoàng xoàng trung bình (mà theo một nhân viên lễ tân ở đây nói) cũng đã có giá 70 USD/đêm. Có nghĩa nếu bạn ở 2 đêm thì cũng đã mất toi 2 triệu đồng rồi. Còn đa phần những biệt thự sát biển có giá cao hơn rất nhiều: 150 USD và 180 USD/đêm. Giá quả là “chát” nếu bạn có ý định hưởng một đêm ở một biệt thự thật “xịn”: 2,7 triệu đồng/1 đêm. Bằng lương của một cán bộ viên chức làm ăn chân chính ở Hà Nội trong 1 tháng trời!

 

Chúng tôi đến Âu Lạc Resort khoảng hơn 8 giờ tối. Một chiếc xe điện nhỏ giống như xe “túc túc” của Thái Lan đã chờ sẵn để lấy đồ trên ôtô và đưa về nhà nghỉ. Mấy cô lễ tân mặc áo trắng viền xanh (chắc để người ta dễ liên tưởng đến màu nước biển) giới thiệu nơi nghỉ một cách rất tự nhiên trong khi trong ruột chúng tôi thì cứ nhảy cào cào vì xót.

 

Nghỉ ở “5 sao” Tuần Châu - 1

Tham quan xung quanh đảo bằng xe điện.

Có khá nhiều khách khi hỏi xong giá thuê phòng thì lặng lẽ chuồn thẳng vì thấy “chát” quá. Họ ra một số khách sạn bên ngoài hoặc đến Viethous ở ngay trên đỉnh đồi của đảo, ăn vừa rẻ ở vừa dân dã lại rẻ (Chúng tôi cũng không ăn ở Âu Lạc vì giá rất đắt mà ra Viethous ăn). Ngay cả nghỉ lại ở đây giá cũng tương đối mềm: 350.000 đồng là có thể có một đêm trên đỉnh đồi, trong không khí dân dã, thưởng thức vị mặn mòi của nước biển cũng chẳng kém gì ở Âu Lạc. 

 

Ăn ở Âu Lạc, một bát cháo cũng có giá 25-30.000 đồng, đắt hơn cả ở Hà Nội. Phòng nghỉ ở Âu Lạc đúng là sang trọng, nhưng chúng tôi cũng buộc phải chỉ nghỉ 1 đêm để tiết kiệm chi phí. Nam, một du khách đưa cả vợ con đến đây nghỉ cho biết: “Nếu giá phòng ở đây khoảng 30-40 USD thì thu hút được nhiều khách lắm, chứ cứ giá cao thế này thì người ta chỉ dám nghỉ đến 2 đêm là cùng”.

 

Điều lạ là ngay cả những ngày bình thường giá phòng không giảm xuống. Nếu những ngày không phải ngày nghỉ cuối tuần giá giảm xuống 1 nửa chắc nhiều người sẽ vào, như ở khu Furama (Đà Nẵng) những ngày không phải nghỉ cuối tuần vẫn được khuyến mãi giảm giá, nên khách rất đông.

 

Buổi sáng, chúng tôi dậy sớm, nhìn ra mặt biển. Phong cảnh thật đẹp. Gió biển lồng lộng, một mầu xanh của nước biển và mầu xanh của cây trong khu Resort khiến tâm hồn như thư thái trở lại, xua hết đi những mệt nhọc của cuộc sống.

 

Đi đâu loanh quanh

 

Bao giờ cũng vậy, đến một nơi mới để du lịch là phải biết thăm thú, tìm cảm giác mới.  Hùng, một dân taxi chuyên nghiệp ở khu Tuần Châu kể vanh vách: “Anh muốn tươi mát thì có ngay. Nhưng không phải ở đây mà phải ra quốc lộ. Em đưa anh ra, cứ thoải mái. Muốn hàng Quảng Ninh hay Hà Nội, Sài Gòn, 18 hay 19 cũng có tất”.

 

Khoảng 9 giờ tối, tôi đánh xe ra quốc lộ 18 và đi về Bãi Cháy. Quả đúng như lời Hùng nói. “Em út” đứng chờ khách khá lộ hai bên đường. Một bảo vệ của khu Resort cho tôi biết, trong khu Resort không có chuyện “em út”.

 

Trở về lúc 10 giờ, tôi làm một cuốc đi bộ ra bãi biển và đi loanh quanh trong khu. Khách Hà Nội, khách Đài Loan, Trung Quốc đến đây khá nhiều. 

 

Nghỉ ở “5 sao” Tuần Châu - 2

50.000 đồng/suất xem cá heo biểu diễn nhưng với người thì cũng “đáng đồng tiền bát gạo”.

Người xây dựng khu Resort quả có con mắt nhìn xa trông rộng, bởi trong khu này có đủ các loại dịch vụ hấp dẫn người xem. Và họ cũng đủ khôn để “móc hầu bao” của du khách đến đây thưởng ngoạn với giá vé cũng đặc biệt “chát”. Chỉ riêng khu Hải cẩu và cá Heo biểu diễn vé vào một người đã là 50.000 đồng/suất diễn nhưng khi chúng tôi vào đến nơi đã có vài trăm người ngồi kín đặc cả khán đài.

 

Vẫn là những màn trước đây như chào khán giả, lắc vòng, bắt bóng, nhảy cao…nhưng với người xem thì cũng đáng đồng tiền bát gạo. Phía gần bờ biển là khu bể bơi, cá sấu, voi…Đêm thì xem nhạc nước (hàng ngàn tia nước bắt vọt lên rồi đung đưa theo nhịp nhạc). Tôi phải trả tới 60.000 đồng cho 10 phút ngồi trên xe điện để đi loanh quanh trong khu Resort mà chẳng thấy cái gì hết vì trời tối om om. Xe điện thì không còi, không đèn cứ chạy như đèn cù, lúc lên đồi, lúc xuống dốc, nếu gặp nguy hiểm thì người lái kêu to “tránh ra” còn du khách trên xe thì cứ co rúm cả người lại vì sợ.

 

Theo quảng cáo thì khu Tuần Châu này sẽ còn rất nhiều thay đổi, với sự đầu tư lớn để đảm bảo trở thành khu nghỉ dưỡng thiên đường nhất miền Bắc. Nhưng tôi thì e sẽ rất khó làm được điều này, bởi không phải chỉ là cơ sở vật chất mà còn phải đi kèm với đó là chất lượng phục vụ.

 

Phòng ăn 5 sao ở đây vẫn chỉ đạt cỡ khoảng 2 sao như ở Hà Nội hay TPHCM. Lúc chúng tôi trả phòng, xin một chiếc xe “túc túc” lên chở đồ (vì ở trên đồi làm sao mà mang đồ xuống được) thì cũng phải chờ mất gần 20 phút mới có xe. Chỉ có 2 người trả phòng nhưng các cô lễ tân cứ bị rối beng lên như gặp phải tổ kiến lửa.

 

Vào khu được gọi là siêu thị và mua sắm thì cái hay gặp nhất lại là những khuôn mặt cau có của các nhân viên bán hàng. Họ sợ nhất là khách sờ vào hiện vật, nhưng đã đi du lịch thì cái khoái nhất của khách là thỏa chí tò mò, vậy tại sao không được sờ cơ chứ?! Thế là mất hứng, thế là kêu: Lần sau không thèm vào đây nữa… Họ là “thượng đế” mà.

 

Đức Trung