DNews

Nghệ sĩ múa rối mời khách Tây ở lại ăn cơm, kể ám ảnh của con trai về nghề

Lạc Thành Nguyễn Hà Nam

(Dân trí) - Ít ai nghĩ rằng, trong con ngõ nhỏ, ngoằn ngòeo của Hà Nội lại có một sân khấu múa rối nước thu nhỏ của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm. Nơi đây là địa chỉ quen thuộc của nhiều khách Tây đến Việt Nam…

Nghệ sĩ múa rối mời khách Tây ở lại ăn cơm, kể ám ảnh của con trai về nghề

Khách Tây nhiều lần quay lại xem múa rối nước tại gia

Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nhà nghệ sĩ múa rối nước Phan Thanh Liêm ở ngõ chợ Khâm Thiên (Hà Nội). Đường vào nhà ông, cũng là nơi có sân khấu múa rối nước thu nhỏ ngoằn ngòeo, hun hút như mê cung.

Rẽ vào từ một ngõ nhỏ của phố Xã Đàn, đi đến nửa đường, chúng tôi phải điện thoại "cầu cứu" ông đưa vào vì ngõ dài, khó tìm nhà.

Gia đình của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm sinh sống ở một ngôi nhà rộng 40m2, được xây 5 tầng. Từ tầng 1 lên tầng 5 ông bày la liệt con rối. Khoảng không của cầu thang, ông cũng thiết kế dây treo nhiều con rối lớn.

Căn nhà ông như một bảo tàng thu nhỏ, chứa đựng nét văn hóa độc đáo của người Việt Nam.

Nghệ sĩ múa rối mời khách Tây ở lại ăn cơm, kể ám ảnh của con trai về nghề - 1

Con ngõ dài, sâu hun hút dẫn vào nhà nghệ sĩ múa rối nước Phan Thanh Liêm.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nghệ sĩ múa rối Phan Thanh Liêm cho biết, ông bắt đầu làm sân khấu thu nhỏ tại nhà từ năm 2012. Khách đến xem múa rối nước ở nhà ông chủ yếu là khách nước ngoài. Có du khách sang Việt Nam xem ông diễn múa rối 3-4 lần và rất thích thú với việc gặp gỡ, nói chuyện với ông.

"Nhiều người tìm đường vào nhà tôi nói "sợ quá" vì sự vòng vèo, hun hút của ngõ ngách. Nhưng với khách Tây, đây là một sự trải nghiệm đặc biệt. Họ thích khám phá ngõ sâu của Hà Nội và thích thú khi nhìn thấy dây điện chằng chịt trên đường đi.

Đến đây, khán giả vừa được xem múa rối nước, vừa được khám phá về văn hóa của người Việt Nam. Thậm chí, có khách Tây được tôi mời ở lại nhà ăn cơm và họ rất thích ẩm thực của Việt Nam…", nghệ sĩ Phan Thanh Liêm kể lại.

Ông Liêm kể lại, có du khách người Pháp đến xem ông diễn thấy hay, lần sau đến Việt Nam, người này tự bắt xe ôm đến nhà ông ngỏ ý muốn xem lần nữa.

Khán giả này nói với ông: "Múa rối nước là một môn nghệ thuật độc đáo, người Việt Nam nên gìn giữ và phát huy". Có người bày tỏ, khi xem biểu diễn múa rối nước, họ bất ngờ và thấy rằng, đây là điểm đến thú vị của Việt Nam.

Trước đây, căn nhà ở ngõ Khâm Thiên chỉ có gia đình ông sinh hoạt, nhưng khi đưa sân khấu lên tầng 4, diện tích sử dụng bị thu hẹp lại.

Bốn người nhà ông từng "co cụm" lại trong căn phòng chưa đầy 10m2 ở tầng 2, được thiết kế cả gác xép, vừa là nơi ăn chốn ngủ của bố mẹ, học hành của 2 con trai.

Tầng 3, ông để ban thờ, trưng bày con rối, tầng 4 để sân khấu rối nước. Mới đây, ông làm thêm phòng ở tầng 5 để tiện sinh hoạt nên mọi thứ đỡ chật chội hơn.

Nghệ sĩ múa rối mời khách Tây ở lại ăn cơm, kể ám ảnh của con trai về nghề - 2

Từ tầng 1 lên tầng 5, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm trưng bày rối la liệt.

Ông Liêm chia sẻ thêm, sau hơn 20 năm phục vụ khán giả nước ngoài, ông thấy rằng, nhiều người không thích sự ồn ào. Họ đã đến rạp xem múa rối nước nhưng vẫn muốn đến nhà ông xem biểu diễn.

"Khi đến một rạp lớn, khán giả phải tuân thủ giờ giấc, ở đó cũng rất ồn ào vì đông khán giả. Nhưng ở nhà tôi, họ có thể trao đổi, cười nói dễ dàng hơn, thậm chí báo lùi giờ diễn vì tắc đường.

Khách nhóm nhỏ nên mọi thứ đều nhẹ nhàng, hợp với người lớn tuổi. Sân khấu rối nước nhà tôi đón khoảng 20 khách, nhưng nếu chỉ có 1 khán giả xem, tôi vẫn biểu diễn…", nam nghệ sĩ nói.

Chia sẻ về nguồn khán giả đến xem múa rối nước, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm cho biết, qua các phương tiện thông tin truyền thông, các công ty du lịch biết nhà ông có sân khấu nhỏ nên cử cán bộ đến khảo sát, thẩm định địa điểm, sân khấu. Vì thấy hay nên họ đã giới thiệu khách nước ngoài tới xem. Một tuần, ông biểu diễn 4-5 ngày, có ngày 2-3 show diễn.

Nghệ sĩ múa rối mời khách Tây ở lại ăn cơm, kể ám ảnh của con trai về nghề - 3

Nam nghệ sĩ tự tay làm con rối nước.

Nam nghệ sĩ chia sẻ, một số người nước ngoài sau khi xem múa rối nước đã hỏi: "Vì sao các bạn lại biểu diễn rối ở dưới nước?".

Ông trả lời rằng: "Người Việt Nam có nền văn minh lúa nước nên họ đã nghĩ đến việc đưa các con rối biểu diễn dưới nước, tạo sự thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Ở dưới nước, người nghệ sĩ có thể giấu kỹ thuật biểu diễn. Họ lấy mành che khoảng cách giữa khán giả và nghệ sĩ… Chi tiết này cũng tạo sự tò mò với người xem".

Khi phóng viên Dân trí hỏi: "Ở một số Nhà hát múa rối, các nghệ sĩ thường làm việc theo ê-kíp, mỗi người một công đoạn sẽ đỡ vất vả hơn. Vậy ở sân khấu rối nước tại gia, ông xoay xở ra sao khi chỉ có một mình?".

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm thành thật: "Biết làm sao được? Tôi cũng muốn có thêm người đồng hành nhưng không có tiền để thuê bên ngoài. Vì không có người hỗ trợ nên một mình tôi làm tất cả, từ chế tạo con rối, sắp đặt sân khấu, biểu diễn, đón và trò chuyện với khách, biểu diễn xong lại đi lau nhà cửa… Vất vả là thế, nhưng tôi vui khi thấy múa rối nước được nhiều người yêu thích và ngày càng đến gần hơn với công chúng".

Nam nghệ sĩ nói, mấy năm trở lại đây, ông có một trợ thủ đắc lực là bà xã. Ban đầu vợ ông, bà Nguyễn Thị Minh Loan (SN 1973), không biết nhiều về rối nước nhưng sau một thời gian được ông hướng dẫn, bà đã hỗ trợ chồng trên sân khấu, biết điều khiển con rối theo nội dung vở diễn.

Nghệ sĩ múa rối mời khách Tây ở lại ăn cơm, kể ám ảnh của con trai về nghề - 4
Nghệ sĩ múa rối mời khách Tây ở lại ăn cơm, kể ám ảnh của con trai về nghề - 5

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm được bà xã Minh Loan hỗ trợ trong buổi biểu diễn tại nhà.

Kỷ niệm thất lạc sân khấu, thủy đình ngay trước giờ diễn

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm kể lại, sân khấu rối nước thu nhỏ đầu tiên của ông có bể nước dài 100cm, rộng 100cm và những con rối được tạo tác cực nhỏ, có thể di chuyển bằng xe máy.

Sau bước thử nghiệm ban đầu, ông tiếp tục cho ra đời sân khấu rối nước có kích thước lớn hơn, toàn bộ thủy đình và bể nước rộng 350cm (hoặc bể bán nguyệt rộng 300cm, hình chữ nhật 350cm), con rối cao nhất chỉ khoảng 25-40cm nhưng có đủ nội dung, tích trò.

Theo ông, mô hình sân khấu mini này vẫn giữ nguyên những yếu tố cơ bản của sân khấu rối nước truyền thống nhưng gọn nhẹ, cơ động hơn nhiều. Sân khấu này rất tiện lợi khi di chuyển, phù hợp khi biểu diễn phục vụ khán giả ở những không gian hạn chế, chật hẹp, như: Trường học, cơ quan, gia đình…

Nam nghệ sĩ khẳng định, mô hình sân khấu rối nước tại gia ở Việt Nam chỉ duy nhất ông có. Với sự độc đáo này nên ông thường xuyên được mời đi nước ngoài lưu diễn. Để mang một sân khấu chuyên nghiệp đi nước ngoài, ông đã phải tìm những chất liệu đặc biệt và nhẹ nhất để mang đi, lắp ghép.

Trước kia, ông làm sân khấu bằng gỗ, sau đó làm bằng tôn nhưng vẫn thấy khó di chuyển. Nam nghệ sĩ nghĩ đến dùng chất liệu lưới thép để tạo hình cho bể nước. Với chất liệu này, khung bể nhẹ hơn, có thể gửi được hành lý máy bay dễ dàng.

"Biểu diễn múa rối nước nhất thiết phải có thủy đình. Nhưng nếu mang thủy đình với chất liệu nguyên bản ở Việt Nam đi thì không khả thi, tôi đã nghĩ đến việc làm thủy đình bằng cao su và ống nhựa dễ lắp ghép. Tôi đã tính toán sao cho thủy đình, khung bể, con rối chỉ vừa 100kg để di chuyển dễ dàng hơn", ông Liêm nói.

Nghệ sĩ múa rối mời khách Tây ở lại ăn cơm, kể ám ảnh của con trai về nghề - 6

Sân khấu, thủy đình được ông đặt trong không gian nhỏ hẹp ở tầng 4, là địa chỉ quen thuộc của nhiều du khách nước ngoài.

Nghệ sĩ gốc Nam Định kể lại kỷ niệm nhớ đời khi ông sang Italy biểu diễn năm 2005, theo lời mời của một họa sĩ người Pháp. Mặc dù tối hôm sau biểu diễn, cần phải lắp sân khấu ngay  nhưng ông bị thất lạc hành lý, không có đồ để dựng sân khấu.

Đi nước ngoài một mình lại không có phiên dịch nên lòng ông như... lửa đốt.

Ông đành liên hệ tới Đại sứ quán Việt Nam tại Italy để được hỗ trợ phiên dịch, sau đó người phiên dịch đã liên hệ với bà họa sĩ để cùng làm việc với phía sân bay thì mới tìm được sân khấu thất lạc.

Khi vừa lắp xong thủy đình thì cũng đến giờ biểu diễn. Khán giả nước ngoài rất thích thú khi xem ông biểu diễn và cổ vũ từ đầu đến cuối chương trình.

Năm 2011 khi ông sang Nhật, đang ngủ ngon thì được bảo vệ báo bể nước bị rò rỉ, ông bật dậy bơm nước khỏi bể. Sau đó, ông cũng phải tìm cách để khắc phục chỗ bị rách.

Cũng năm 2018 khi sang Italy biểu diễn, sân khấu mang đi bị rách do vận chuyển, ông chưa biết làm thế nào thì mới nhớ ra có quen một nhạc công bản địa.

"Hằng ngày, xuống khách sạn ăn sáng, tôi hay trò chuyện với một nhạc công người Italy, khi bể bị rò rỉ tôi có nhờ ông ấy chở đi mua đồ. Sau đó, tháo tung lắp lại từ đầu và bịt vết thủng lại rồi mới bơm nước sẵn đợi buổi biểu diễn hôm sau. Cứ tưởng đi nước ngoài nhàn tênh, nhưng ngược lại, tôi rất vất vả…", ông Liêm kể.

Nghệ sĩ múa rối mời khách Tây ở lại ăn cơm, kể ám ảnh của con trai về nghề - 7
Nghệ sĩ múa rối mời khách Tây ở lại ăn cơm, kể ám ảnh của con trai về nghề - 8

Tiết mục "Đua xe phân khối lớn" và "Mục đồng cưỡi trâu thổi sáo" khiến khách Tây thích thú, vỗ tay liên tục.

Với gần 30 năm làm nghề múa rối nước, có thời gian nghệ sĩ Phan Thanh Liêm ngâm người dưới nước liên tục khiến sức khỏe bị ảnh hưởng.

"Mùa hè cũng như mùa đông, tôi đều phải ngâm dưới nước. Có lần bị vấp vào khung sắt, đau điếng người. Có những hôm lạnh 10-12 độ vẫn biểu diễn tay trần, vì đi găng tay, điều khiển con rối rất khó.

Có lần mải điều khiển con rối mà quần áo cao su bị rách, nước ngấm vào người khiến cơ thể nhiễm lạnh nhưng tôi vẫn nghiến răng chịu đựng để hoàn thành việc biểu diễn. Hiện, tôi bị đau lưng nên cúi người rất đau và khó khăn…", ông Liêm chia sẻ.

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm cho biết, khách du lịch đến sân khấu nhỏ của ông không chỉ để xem biểu diễn múa rối, họ còn có cơ hội tham quan bảo tàng trưng bày các con rối được chế tác từ thời ông nội, thời bố ông và những con rối ông chế tác sau này.

Bên cạnh đó, du khách còn có cơ hội tìm hiểu về lịch sử múa rối nước, quy trình tạo tác những con rối và cách thức những con rối hoạt động dưới nước. Nhiều du khách háo hức tự tay điều khiển con rối trong nước và họ vô cùng thích thú…

Nghệ sĩ múa rối mời khách Tây ở lại ăn cơm, kể ám ảnh của con trai về nghề - 9

Khách Tây trải nghiệm múa rối nước.

"Nhà tôi có 7 đời làm nghề múa rối nước nên tự tay tôi có thể hoàn thành các công đoạn tạo ra con rối. Một con rối làm ra mất khoảng 1-2 tháng nhưng thời gian chờ đợi con rối khô khá lâu.

Ngày xưa, con rối được làm bằng gỗ mít, gỗ xoan nhưng rất nặng, sau đó bố tôi là nghệ nhân Phan Văn Ngải đã phát hiện gỗ sung nhẹ và ít nứt vỡ hơn nên đưa vào tạo hình con rối. Đế con rối được làm bằng cao su dễ nâng lên và không bị chìm...", ông chia sẻ.

Vì con rối ngâm dưới nước, hay bị va chạm nên rất dễ hỏng hơn. Mỗi năm, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm có 2-4 lần thay các con rối.

Ngoài các tích trò dân gian như: Chú Tễu, Lê Lợi trả gươm, Vinh quy bái tổ, Múa lân, Múa tiên, Tứ Linh..., ông còn sáng tạo một số vở diễn hiện đại, bám sát đời sống hiện đại như: Tiết mục biểu diễn đua xe ô tô, đua xe máy gây hậu quả nghiêm trọng tuyên truyền về văn hóa giao thông, hay tiết mục có chủ đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường sống…

"Người làm nghệ thuật phải không ngừng sáng tạo, nếu không anh sẽ bị đào thải ngay. Vì thế, tôi đã nghĩ ra nhiều vở diễn mới, bám sát với cuộc sống hiện đại, để khán giả trẻ và người nước ngoài đều có thể xem được...", ông tâm sự.

Nghệ sĩ múa rối mời khách Tây ở lại ăn cơm, kể ám ảnh của con trai về nghề - 10

Khách nước ngoài thích thú khi nghe các công đoạn làm rối nước.

Nỗi ám ảnh của con trai khi khoe bố là nghệ sĩ múa rối nước

Cùng với sân khấu ở ngõ chợ Khâm Thiên, năm 2017, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đã cho ra mắt sân khấu nhỏ thứ 2 rộng 60m2 ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.

Nếu sân khấu ở Khâm Thiên phục vụ khoảng 15-20 người thì sân khấu ở Thạch Bàn đón được khoảng 40 khách. Vào mùa du lịch, có những ngày cao điểm, ông biểu diễn từ sáng đến tối.

Ông Liêm có hai con trai, một người đang học năm cuối đại học, một người đang học lớp 11. Ông nói, dường như 2 con ông không mặn mà với múa rối nước. Nhưng vợ chồng ông để các con tự do lựa chọn nghề nghiệp mà không áp đặt hay bắt ép các con.

"Con trai lớn của tôi có một sự ám ảnh với múa rối nước. Lúc 5 tuổi, khi đang học mẫu giáo, có lần cô giáo hỏi: "Bố con làm nghề gì?". Cháu nói: "Bố con làm nghề múa rối nước" khiến cả cô giáo và các bạn cười ồ lên, khiến cháu tưởng điều gì xấu lắm.

Khi tôi đón con đi học về, con nói: "Bố ơi, con ghét múa rối nước lắm". Tôi gặng hỏi lý do, con mới òa khóc và kể chuyện ở lớp", nam nghệ sĩ kể lại.

Ông Liêm cho rằng, việc giáo dục, đưa sân khấu truyền thống vào học đường là cần thiết, nhưng cũng cần hướng dẫn các giáo viên mầm non và các cấp định hướng đúng về tuồng, chèo, cải lương, múa rối nước… để các cô về trường dạy và hát dân ca, nhằm vun đắp tình yêu của các con với nghệ thuật truyền thống từ khi học mẫu giáo, mầm non…

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm cho biết, những lúc khó khăn nhất, ông cũng không nghĩ đến chuyện bỏ nghề, bởi ông cho rằng, đã đam mê thì khó bỏ và số phận mình phải gắn với nghề múa rối nước.

"Có lẽ, tôi là người được chọn làm nghề. Tôi vẫn mong nghề múa rối được nhiều khán giả biết đến và lan tỏa nghệ thuật truyền thống đến nhiều người yêu hơn…", ông Liêm bộc bạch.

Nghệ sĩ múa rối mời khách Tây ở lại ăn cơm, kể ám ảnh của con trai về nghề - 11
Nghệ sĩ múa rối mời khách Tây ở lại ăn cơm, kể ám ảnh của con trai về nghề - 12

Du khách bị thu hút bởi những con rối nước được nghệ sĩ Phan Thanh Liêm tự tay chế tác.

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm sinh năm 1965, trong một gia đình có 7 đời theo múa rối nước ở Nam Chấn, Nam Trực, Nam Định.

Cha của ông là nghệ nhân Phan Văn Ngải - tác giả của nhà thủy đình lưu động được các nhà hát múa rối nước sử dụng và là "cha đẻ" của hình tượng chú Tễu đang được trưng bày tại Bảo tàng Louvre (Pháp). Ông nội của ông chính là cụ Phan Văn Huyên - bậc thầy về điêu khắc, tạo hình rối nước truyền thống.

Trong thời gian tham gia đoàn nghệ thuật múa rối nước của gia đình do người cha thành lập, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm nhận ra sự hạn chế của mô hình sân khấu múa rối nước lớn là cồng kềnh, khó di chuyển, không thích hợp với một đoàn biểu diễn có ít người.

Bởi thế, ông mày mò sáng tạo ra mô hình sân khấu múa rối nước thu nhỏ. Ông đưa múa rối nước xuất ngoại, biểu diễn tại các sự kiện văn hóa ở nhiều nước trên thế giới như: Ba Lan, Thái Lan, Đức, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Italy, Anh, Canada, Malaysia, Trung Quốc, Mỹ...

Ảnh: Nguyễn Hà Nam