Ngẫm từ "Bên trong" cùng Phương Đặng

Nhà thơ Ngô Đức Hành

(Dân trí) - "Bên trong" là tập thơ mới của tác giả trẻ Phương Đặng. Cách đây 2 năm, Phương Đặng cũng đã xuất bản tập thơ "Con người".

Năm 2021, Phương Đặng đã nhận giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. Cuốn "Bên trong" của Phương Đặng khá dày dặn, gồm 76 bài thơ. 

Phương Đặng với đôi mắt ám ảnh, vừa hoài nghi, vừa dò hỏi... gửi đến "thông điệp" về "Bên trong".

Ngẫm từ Bên trong cùng Phương Đặng - 1

Nhà thơ trẻ Phương Đặng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Từ cổ chí kim các tác giả đã, đang và vẫn viết về tình yêu, Phương Đặng không ngoại lệ.

Chị luôn tìm cách "giải mã" tình yêu, bóc tách từng lát cắt, soi lên bằng sự quán chiếu của mình.

Gần một nửa của "Bên trong" là các bài thơ về tình yêu. "Phương Đặng chỉ đào sâu vào tình yêu bên trong mỗi con người là gì, mà còn chỉ ra sự gập ghềnh của hôn nhân", (Lời nói đầu, NXB Hội Nhà văn).

Tôi cởi bỏ áo giáp và mọi lớp vỏ

Để anh nhìn thấy tôi.

Anh cởi bỏ áo giáp và mọi lớp vỏ

Để tôi nhìn thấy anh.

Sự sợ hãi chuyển hóa thành dũng cảm

Đau đớn chuyển hóa thành hạnh phúc

(Tình yêu 15)

Trai gái yêu nhau bằng cặp mắt của người say, chỉ nhìn thấy ưu điểm. Ai cũng ngỡ như đã tìm thấy "một nửa" của cuộc đời mình. Thực tế phức tạp hơn nhiều. Chính vì thế mới có các "bi kịch" theo từng giai đoạn của tình yêu, hôn nhân như các nhà tâm lý học đã phân chia, khái niệm.

Giá trị cốt lõi của tình yêu và hôn nhân suy cho cùng chính là sự chân thực với chính mình, chân thành với người mình thương yêu. Theo các nhà tâm lý học, biểu hiện dễ nhận thấy nhất ở những người chân thành là luôn cảm thấy thoải mái khi được là chính bản thân mình. Và phần đông trong chúng ta vẫn luôn cố gắng, nỗ lực để có thể đạt được điều đó.

"Sự sợ hãi chuyển hóa thành dũng cảm", "Đau đớn chuyển hóa thành hạnh phúc", phải biết vượt qua sự sợ hãi. Phương Đặng đã đưa ra một tuyên ngôn, có ý nghĩa. Thơ chị giản đơn, không màu mè ngôn ngữ, cấu tứ phóng khoáng nhưng giàu cảm xúc triết mỹ.

Lướt qua "Mục lục" của "Bên trong" đã thấy, người làm thơ (không riêng Phương Đặng) bị đày ải về tâm hồn như thế nào? Vì sao ngày nay người ta hay tìm về cái tôi/ cái thời hô hào về cái chúng ta dường như đã qua? Vì sao Phương Đặng, tìm về, nhìn về "Bên trong"? Chắc chắn "bên trong" ở đây không phải là "bên trong" của một sự việc, một người nào đó, hay của một xã hội nào đó mà là bên trong cá nhân chị, với tư cách là một bản thể.

Những cái đầu kéo trái tim đi sau nó

Cái đầu cứ giữ lại quá khứ

Những thước phim cũ

Tua đi tua lại

(Cái đầu)

Bài thơ "Cái đầu" mở đầu cho cái nhìn "Bên trong" của Phương Đặng đã "mách bảo" đây là đây là tập thơ của những cảm xúc trong thế giới vô ngôn của tâm hồn.

Phương Đặng "cựa quậy" tìm lời giải cho "Giống và khác", cho "Im lặng"...; loay hoay tìm ra "Bản chất" để "Định nghĩa"...

Đó là tên một số bài thơ, tạm nêu để thấy Phương Đặng là con người đa lo, đa nghĩ, đa ưu.

Điều đáng quý là Phương Đặng luôn biết nhận ra đúng và sai... để buông hoặc nạp năng lượng.

Ngẫm từ Bên trong cùng Phương Đặng - 2

Bìa tác phẩm "Bên trong" của Phương Đặng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đọc "Bên trong" của Phương Đặng, ta nhớ đến nhà thơ của "Đoản ngôn" đấy là cụ Lê Đạt nổi tiếng. "Bên trong" có nhiều bài thơ chỉ một câu, bài thơ ngắn. 

Với "Bên trong", Phương Đặng tìm đến quyền lực tối thượng của con chữ. Chị đưa ra những khái niệm khai phóng, tự do... khi đưa ra khái niệm về ngôn từ, về con người trong sự soi chiếu với quyền lực.

Những người như tôi

Như những cái hố của thế gian này

Nuốt hết những nỗi đau và sự chịu đựng của nó

Như những cỗ máy kỳ lạ

Biến chúng thành những vẫn thơ

(Những người như tôi)

...

Chúng ta phải tự cứu rỗi chính mình

(Bên trong)

Dường như Phương Đặng đã tìm được "chìa khóa" cho các khái niệm? Liệu những "con chíp" trong xa lộ cảm xúc của người yêu thơ có vớt được những "từ khóa" của Phương Đặng hay không? Điều quyết định là "máy quét" cảm xúc của chính mỗi người đọc đã sẵn sàng tương thích hay chưa?

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm