Năm 2009: Ngành công nghiệp điện ảnh "làm ăn" phát đạt

(Dân trí) - Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu dường như không gây ảnh hưởng xấu tới ngành công nghiệp điện ảnh thế giới bởi trong năm 2009, công nghiệp điện ảnh có sự tăng trưởng đáng kể và khán giả vẫn hào hứng kéo tới rạp thưởng thức những bộ phim mới.

 
Năm 2009: Ngành công nghiệp điện ảnh "làm ăn" phát đạt - 1
Rô-bốt đại chiến phần 2 là bộ phim có
doanh thu phòng vé cao nhất trong năm 2009.
 
Tiếp xúc với hai khán giả Ornella và Yolanda Schinazi, đều trong độ tuổi 20, đều thừa nhận rằng, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, trong năm 2009 này, họ đã cắt giảm hẳn những khoản ăn tiêu tiệc tùng, mua sắm, nhưng họ không thể bỏ qua việc tới rạp tìm xem những bộ phim hay liên tục ra mắt trong năm.
 
“Chúng tôi không ra ngoài chơi nhiều. Chúng tôi chỉ ra ngoài để xem phim mà thôi”, Ornella (28 tuổi) chia sẻ. Cô cho biết thêm, hai chị em cô đang cân nhắc sẽ xem bộ phim The Blind Side hay Ninja Assassin cho dịp cuối tuần này. “Nếu tới cửa hàng dùng bữa tối, chúng tôi sẽ phải tiêu tốn nhiều hơn nên tốt nhất là đi xem phim”, Ormella giải thích thêm. Chính những khán giả như chị em Ormella đã góp một phần giúp nền công nghiệp điện ảnh trong năm 2009 này "sống" tốt, thậm chí là có sức tăng trưởng đáng kể.
 
Theo trang Hollywood.com, trái với xu hướng trong vài năm trở lại đây, doanh thu phòng vé của năm 2009 tại thị trường Bắc Mỹ tăng gần 8,6% và lượng khán giả kéo tới rạp tăng 4% so với những năm trước. Nhìn chung, doanh thu phòng vé trong năm 2009 đạt gần 10 tỉ USD.

 

Người tiêu dùng không còn chi tiền “mạnh” cho những hoạt động như đi ăn tiệm, du lịch, chơi thể thao hay mua sắm, nên họ chuyển hướng sang một thú vui mới, đó là tới rạp xem phim. Theo họ, đây là một cách giải trí vui vẻ, lạnh mạnh và khá tiết kiệm so với những thú vui giải trí khác. Tại hầu hết các rạp chiếu ở Los Angeles, vé xem phim là 10USD, tăng so với năm ngoái, nhưng vẫn rẻ hơn so với các hoạt động giải trí khác.
 
Năm 2009: Ngành công nghiệp điện ảnh "làm ăn" phát đạt - 2
Trăng non cũng là một trong những bộ phim có doanh thu phòng vé
ngất ngưởng và sức hút lớn nhất trong năm 2009.

 

Một yếu tố giúp doanh thu phòng vé trong năm 2009 tăng trưởng đáng kể so với năm ngoái là do các bộ phim có doanh thu cao trong năm 2009 này đều cao hơn so với doanh thu phòng vé của những tác phẩm điện ảnh “bom tấn” năm 2008. Trong năm ngoái, tại khu vực Bắc Mỹ, bộ phim “sở hữu” kỷ lục về doanh thu phòng vé là The Dark Knight (Kỵ sỹ bóng đêm) mang về cho nhà phân phối gần 533,3 triệu USD còn bộ phim có doanh thu phòng vé cao nhất trong năm 2009 này là Transformers: Revenge of the Fallen (Rô-bốt đại chiến phần 2) mang về gần 402,1 triệu USD doanh thu.

 

Năm 2009 cũng là năm chứng kiến nhiều bộ phim đoạt doanh thu từ 150 triệu tới 300 triệu USD như Star Trek, The Twilight Saga: New Moon (Trăng non) và Fast and Furious.

 

Các chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh cũng chỉ ra rằng, việc phát triển của các dự án điện ảnh 3-D trong năm 2009 cũng là một nguyên nhân khiến thị trường điện ảnh năm 2009 tiến bộ đáng kể. Việc thưởng thức một bộ phim sử dụng kỹ xảo 3-D thực sự là trải nghiệm thú vị mà khán giá chỉ có thể tìm thấy tại các rạp chiếu phim cao cấp chứ không phải tại các phòng chiếu tại gia.

Năm 2009: Ngành công nghiệp điện ảnh "làm ăn" phát đạt - 3
The Princess and the Frog đang là bộ phim thống lĩnh
bảng xếp hạng doanh thu phòng vé trong giai đoạn cuối năm 2009.
 

Không chỉ có người Mỹ ủng hộ nền công nghiệp điện ảnh mà trong năm 2009 này, khán giả tại nhiều thị trường điện ảnh lớn của thế giới như Anh, Nhật, Đức, Úc, Mexico và Brazil, doanh thu phòng chiếu cũng tăng đáng kể. Trong đó, các nữ thanh niên có lẽ là lực lượng fan lớn nhất của các bộ phim điện ảnh bởi theo điều tra mới nhất, tại Mỹ, 53% khán giả tới rạp xem phim là nữ và 64% trong số họ dưới 35 tuổi.

 

Song, doanh thu phòng vé cao hơn nhưng không đồng nghĩa với việc chất lượng của các dự án điện ảnh thực hiện năm 2009 tốt hơn. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh, các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của năm 2009 như Rô-bốt đại chiến, 2012… đều chỉ xếp hạng B, như hầu hết các tác phẩm của năm 2008.

 

Mi Vân

Theo Latimes