"Mùa hè năm ấy bên em là mãi mãi": Cuốn tiểu thuyết đẹp và đau
(Dân trí) - Tác phẩm kể về mối tình trong trẻo của bác sĩ trẻ Hạ Vũ và chàng trai ngang tàng - bệnh nhân Hoàng Phi trong thời gian dịch Moros+ trở thành đại dịch trên toàn thế giới.
Tình yêu tuổi trẻ làm sợi dây kết nối
Từ tên sách, trang bìa đến nội dung được triển khai, Mùa hè bên ấy bên em là mãi mãi (NXB Văn học, 2024) dễ gây ấn tượng là "truyện ngôn tình", truyện tình cảm lãng mạn, đại loại thế.
Tôi không cho rằng nhãn mác quyết định giá trị của tác phẩm, chỉ có tác phẩm hay hay không hay, được viết tử tế hay không tử tế. Cuộc gặp gỡ giữa cô sinh viên ngành y mới ra trường đi làm, Hạ Vũ và Hoàng Phi, bệnh nhân bất đắc dĩ khó ưa được triển khai tuần tự mạch lạc.
Cả hai từ ghét đến dần dần cảm thông và yêu nhau, đi đến một cái kết có hậu trong bối cảnh khốc liệt như một dòng nước mát lành, thấm vào trái tim độc giả.
Con đường đi đến tình yêu cũng là con đường họ hiểu hơn bản thân và người khác, tìm thấy điểm tựa đi qua gian nan sinh tử, chắp nối những mảnh vỡ, vượt qua những sợ hãi hạn hẹp ích kỷ, trở nên mạnh mẽ, tốt đẹp hơn.
Nếu Hạ Vũ có đầy đủ vẻ đẹp ngoại hình với điểm nhấn là đôi mắt to tròn, trong veo, viền mi đen đậm đến tâm hồn trong sáng, tưởng mong manh mà kiên cường vị tha, thì Hoàng Phi có vẻ ngoài chuẩn "soái ca", ngông nghênh, bất cần nhưng sâu thẳm lại là những thương tổn, yếu đuối.
Cuộc gặp gỡ với Hạ Vũ đã khiến chàng trai ấy thay đổi.
Trái tim không chỉ mở lối tình yêu mà cốt lõi nhân hậu, yêu thương cũng được đánh thức. Cuộc tình đẹp đẽ ấy là giấc mơ của bất cứ ai, làm nên vị ngọt xuyên suốt cho thiên truyện.
Truyện có những đoạn nhấn nhá, những khung hình đẹp như mơ. Đó là đoạn Hạ Vũ bỏ khẩu trang ra theo yêu cầu của Hoàng Phi đêm trước khi anh chàng ra viện, đoạn chiếc xe chở hai người lao vào tâm điểm dịch đậu dưới cây bằng lăng ra hoa muộn màng, hay nụ hôn đầu tiên giữa dòng người chạy trốn dịch bệnh khi họ ngỡ đã lạc mất nhau...
Tôi tự hỏi rằng, nếu không có dòng chảy tươi mát này, làm sao người đọc có thể trụ nổi với tầng tầng lớp sóng hiện thực.
Đúng như lời giới thiệu ở trang bìa 4: "Đừng băn khoăn tại sao trong bối cảnh khốc liệt còn hơn "dịch hạch" của Albert Camus, tiểu thuyết lại thấm đẫm chất ngôn tình như thế.
Lý do đơn giản vô cùng: Bởi vì nhân sinh trong những ngày tháng đó đã có quá nhiều nước mắt, nhưng cùng với nước mắt cũng có vô vàn những tình yêu, những sự hy sinh - mà nếu không có, hẳn chúng ta đã không thể sống sót sau đại dịch. Cuộc đời với hai mặt như thế cứ đi vào trang sách…".
Trong Mùa hè năm ấy bên em là mãi mãi, chút ngọt của tình yêu làm cho đời sống đỡ đắng phần nào. Câu chuyện tình yêu đan dệt vào bức tranh hiện thực đau thương.
Hiện thực khốc liệt như vừa hôm qua
Tác giả đã cẩn thận giới thiệu rằng cuốn tiểu thuyết là hư cấu, nhân vật, thời gian, địa điểm, bối cảnh, sự kiện,… trong tác phẩm đều là tưởng tượng, nhưng không khó để người đọc nhận ra thành phố Nam Yên với đại dịch Moros+ là một thành phố thực.
Bối cảnh của tiểu thuyết chính là đại dịch Covid-19, triển khai trên tâm điểm là bệnh viện, mở rộng ra cả thành phố, lấy đội ngũ y bác sĩ làm trung tâm.
Bệnh viện Nam Yên là nơi trận chiến diễn ra ác liệt nhất, nơi chứng kiến con người trên lằn ranh sống chết mong manh. Chọn nhân vật chính lại là những người trẻ, chưa nhiều trải nghiệm để bị chai sạn trước đời sống, càng lột tả được nỗi đau mất mát.
Ngòi bút hiện thực như một thiên phóng sự của Hồ Điệp Thanh Thanh đưa người đọc "xuyên không" trở lại với mùa hè năm ấy: Những bệnh viện chật cứng quá tải nóng như lò thiêu. Các bác sĩ bị gói kín trong lớp đồ bảo hộ không kịp ăn, ngủ, thậm chí phải hạn chế những nhu cầu tối thiểu như đi vệ sinh, ngày đêm giành giật từng mạng sống, để rồi phải chứng kiến sự kết thúc của những phận người đau đớn đến khó tin...
Các chặng diễn biến của đại dịch được tác giả lưu giữ và đưa vào tác phẩm với độ chính xác và đầy đủ như một kho tư liệu. Những thước phim cận cảnh theo các nhân vật chính Hạ Vũ - Hoàng Phi soi vào từng phòng bệnh, từng ngõ ngách nhỏ của thành phố, từng cái chết.
Có những đoạn người đọc cảm thấy tức ngực, khó thở bởi những cái chết được tái hiện trong tác phẩm.
Đó là người phụ nữ tóc bạc, mới trò chuyện cùng Hạ Vũ đã đi rất nhanh, không người thân bên cạnh. Bố mẹ 2 đứa trẻ trên chuyến xe tình nguyện của Hoàng Phi, chỉ còn là hai hũ tro cốt. Đó là người đàn ông gục xuống, chỉ kịp đem về cho vợ hộp cơm, người vợ cố nuốt cả những hạt rơi vãi bởi đó là hộp cơm cuối cùng được chồng mang về...
Bằng ngòi bút tiểu thuyết vừa bao quát, vừa chi tiết, sắc nét, Hồ Điệp Thanh Thanh đã làm sống lại những ký ức đau thương. Cuốn sách như nhắc người đọc không được quên rằng, đã có lúc loài người đã đau đớn như thế, nhỏ bé như thế, chết vô nghĩa lý như thế.
Có nhiều đoạn người đọc rơi nước mắt theo số phận nhân vật, không hẳn vì dễ mủi lòng, mà bởi nhà văn đã thực sự "chạm" vào ký ức chưa kịp quên, cũng không thể quên...
Nguồn mạch nhân tính thấm trong từng trang viết
Cuộc sống vẫn luôn khốc liệt, nhưng có những giai đoạn, bùng lên những ngọn lửa muốn thiêu rụi cõi người. Đó cũng là thời điểm cam go để nhân tính bộc lộ, trả lời cho câu hỏi: "Làm sao con người có thể đi qua được tất cả nỗi đau này để có thể sống còn?".
Mỗi tác giả có thể chọn cho mình một góc nhìn, một cách phản ánh, một thái độ đối với đời sống. Cách chọn lựa của Hồ Điệp Thanh Thanh là lòng tin tưởng vào tình người, những giá trị người.
Nhân vật Hạ Vũ và Hoàng Phi gửi gắm lòng tin và cả khát vọng của nhà văn, khi cả hai đều có trái tim cảm thông, lựa chọn bất chấp hiểm nguy để cứu giúp, chia sẻ mỗi hoàn cảnh, mỗi số phận.
Cô gái bé nhỏ Hạ Vũ như một cánh chim non mang theo giấc mơ dũng cảm lao thẳng vào cuộc đời, không màng an nguy của bản thân thì chàng trai đầy những vết thương bên trong là Hoàng Phi cũng vậy.
Không chỉ họ, những nhân vật khác, nhất là đội ngũ bác sĩ như Nam, Hoài Anh, Minh, Đồng,… mỗi người một câu chuyện riêng về số phận, nỗi đau, nhưng đều không ngại hy sinh bản thân vì người khác.
Cả những nhân vật vô danh xuất hiện thoáng qua cũng mang lại cho câu chuyện một tia lửa ấm của tình thương. Những ngọn lửa yêu thương lần lượt được thắp lên trên trang sách, sưởi ấm những lạnh lẽo, chết chóc, cùng nhau vượt qua khúc quanh đen tối của nhân loại.
Bởi nhân sinh nhiều nước mắt… Nước mắt và cái chết thấm đẫm trên những trang viết Mùa hè năm ấy bên em là mãi mãi, để được sưởi ấm, duy trì bằng ngọn lửa tình yêu tuổi trẻ, đằm sâu hơn, là trái tim yêu thương không bờ bến của con người.
Cuốn tiểu thuyết đủ chiều rộng và bề dày nhân sinh, được viết ra bằng một giọng dịu ngọt nhất. Đây là lựa chọn của tác giả mà cũng là vẻ đẹp của tác phẩm, đánh thức, khơi gợi bản chất của đời sống, đẹp và đau.
Mùa hè năm ấy bên em là mãi mãi (NXB Văn học) vừa ra mắt là tiểu thuyết thứ 2 của tác giả Hồ Điệp Thanh Thanh, sau bộ tiểu thuyết Tìm em giữa ngàn sao lấp lánh phát hành năm 2021.
Tác phẩm kể về mối tình trong trẻo của cô bác sĩ trẻ Hạ Vũ và chàng trai ngang tàng - bệnh nhân Hoàng Phi trong khoảng thời gian dịch Moros+ trở thành đại dịch trên toàn thế giới.
Những khó khăn chồng chất của đội ngũ y bác sĩ và bệnh viện trong quá trình khám, chữa và điều trị bệnh cho bệnh nhân; những mất mát đau thương mà người dân gặp phải khi bản thân/người thân họ bị mắc bệnh; những mặt tối của xã hội khi đời sống bị đảo lộn bởi những thử thách được phơi bày, nhưng cũng là lúc tinh thần tương trợ, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng vượt qua nghịch cảnh, đẩy lùi dịch bệnh được khơi lên mạnh mẽ...
Tiểu thuyết đã bán hết 1.000 bản trong lần in đầu sau 5 ngày phát hành. Được biết, tác phẩm sẽ tái bản với phiên bản mới trong thời gian sắp tới.
Thạch Lựu (Giảng viên Đại học Quy Nhơn)