Một ngày đầy nắng

(Dân trí) - Lê Ngọc Sơn là lớp phóng viên thế hệ 8x, thế hệ đã và đang khát khao vươn tới những tầm cao, thế hệ muốn khẳng định mình vì Tổ quốc thân yêu.

Tôi từng có thời gian làm việc chung với Sơn. Điều tôi thích nhất ở Sơn là thái độ cầu thị và cầu tiến.

Từ hơn một thập niên trước, khi còn là sinh viên báo chí, về thực tập tại Ban Bạn đọc - Báo Lao Động, Sơn đã thể hiện phẩm chất ấy rất rõ. Tôi thỉnh thoảng chia sẻ với các đồng nghiệp trẻ, với các sinh viên thực tập: Trong thể loại phỏng vấn, có rất nhiều thứ phải học, phải mổ xẻ để tự rút ra cho mình một phong cách riêng, nhưng có một cách tôi thấy ít ai làm được, đó là việc dùng câu hỏi trong phỏng vấn mà không khoe trình độ, không khoe chữ nghĩa. Mình phải đặt mình vào vai bạn đọc, hỏi những câu hỏi giản dị, giản dị đến mức có thể ai đó sẽ bình luận: Hỏi gì mà dốt thế, chắc trình độ kém... Nhưng hiệu quả thì rất cao. Vì người trả lời phỏng vấn sẽ bị câu hỏi tưởng như là dốt, tưởng như chưa biết cặn kẽ sẽ trả lời rất tỉ mỉ chi tiết, thậm chí dốc hết ruột gan để trả lời phỏng vấn, để chia sẻ với người đang hỏi mình.
 
Một ngày đầy nắng

Người đặt câu hỏi phỏng vấn cần phải nhún mình, phải khiêm tốn, phải biết mình đang phục vụ độc giả, đang hỏi hộ bạn đọc điều bạn đọc muốn biết, chứ không phải là bài khoe chữ, khoe trình độ cao siêu của người hỏi chuyện.

Lê Ngọc Sơn là người đã làm được điều đó.

Sơn chọn cho mình một hướng đi, một cách tiếp cận thông tin khá khôn ngoan. Sơn tiếp cận giới tinh hoa - những người đang đau đáu vì đất nước, vì người dân đất Việt. Những câu hỏi nhẹ nhàng, tưng tửng như muốn cùng nhau sẻ chia, đàm đạo về nhân tình thế thái. Những câu hỏi không đao to, búa lớn. Cứ thế, Sơn dẫn dắt câu chuyện mà bạn đọc đang cần, bạn đọc đang muốn thấy được cái bản chất của sự thật, hướng tới cái chân thiện mỹ của cuộc đời này.

Tin tưởng rằng, sau những ngày đợi nắng, Sơn sẽ có một ngày đầy nắng.

Nhà báo Phan Huy Hà(*)
 
 

(*): Phó tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay