Ma thuật của văn hoá “Hot”

(Dân trí) - Chưa bao giờ, những tính từ “nóng”, “hot” được sử dụng nhiều trong các lĩnh vực nghệ thuật như bây giờ. “Nóng” và “hot” đã và đang trở thành tiêu chí đảm bảo doanh thu, đảm bảo sức hút cho một tác phẩm nghệ thuật.

Những cơn sốt “nóng”

Bắt đầu từ “cơn bão” văn học Linglei của Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam mang theo những trang văn nóng bỏng của Điên cuồng như Vệ Tuệ (Vệ Tuệ), Quạ đen (Cửu Đan), Những người đàn bà tắm, Chơi vơi trời chiều (Thiết Ngưng), Thiếu nữ đánh cờ vây (Sơn Táp), Búp bê Bắc Kinh (Xuân Thụ)… Cách định nghĩa và miêu tả táo bạo những cảnh yêu đương khiến dư luận xôn xao, ầm ĩ. Người ta bàn tán, người ta đánh giá, người ta bình luận và người ta đổ xô đi mua về đọc.

Trào lưu văn học Linglei trở thành một hiện tượng lạ trên thị trường sách Việt Nam, sức nóng của Linglei có thể phần nào “cảm hoá” được cả những người lười đọc sách, thậm chí cả những người chẳng động đến sách bao giờ cũng thấy hồi hộp hỏi về Vệ Tuệ!

Sau Linglei, dù có khẳng định hay không sức ảnh hưởng của nó tới văn học Việt Nam, những tác phẩm mới ra đời vẫn được đề cao về… độ “nóng”, trong đó tiêu biểu là Bóng đè (Đỗ Hoàng Diệu). Bóng đè không được xếp cùng thứ bậc với Linglei, nhưng cách khai thác thị trường sách của Bóng đè thì giống với Linglei. Rất lâu, ở Việt Nam mới có một quyển sách được khen tặng là best seller (Bán chạy nhất). Tất nhiên, theo ý kiến của nhiều người sức hút của Bóng đè nằm ở những trang “nóng”....

Thói quen mua sách vì những trang “nóng” cũng nảy sinh từ đây. Những cuốn sách được quảng bá rầm rộ nhất, những cuốn sách bán chạy nhất, và những cuốn sách muốn bán chạy đều có lời đề từ đầy… nhạy cảm về sức “nóng”. Rừng Nauy làm nên cơn sốt sách ở Việt Nam. Quyển sách có mật độ dày kín những trang miêu tả chuyện yêu đương, cả những ám ảnh mộng mị, những thái cực cảm xúc mông lung về “chuyện đó”. Cách viết của Murakami còn nhiều điều để bàn luận, để giới phê bình ngợi ca nhưng không phải độc giả nào cũng có thể thấu hiểu được Rừng Nauy và cái hay của nó. Không ít người tìm đến hiệu sách mua cho bằng được, chỉ đơn giản vì muốn biết độ “nóng” của nó đến đâu.

Những tác phẩm nghệ thuật bắt đầu được đưa lên bàn cân để đong đếm về độ “nóng”, độ “hot”. Càng “nóng”, càng hấp dẫn. Và phải “nóng” mới hút được độc giả. Điều đó hiển nhiên như luật bất thành văn.
 
Ma thuật của văn hoá “Hot” - 1
 
(Ảnh minh họa của họa sĩ Vũ Toản)

Hiệu ứng số đông hay là nỗi ám ảnh?

Điện ảnh “vật vã” trong cơn lốc thị trường, bao nhiêu yếu kém đều bị lộ rõ. Các hãng phim gần như suy sụp sau khi nhà nước tuyên bố “cai sữa”- không hỗ trợ tiền vốn sản xuất phim như trước kia. Tất cả các nhà làm phim đều phải tự bỏ tiền túi ra đầu tư. Trách nhiệm về đồng tiền, về lời lãi chưa bao giờ trở thành gánh nặng đến thế với các nghệ sỹ. Lối thoát duy nhất cho điện ảnh là kéo khán giả tới rạp. Phát kiến về cảnh “nóng”, đề tài “nóng” xuất hiện khi Gái nhảy của Lê Hoàng “làm mưa làm gió” tại các rạp chiếu.

Những cảnh “nóng” bắt đầu được để ý và khai thác triệt để. Từ những bộ phim giải trí, cảnh “nóng” được đưa vào với chủ đích đơn thuần là câu khách như Những cô gái chân dài, Trai nhảy, Chuông reo là bắn, đến những bộ phim mang tính nghệ thuật, cảnh “nóng” cũng rất “bỏng” như Sống trong sợ hãi, Áo lụa Hà Đông, Dòng máu anh hùng… Gần đây, bộ phim về chiến tranh Trung uý cũng được quảng bá rầm rộ về những cảnh “nuy” 100% của nữ diễn viên chính, những cảnh “nóng” được quay hết sức nghiêm túc! Cảnh “nóng” đã và đang tỏ rõ sức kiểm toả của nó với điện ảnh. Cảnh “nóng” luôn làm cho những câu chuyện về phim ảnh trở nên rôm rả hơn, hồi hộp hơn và gây hiệu ứng với số đông rất nhanh!

Sân khấu âm nhạc cũng đang chạy theo những hình ảnh “mát mắt”. Những nữ ca sỹ ngày càng sexy với những tuyên ngôn “bạo liệt” về sự gợi cảm, hấp dẫn. Ai cũng hiểu, sức hấp dẫn đầy ma thuật của những cảnh “nóng”, trang phục “nóng”. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, ở đâu có sự sexy- ở đó có công chúng. Sân khấu kịch nói cũng đưa cảnh “nóng” lên dàn dựng và đã gây tranh cãi gay gắt…

* * *

Câu hỏi đặt ra là, khi nghệ thuật bị văn hoá “nóng” kiểm toả, sai khiến... thị hiếu của công chúng sẽ đi về đâu? Tiền nhãn đã thấy, ngay cả phim hoạt hình, truyện tranh dành cho thiếu nhi cũng có cảnh “nóng”- khiến người lớn phải “choáng váng”. Chẳng lẽ, văn hoá “nóng” đã trở thành một nỗi ám ảnh?

Tống Trân