1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Linh Lê – một Sagan của Việt Nam

(Dân trí) - Linh Lê nói, anh hãy viết chút gì đó về em. Và thế là có bài viết này. Tôi đâu thể làm khác, với một nhan sắc như Linh Lê.

Trong những vết nắng thắm tươi của một ngày hạ, tôi giở trang bản thảo cuốn tiểu thuyết mới nhất của Linh. Đọc. Và trầm tư.

Linh Lê – một Sagan của Việt Nam - 1

Chúng tôi gặp nhau lần đầu ở tiệm cà phê Jaspas, Saigon, một buổi chiều thanh thản như chiều nay, có nhạc sĩ Mai Xuân Vỹ từ Úc về, và Linh Lê. Khi đó Linh mới xuất bản cuốn đầu tay, Không Khóc Ở Kuala Lumpur. Tôi đã dành ra một ngày cuối tuần cho cuốn truyện đó, và dành nhiều thời gian hơn, cho tác giả (tôi từng viết đề từ cho tập thơ của Linh). Thật ra giữa chúng tôi, đến tận bây giờ, hình thành một mối liên hệ tuy gần mà xa: chúng tôi “gặp” trên mạng xã hội và sách vở nhiều hơn ngoài đời. Ấy vậy mà, giờ Linh Lê đã có đến bốn cuốn sách; và đang chuẩn bị in cuốn mới, chính bản thảo của nó tôi đang cầm trên tay bây giờ.

Linh Lê – một Sagan của Việt Nam - 2

Nói thế nào nhỉ, rằng Linh Lê đã làm nên một thời tiết bằng văn của cô, một khí hậu thì đúng hơn, khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm ướt nhưng rực sáng của những cơn mưa biếc xanh rơi xuống thành phố như những hạt ngọc bích. Cô gái đa đoan ấy đã viết lên trang giấy trắng sự dồn nén ẩn ức trước một cơn dông, sự căng như dây đàn của chờ đợi và thất vọng, nhưng còn rất nhiều yêu dấu ẩn chứa. Bốn năm trước, đề từ thi tập Còn Lại Tiếng Người Hót Đắng Cay cho Linh, tôi đã viết:

“Hãy cùng nàng xuôi dòng sông thơm hương về phía ngày mai, bởi nàng đã đoạn tuyệt từ lâu với bộn bề ký ức. Cơn say nào đó, cũng phải là cơn say khôi nguyên, dạn dĩ và hân hoan tràn đầy.”

Dạn dĩ. Phải, dạn dĩ xiết bao văn chương của cô gái kiều mỵ đó, khi tôi đọc bản thảo Đào trước khi nó được in ra—thì đấy, dạn dĩ từ nhan đề dạn dĩ đi. Không dạn dĩ sao khi mà tác giả dấn thân vào một nơi chốn nguy hiểm như showbiz với những hệ lụy ngút ngàn, những mảng tối chết người, những điếm nhục thớ lợ, những trái ngang đau lòng như thế?

Linh Lê – một Sagan của Việt Nam - 3

Lật lại những trang sách cũ, nơi đó Linh Lê viết Không Khóc Ở Kuala Lumpur, Mùa Mưa Ở Singapore, Người Tình Sài Gòn, thấy toàn những dấn thân can đảm vào những địa hạt tâm lý đầy bất trắc: yêu thương và phụ rẫy, việc đi tìm căn cước bản thân, những trá ngụy của đời sống. Và đề tài Linh chọn chỉ là một cái cớ tốt đẹp cho mục đích khác: Linh Lê nói hộ những người trẻ tiếng nói thiết tha của mong muốn trưởng thành, dẫu có phải trả một giá đắt.

Linh Lê – một Sagan của Việt Nam - 4

Mùa Mưa Ở Singapore đó: trên cái nền câu chuyện tình giữa nữ họa sĩ đường phố Minh Tuyên và sinh viên người Việt Kỳ Phong, một câu hỏi lớn hiện ra. Câu hỏi nhức nhối: hạnh phúc ở đâu, ở bên trong tình yêu, bên trong cảm giác yêu và được yêu hay nằm ngoài lớp vỏ của một mối tình—rồi khi lớp vỏ đã trầy xước thảm thương, liệu tình yêu trú ẩn nơi nào? Hay như trong Người Tình Sài Gòn, một cuộc kiếm tìm khác, lần này là tìm bản thể mình thông qua tình yêu giữa Tú và Du, để rồi tác giả Linh Lê hơn ai hết đã can đảm nhìn thẳng vào sự thật: hạnh phúc không phải là đích đến, không phải là một hạt ngọc lỡ rơi vào cát nay phải đãi cát ra tìm, mà ở quá trình trải nghiệm, ở sự kỳ công gọt giũa một viên đá thành ngọc. Dẫu đau đớn khổ nhọc, quá trình chính là Hạnh Phúc. Và tận cùng hạnh phúc, lại là nỗi Cô Đơn. Cô đơn tận cùng.

Trên kia tôi đã nhắc đến khí hậu văn chương Linh Lê. Bằng những câu ngắn, trực tiếp, văn phong Linh Lê phác ra một khí hậu mà nếu phải sống trong đó, tôi sẽ vụng dại đi lại từ đầu hành trình sống như một đầu xanh hai mươi, trên môi thấp thoáng câu hỏi lớn: ta vào đời để làm gì, để trở thành gì? Thật vậy, bên dưới những ướt át của mưa mùa, của những nhân vật dám yêu dám trả giá, là một nỗi bất an thường trực của câu hỏi bản thể, câu truy vấn căn cước của từng cá nhân trẻ tuổi. Và có ở đó sự tiếc, tiếc vì mình chưa sống đủ, và tiếc vì mình đã sống quá nhiều.

Linh Lê – một Sagan của Việt Nam - 5

Nói một chút về Đào, thì đó lại là một câu hỏi khác, lơ lửng treo trên những hạt mưa biếc xanh đô thị. Rằng người ta phải trả giá nào cho niềm tin, giá nào cho niềm tuyệt vọng khi mà mọi cố gắng vươn lên thanh khiết đều gục chết trước sự đảo điên của đời? Và khi đó, liệu có còn điều tốt đẹp nào không để vin vào mà tiếp tục sống.

Đời có gì đáng yêu? Hay chỉ toàn những điều đáng sợ? Linh Lê, với nỗi bất an của mình, đã làm nên khí hậu văn chương mang tên cô, cố gắng giải đáp câu hỏi ấy. Như một cơn mưa dông ngày hạ, tàn nhẫn nhưng chân thật. Cơn mưa dông vẫn ào ạt tuôn và xuyên qua màn mưa, tôi thấy Linh Lê hiển hiện như một bóng dáng dù đôi chút tăm tối, nhưng đôn hậu. Văn phong của cô gọn, sắc lẹm như vết dao, song đâu đó quanh đây vẫn có những đoạn trữ tình ngọt ngào chẳng hạn thế này:

Tôi ngồi chải tóc cho em, tóc em dài đến thắt lưng rồi. Tôi yêu nhất mái tóc tơ và đen huyền này, nhiều lúc ngắm nhìn nó trên gương mặt trong veo và thánh thiện của em khiến tôi cảm giác có lẽ mình không thuộc về cuộc sống này.

(Đào)

Trong những cơn mưa bạo liệt của nội tâm, có được những dòng êm ả thế, ta như được cứu rỗi. Bàn tay người nữ Linh Lê khi cần, vẫn có thể ve vuốt êm đềm lắm. Như một Sagan của hôm nay, một Sagan của Việt Nam.

Q. B.

Về nhà văn Linh Lê:

Là con gái út của cố nhà văn Đà Linh - người vốn được giới xuất bản rất kính trọng. Từ năm 13 tuổi, Linh Lê đã được biết đến như một tài năng trẻ đáng kỳ vọng của làng văn học nghệ thuật Việt Nam khi đoạt các giải thưởng dành cho thơ ca và truyện ngắn trong cuộc thi viết do Hội văn nghệ thiếu nhi thành phố Đà Nẵng tổ chức. Linh Lê hiện tại đang hoạt động chính trong ngành tài chính ngân hàng.

Đã xuất bản ba tiểu thuyết ngắn Không Khóc Ở Kuala Lumpur (2012), Mùa Mưa Ở Singapore (2013) và Người Tình Sài Gòn (2014); và một tập thơ Còn Lại Tiếng Người Hót Đắng Cay (2015), Đào (2019)


Françoise Sagan (21/6/1935 – 24/9/2004) là nhà văn, nhà biên kịch nổi tiếng người Pháp. Sagan đã được nhà văn François Mauriac ca ngợi là "một tiểu quái quyến rũ" (un charmant petit monstre) trên trang nhất của tờ báo Le Figaro. Sagan nổi tiếng với tư tưởng tự do bằng lối sống "mở". Trong các tác phẩm của Sagan, dường như trong cuộc sống này không có gì là vĩnh cửu, chỉ có những khoảnh khắc và hãy tận hưởng khoảnh khắc này khi còn có thể. Tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Sagan cũng là tác phẩm đầu tiên của bà - Bonjour Tristesse (Buồn ơi, chào mi) (1954) đã được dịch và xuất bản nhiều lần ở Việt Nam.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm