Lê Hoàng chơi ngông với “Trai nhảy”?

(Dân trí) - Rạp Tết đã bắt đầu nô nức, poster phim Việt rợp trời, tràn cả ra mấy gốc cây ngoài phố. Cô bán vé gật đầu: “Phim Tết năm nay bán được đấy. Nhất là “Trai nhảy”, khán giả khá đông, suất chiếu nào cũng gần kín rạp, dù xem xong, thấy nhiều người kêu phim chán!”.

Biết là phim chán, mà khán giả vẫn phải bỏ tiền ra đi xem. Đó có lẽ là cái tài “thuyết phục” riêng của phim Lê Hoàng. Điều ấy đã được chứng minh qua Gái nhảy, qua Lọ lem hè phố hay Nữ tướng cướp... Và bây giờ là Trai nhảy!

 

Trai nhảy không xoay quanh cuộc sống, công việc của những chàng trai làm ở vũ trường như Gái nhảy mà “đụng chạm” đến nhiều đề tài như tình yêu nam nữ, tình yêu đồng tính và cả cuộc sống cơ cực của nghề đấm bóp dạo, những gái già “thèm” trai, bi hài nghề đòi nợ thuê… Cũng vì tham muốn “động” tới những đề tài “nóng” nhất của xã hội nên Trai nhảy cố gắng phân chia mỗi đề tài vài cảnh quay, chút ít nội dung, đôi ba nhân vật.

 

Những tưởng, thế sẽ “thời sự” lắm nhưng rút cuộc, Trai nhảy lại trở thành một “món” tạp phí lù với những cảnh quay lắp nghép từ nhiều nội dung khác nhau, rời rạc và nhạt nhẽo. Nhân vật chính Tuấn (Ngọc Thuận) được đạo diễn xây dựng như một trai nhảy, nhưng công việc này của anh ta chỉ diễn ra vỏn vẹn trong đúng… một cảnh quay! Tất cả những cảnh còn lại “sinh ra” để diễn giải công việc đấm bóp thuê cực nhọc thế nào và mối tình bi thương của anh với cô bán chè đậu và tình yêu ngang trái của anh với chàng Tony (Đức Hải).

 

Thậm chí đạo diễn còn “hào phóng” dành ra rất nhiều đất diễn cho hai nhân vật chuyên đi đòi nợ thuê trong khi hai nhân vật này chỉ có đúng một chi tiết liên quan với câu chuyện phim: họ sống cùng nhà trọ với nhân vật chính! Phim không gây được ấn tượng với khán giả bởi sự thừa thãi về nội dung, nhạt nhẽo trong cách gây cười, và nông cạn trong khắc họa tính cách nhân vật.

 

Lê Hoàng chơi ngông với “Trai nhảy”?  - 1
 

Ai đã gặp Lê Hoàng ngoài đời một lần sẽ không thể nào quên, thậm chí còn phát sợ trước sự sắc sảo và tinh quái của vị đạo diễn này trong cách sử dụng ngôn từ. Nhưng thật đáng thất vọng, khi sự sắc sảo đó của Lê Hoàng hoàn toàn mất dấu trong Trai nhảy: phim mắc quá nhiều lỗi về lời thoại!

 

Đơn cử như chi tiết: Khi Tuấn đến nhà Tony vay tiền và nghe Tony tâm sự về nỗi khổ đau và cô đơn khi là người của giới tính thứ ba. Với con mắt ngạc nhiên, Tuấn đã thốt lên: “Làm được như vậy sao anh?” khi Tony đưa cho Tuấn xem bức ảnh chụp các chàng phẫu thuật thành con gái. Nghĩa là Tuấn không hay biết gì về chuyện phẫu thuật chuyển đổi giới tính nhưng lại tỏ ra rất hiểu biết và cảm thông khi đặt câu hỏi “Anh đã suy nghĩ kỹ chưa?”  khi Tony bày tỏ ý định sang Thái Lan.

 

Dường như, sợ khán giả không thông minh bằng mình, các nhà làm phim Trai nhảy đã cố tìm cách diễn giải về nhân vật, về tình huống phim sao cho dễ hiểu nhất. Nhân vật Tuấn bị đẩy đến cực điểm của sự thơ ngây, hiền lành, trong sáng đến mức vô lý. Tuấn đấm bóp dạo chuyên nghiệp, đã từng tiếp xúc với đủ hạng người, vậy mà lại co chân ù té chạy khi bị một khách hàng hé dao đe dọa giữa phố phường đông đúc.

 

Và dù đấm bóp bao năm, đủ hiểu biết “người ta vào quán mát-xa thực ra để làm gì”, lại có hai người bạn chuyên đi đòi nợ thuê với những cặp xách đầy tiền, nhưng Tuấn lại chưa biết tiền đô là gì! Tờ 50 USD của Tony đưa ra trả, Tuấn cầm lấy xem thích thú và hỏi lại đầy thơ ngây: “Tiền gì đây hả anh?”.

 

Lỗi nặng nhất của các nhà làm phim Trai nhảy chính là việc cố đẩy tính cách nhân vật lên để mong khắc họa được rõ nét và điển hình, nhưng vô tình lại làm cho nhân vật trở nên lố bịch.

 

Lê Hoàng chơi ngông với “Trai nhảy”?  - 2
 

Những bà nạ dòng, nợ nần như chúa chổm, nhưng đêm nào cũng tới vũ trường tìm trai và vung tiền không thương tiếc để có được giây phút “thiên đường” với chàng ở nhà nghỉ… Đành rằng, những nhân vật ấy có thể tìm thấy ngoài đời thực. Nhưng, xem phim người ta vẫn không tránh được cảm giác xót xa khi hình ảnh người phụ nữ bị các nhà làm phim dựng lên bằng sự ác cảm. Áp đặt tình cảm của người làm phim lên khán giả thiết nghĩ là không nên.

 

Lê Hoàng là người có biệt tài về khả năng phát hiện ra... tính xấu của người khác. Anh chê ai cũng rất cẩn thận, chu đáo, nhiệt tình, đâu ra đấy. Cứ nghĩ, người như thế hẳn là kỹ tính và nghiêm khắc lắm với bản thân, nhưng thật bất ngờ, phim của Lê Hoàng cũng mắc những lỗi sơ đẳng nhất về bối cảnh. Cô gái bán chè đậu bước trên con đường lầy lội trước cổng nhà Tuấn gọi anh, nhưng khi Tuấn chạy ra với “chè đậu” thì đường đã khô cong trong chớp mắt! 

 

Những lỗi vô lý, những câu chuyện thiếu logic, nội dung nhạt nhẽo của Trai nhảy đã khiến khán giả ngao ngán và thất vọng.

 

Với riêng Lê Hoàng, tôi tôn trọng ý kiến làm phim vì khán giả của anh. Anh là một trong những người đi tiên phong nỗ lực trong phòng trào kéo khán giả tới rạp vì thương hiệu của phim nội khi điện ảnh đang bế tắc. Tuy nhiên, cảm giác như, Lê Hoàng đang bị lún sâu vào ám ảnh khán giả, ám ảnh ăn khách trong mỗi thước phim của mình.

 

Có lẽ, những bộ phim, tạm gọi là phim thị trường, được sản xuất liên tục đã khiến Lê Hoàng không có đủ khoảng lặng cần thiết để chăm chút và cân nhắc cho từng tác phẩm. Do vậy, nhưng bộ phim của anh cứ nhạt dần, loãng dần…

 

Dịu Hiền