1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Lễ cất nóc chùa Chùa Ngọa Vân tại Khu di tích nhà Trần

(Dân trí) - UBND huyện Đông Triều vừa phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ thượng lương (cất nóc) Chùa Ngọa Vân (Đông Triều, Quảng Ninh), di tích quan trọng bậc nhất trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều.

Đến dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Văn Quynh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; ông Phạm Minh Chính, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Đọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Thông, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng các lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh.

Chùa Ngọa Vân tọa lạc tại núi Bảo Đài thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, huyện Đông Triều, là nơi hóa Phật của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông. Đây được coi như là thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Trải qua thời gian, quần thể di tích Ngọa Vân đã dần bị xuống cấp, hư hỏng, cần phải được trùng tu, tôn tạo.

Để quảng bá và phát huy giá trị di tích, từ  năm 2007 đến năm 2009, UBND huyện Đông Triều đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành điều tra, nghiên cứu khảo cổ học di tích Ngọa Vân.

Lễ cất nóc chùa Chùa Ngọa Vân tại Khu di tích nhà Trần.
Lễ cất nóc chùa Chùa Ngọa Vân tại Khu di tích nhà Trần.
Lễ cất nóc chùa Chùa Ngọa Vân tại Khu di tích nhà Trần.

Năm 2013, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Nhà Trần ở Đông Triều. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 08/10/2013 UBDN tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 2704/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư trùng tu tôn tạo di tích chùa Trung (chùa Ngọa Vân).

Dự án đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích Chùa Ngọa Vân được khởi công vào tháng 3/2014, có tổng mức đầu tư 95 tỷ đồng. Dự án gồm nhiều hạng mục như: Tam bảo, nhà Tổ, tam quan, nhà khách, am hoá vàng, vườn trưng bày khảo cổ, vườn tháp… Trong đó, tam bảo (chính điện) có mặt bằng hình chữ nhật, với diện tích 264,27m2, gồm 2 nếp nhà có kết cấu khung gỗ lim 3 gian 2 chái: Tiền đường 1 tầng 4 mái và thượng điện 2 tầng 8 mái. Hình thức kiến trúc, bài trí tượng thờ cũng như bờ nóc, bờ dải, đầu đao con giống được thiết kế theo kiến trúc truyền thống thời Lê Trung hưng.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh khẳng định: Trong năm qua, Quảng Ninh đã đề xuất với Chính phủ để công nhận 3 Khu di tích Quốc gia đặc biệt là Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, Khu di tích Yên Tử và Khu di tích Chiến thắng Bạch Đằng tại Quảng Yên. Đây là nền tảng cho sự phát triển du lịch văn hoá tâm linh trên địa bàn, trong đó Đông Triều - Yên Tử là những địa danh linh thiêng, gắn liền với cuộc đời tu hành và hoá phật của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông. Địa phương đang tích cực triển khai quy hoạch tổng thể các Khu di tích Quốc gia đặc biệt kể trên; đồng thời lập hồ sơ đề cử UNESCO công nhận Di sản thế giới cho quần thể di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử.

Đây là dự án khởi đầu cho các dự án tu bổ, tôn tạo, xây dựng các di tích thuộc khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, có ý nghĩa to lớn trong việc hướng về cội nguồn dân tộc, tri ân các bậc tiền nhân.

Quốc Cường