Kỷ niệm 700 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu
(Dân trí) - Ngày 21/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu (1322-2022) và khánh thành đền thờ ông tại xã Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đầu Thanh Tùng - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho rằng, sự kiện kỷ niệm 700 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Thanh Hóa - quê hương của danh nhân Lê Văn Hưu mà còn trên phạm vi cả nước.
"Tấm gương của danh nhân Lê Văn Hưu trong học tập, làm việc khoa học và trách nhiệm cần được tuyên truyền rộng rãi hơn nữa, qua đó khơi dậy niềm tự hào, góp phần làm cho quê hương Thanh Hóa và đất nước ta sẽ ngày càng có nhiều bậc hiền tài", Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh.
Theo tài liệu lịch sử, Lê Văn Hưu, sinh năm Canh Dần 1230, trong một dòng họ nổi tiếng ở làng Phủ Lý, nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 17 tuổi, Lê Văn Hưu thi đậu Bảng nhãn trong khoa thi đầu tiên của nhà Trần.
Ông từng được giao nhiều chức vụ quan trọng của triều đình nhà Trần, như: Kiểm pháp quan, Hàn Lâm viện Học sĩ, kiêm Quốc sử viện Tu giám, làm phó quan cho Thượng tướng quân Trần Quang Khải.
Sinh thời, Bảng nhãn Lê Văn Hưu là người có lòng yêu thương dân chúng và cống hiến, phụng sự triều đình, với mong muốn góp phần xây dựng một xã hội hài hòa, đất nước thái bình, thịnh vượng. Ông mất năm Nhâm Tuất (1322), hưởng thọ 93 tuổi. Hiện nay, trên đất Thiệu Trung vẫn còn phần mộ, bia ký khắc ghi tiểu sử, ca tụng tài đức, sự nghiệp của ông.
Với những đóng góp của mình, Lê Văn Hưu từng được vua Trần Thái Tông điều chuyển sang làm Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu. Lê Văn Hưu đã thu thập tất cả các sách sử ghi chép ít ỏi và sơ sài của thời Lý và cùng thời để biên soạn lại và viết thêm rất nhiều để thành bộ quốc sử có tên Đại Việt sử ký, gồm 30 quyển.
Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu đánh dấu thành tựu khoa học, đặt cơ sở đầu tiên cho nền sử học nước nhà phát triển. Lê Văn Hưu vì thế đã trở thành Tổ sư của nền sử học Việt Nam.