KTS Trần Thanh Bình: "Đặng Thái Sơn là ngoại lệ của má Liên"

Lê Phương Anh

(Dân trí) - Chia sẻ về những kỉ niệm ngày bé cùng em trai, NSND Đặng Thái Sơn, ông Trần Thanh Bình cho biết: "Chú Sơn là con cưng của mẹ. Chú hay được ưu tiên...".

Nhà giáo Nhân dân (NGND) Thái Thị Liên là một trong những người sáng lập Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), vị chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Piano và là người có công đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ piano danh tiếng.

Cả đời say mê với nghệ thuật

KTS Trần Thanh Bình: Đặng Thái Sơn là ngoại lệ của má Liên - 1

Nghệ sĩ, Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên (Ảnh: Ban tổ chức)

Bà Thái Thị Liên sinh năm 1918 trong một gia đình trí thức tại Sài Gòn. Bà sớm bộc lộ tài năng âm nhạc và bắt đầu học piano từ năm 4 tuổi. Hành trình nghệ thuật của bà trải dài từ Sài Gòn, Paris đến Praha - nơi bà tốt nghiệp xuất sắc Nhạc viện Praha.

Sau khi trở về Việt Bắc năm 1951, bà không chỉ tham gia kháng chiến mà còn tích cực trong công tác biểu diễn và đào tạo. Từ năm 1956, với vai trò Chủ nhiệm Khoa Piano, bà đã góp phần đặt nền móng cho sự phát triển của ngành piano chuyên nghiệp tại Việt Nam.

Nhiều học trò của bà đã trở thành những nghệ sĩ, nhà giáo nổi tiếng như: Nguyễn Hữu Tuấn, Hoàng My, Phương Chi, Tuyết Minh, Kim Dung, Trần Thu Hà và Đỗ Hồng Quân.

Nổi bật nhất là Đặng Thái Sơn, con trai út của bà, ông là người châu Á đầu tiên giành giải nhất Cuộc thi Piano quốc tế Chopin.

Tại buổi họp báo, GS TS NSND Trần Thu Hà - nguyên Chủ nhiệm Khoa Piano, nguyên Giám đốc Học viện Âm, đồng thời là con gái, học trò nổi tiếng của bà Thái Thị Liên chia sẻ: "Âm nhạc không chỉ là niềm đam mê của mẹ tôi, mà còn là một phần quan trọng trong cuộc sống của bà. Bà thường sử dụng âm nhạc để giải tỏa căng thẳng và giữ cho tinh thần luôn thoải mái. Đây có thể là một trong những lý do giúp bà sống thọ đến 106 tuổi".

KTS Trần Thanh Bình: Đặng Thái Sơn là ngoại lệ của má Liên - 2
Đối với NSND Trần Thu Hà, mẹ là một nghệ sĩ đàn piano xuất sắc, dành trọn cuộc đời mình cho âm nhạc (Ảnh: Ban tổ chức).

Mặc dù tuổi cao, sức khỏe có phần suy giảm, nhưng bà vẫn giữ được sự năng động, nhiệt huyết, thường xuyên luyện tập đàn piano.

"Khi 100 tuổi, mẹ tôi vẫn muốn đi bơi. Bà rèn luyện trí não mỗi khi không ngủ được bằng cách đọc nốt nhạc của những tác phẩm yêu thích. Dù thính lực giảm, bà vẫn chịu khó nghe nhạc từ các con, các cháu. Đặc biệt, mẹ tôi có trí nhớ tuyệt vời. Bà nhớ tên từng học sinh, đồng nghiệp và thậm chí cả họ hàng của mọi người", NSND Trần Thu Hà cho biết.

Tự hào có mẹ là người thầy dẫn dắt mình, bà Trần Thu Hà bày tỏ: "Mẹ là người đã truyền lại cho tôi những bài học, kinh nghiệm quý báu từ cuộc đời, đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc. Những điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển và thành công của tôi".

Một mình nuôi sống cả đại gia đình bằng tiếng đàn

Ở góc độ một người không theo đuổi nghệ thuật, kiến trúc sư (KTS) Trần Thanh Bình, con trai cả của bà Thái Thị Liên chia sẻ, bà là một người mẹ yêu thương con hết lòng nhưng cũng rất nghiêm khắc.

"Nghĩ về cuộc đời mẹ, mấy chị em tôi cũng không thể hình dung nổi làm cách nào mẹ đã nuôi sống cả gia đình 7-8 người trong hoàn cảnh khó khăn như vậy chỉ bằng tiếng đàn", ông Bình xúc động.

Dù vất vả là thế, nghệ sĩ Thái Thị Liên vẫn chu toàn vai trò một người mẹ. "Tới bây giờ, chúng tôi vẫn nhớ như in các bài hát ru của má thuở nhỏ", ông Trần Thanh Bình nói.

KTS Trần Thanh Bình: Đặng Thái Sơn là ngoại lệ của má Liên - 3

KTS Trần Thanh Bình bật mí: "Đặng Thái Sơn là ngoại lệ của má Liên" (Ảnh: Ban tổ chức).

Chia sẻ về những kỉ niệm ngày bé cùng NSND Đặng Thái Sơn, ông Bình cho biết: "Chú Sơn là con cưng của mẹ. Chú hay được ưu tiên, còn chúng tôi phải cố gắng ngoan, xếp hàng thì bà mới lấy ráy tai cho.

Sau này, bà sang nước ngoài sống với chú Sơn là chủ yếu. Mãi đến 10 năm trước khi mất, bà về nước, chúng tôi mới được chăm sóc bà. Ở tuổi 90, mẹ vẫn nhắc nhở tôi uống thuốc mỗi ngày".

KTS Trần Thanh Bình: Đặng Thái Sơn là ngoại lệ của má Liên - 4

NSND Đặng Thái Sơn và mẹ Thái Thị Liên trong dịp Giáng sinh 2022 (Ảnh: Facebook Đặng Thái Sơn).

Theo ông Trần Thanh Bình, Tiếng đàn còn mãi ngân vang mang ý nghĩa tôn vinh tiếng đàn của bà, không chỉ trường tồn trong lòng mọi người mà còn tiếp tục vang mãi qua các thế hệ học trò nối tiếp.

Kiến trúc sư Trần Thanh Bình cũng cho biết, hình ảnh chủ đề đêm nhạc là hình ảnh bà Thái Thị Liên ngồi bên cây đàn dương cầm, được chọn từ đêm nhạc Trăm mùa thu vàng năm 2017.

Cách đây 7 năm, trong chương trình biểu diễn Trăm mùa thu vàng kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, bà Thái Thị Liên đã bước lên sân khấu khi tròn 100 tuổi.

Khi ấy, bà từ chối dùng xe lăn và tự mình bước ra sân khấu, cố gắng cúi chào khán giả, dù rất khó khăn. Lúc đó, bà chia sẻ với các con rằng đây có lẽ là lần cuối cùng bà biểu diễn trên sân khấu. Hiện tại, phần trình diễn này của bà đã nhận được hơn 7 triệu lượt xem trên khắp các nền tảng xã hội.

Đêm nhạc Tiếng đàn còn mãi ngân vang có sự tham gia của các giảng viên, nghệ sĩ Khoa Piano, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, đại diện cho các thế hệ giảng viên và học trò của khoa. Từ những lứa học trò đầu tiên được học trực tiếp từ NGND Thái Thị Liên.

Phần I, mang tên Các thế hệ tiếp nối, gồm các tác phẩm đặc sắc được trình bày bởi Nhà giáo Ưu tú Kim Dung, NSƯT Tuyết Minh…

Ngoài ra, những học trò trong gia đình bà như NSND Trần Thu Hà, cháu và chắt của bà cũng sẽ tham gia biểu diễn.

Đặc biệt, phần II của đêm nhạc có tựa đề Người mẹ - người thầy, đây là món quà ý nghĩa từ NSND Đặng Thái Sơn dành tặng mẹ với các bản nhạc bà yêu thích.

Ông sẽ trình diễn tác phẩm Hát ru của mẹ cùng pianist Đăng Quang.