"Kim Thập Lăng Hoa" bi hùng và cảm động đúng phong cách Trương Nghệ Mưu

Mi Vân

(Dân trí) - Bộ phim "The Flowers of War" (Kim Thập Lăng Hoa) là một tác phẩm xuất sắc và đáng xem của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, được xây dựng dựa trên cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh của vụ thảm sát ở Nam Kinh.

Phim được xây dựng dựa trên cuốn tiểu thuyết mang tên 13 Người phụ nữ Nam Kinh của nhà văn Nghiêm Ca Linh. Đây là một bộ phim bom tấn về đề tài chiến tranh với sự tham gia của nam diễn viên Hollywood từng đoạt giải Oscar - Christian Bale. Phim được chọn đại diện cho điện ảnh Trung Quốc tham gia tranh giải Oscar năm 2012 trong hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất

Kim Thập Lăng Hoa bi hùng và cảm động đúng phong cách Trương Nghệ Mưu - 1

Kim Thập Lăng Hoa là một tác phẩm đặc sắc của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. 

Nội dung phim dựa trên sự kiện cuộc "đại thảm sát ở Nam Kinh" vào năm 1937 khi quân Nhật chiếm đóng Trung Quốc. Câu chuyện kể về 13 cô kỹ nữ ở bên sông Tần Hoài, 6 chàng binh sĩ thoát ra khỏi đống tử thi, những khuê nữ con nhà quyền quý và một vài vị linh mục còn sót lại sau một cuộc chiến thảm khốc. Họ cùng trú ngụ trong một giáo đường và tiếp tục phải đối mặt với cuộc đại thảm sát lịch sử.

Bộ phim được đạo diễn Trương Nghệ Mưu "thai nghén" chuẩn bị trong vòng 4 năm với kinh phí sản xuất lên đến 600 triệu NDT. Phim trở thành một trong những tác phẩm điện ảnh có kinh phí đầu tư "khủng" nhất tại Trung Quốc.

Khi ra mắt, Kim Thập Lăng Hoa không chỉ thành công về mặt nghệ thuật mà doanh thu của phim cũng rất đáng nể vì thu về hơn 15 triệu NDT cho nhà sản xuất chỉ sau một tuần công chiếu tại Trung Quốc. Trong năm 2011, Kim Thập Lăng Hoa trở thành bộ phim có doanh thu phòng vé cao nhất tại Trung Quốc. 

Kim Thập Lăng Hoa bi hùng và cảm động đúng phong cách Trương Nghệ Mưu - 2

Kim Thập Lăng Hoa thành công ngoạn mục về mặt nghệ thuật cũng như thương mại tại Trung Quốc. 

Trước thành công về mặt doanh thu của Kim Thập Lăng Hoa, đạo diễn Trương Nghệ Mưu từng nói, ông không quan tâm tới mặt thương mại của phim, điều khiến ông nghĩ tới chính là chất lượng nghệ thuật. 

Dù không giành được chiến thắng tại Oscar nhưng tại LHP quốc tế Berlin lần thứ 62, Kim Thập Lăng Hoa đã nhận được nhiều lời khen từ giới chuyên môn và được đánh giá là một tác phẩm châu Á đặc sắc, đáng xem. 

Kim Thập Lăng Hoa là một bộ phim nói về chiến tranh nhưng đạo diễn Trương Nghệ Mưu không quá chú trọng tới những cảnh chiến tranh đẫm máu. Điều ông muốn gửi gắm tới người xem chính là những chi tiết nhân văn trong bộ phim, được thể hiện qua cuộc đời của những cô gái làng chơi vẫn khát khao được thay đổi cái nhìn của mọi người dành cho mình. 

Kim Thập Lăng Hoa bi hùng và cảm động đúng phong cách Trương Nghệ Mưu - 3

Kim Thập Lăng Hoa có sự góp mặt của nam diễn viên Hollywood từng đoạt giải Oscar - Christian Bale. 

Trương Nghệ Mưu còn đặc biệt khen ngợi tài diễn xuất của người đẹp Nghê Ni, người thể hiện vai kỹ nữ Ngọc Mặc trong phim. Sau Kim Thập Lăng Hoa, Nghê Ni trở thành một trong những nàng thơ của đạo diễn Trương Nghệ Mưu và có sự nghiệp điện ảnh rực rỡ. Cô hiện là một trong những nữ diễn viên hạng A tại Trung Quốc. 

"Nếu đạo diễn là người nấu rượu, mỗi một bộ phim là một bình rượu thì bình rượu lần này của Trương Nghệ Mưu được ủ lâu năm, hương vị tuyệt đỉnh. Từng cảnh quay đều đẹp đến mê người, toát lên vẻ đẹp hoàn hảo của nghệ thuật điện ảnh", một độc giả nhận xét về Kim Thập Lăng Hoa sau khi xem. 

Bộ phim lấy bối cảnh tại Nam Kinh năm 1937 khi cả thành phố rơi vào tay quân đội Nhật. Tại đó, có một nhóm nữ sinh Kim Lăng, một nhóm các cô kỹ nữ phong trần sông Tần Hoài, hai anh lính thoát ra từ đám xác chết và một vị giáo sĩ người Mỹ. Để bảo vệ những cô bé nữ sinh thoát khỏi sự cưỡng bức tàn ác của lính Nhật, cô kỹ nữ Ngọc Mặc (Nghê Ni đóng) đã chấp nhận hi sinh thân mình, dẫn đầu 12 kỹ nữ còn lại tham gia vào cuộc chiến với lính Nhật. 

Kim Thập Lăng Hoa bi hùng và cảm động đúng phong cách Trương Nghệ Mưu - 4

Kim Thập Lăng Hoa là một bộ phim chiến tranh bi hùng và cảm động. 

Sống cho riêng mình dường như đã trở thành bản năng của những con người trong thời chiến tranh loạn lạc nhưng trong Kim Thập Lăng Hoa, mọi nhân vật đều có cơ hội và sức mạnh để trở thành anh hùng. Từ những cô bé mới 13 tuổi, tới những cô kỹ nữ vốn bị xem thường trong xã hội, hay một vị cha sứ giả mạo cũng đều có những bản năng tốt đẹp và chỉ khi có cơ hội nó sẽ được bộc lộ. 

Bộ phim kết thúc bằng hình ảnh các cô kỹ nữ lên xe đi đến buổi tiệc của lính Nhật, nhân vật cha xứ John cùng các nữ sinh lên xe tải đi về hướng Tây, chạy trốn khỏi Nam Kinh. Hai nhóm người đi hai cung đường khác nhau, trong tim họ đều mang những nỗi niềm riêng.

Hình ảnh con đường nhỏ đầy cát bụi, ánh mặt trời hiu hắt pha chút u ám và những giọt những nước mắt lăn dài trên gương mặt cha sứ khiến khán giả thấy thê lương. Đó chính là cái giá của chiến tranh khi nó chỉ mang lại những đau khổ, chia ly và đổ máu. 

Kim Thập Lăng Hoa bi hùng và cảm động đúng phong cách Trương Nghệ Mưu - 5

Christian Bale chia sẻ, anh rất vui khi được cộng tác với đạo diễn tài năng như Trương Nghệ Mưu. 

Kim Thập Lăng Hoa mang phong cách đặc trưng của đạo Trương Nghệ Mưu với những cảnh quay đặc tả, chậm rãi, tập trung vào gương mặt của nhân vật khiến khán giả cảm thấy sâu lắng, ám ảnh. Âm nhạc cũng là một phần nổi bật trong các tác phẩm của đạo diễn họ Trương và trong Kim Thập Lăng Hoa, tiếng đàn tì bà bi thương của các cô kỹ nữ khiến người xem xúc động.

Kim Lăng Thập Tam Thoa, một bộ phim chiến tranh, được thể hiện một cách bi hùng và cảm động đúng phong cách của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Con người ai cũng có quyền ích kỉ trước sự sống chết của mình, nhưng đứng trước những thời khắc quan trọng, người ta có thể vượt qua những toan tính cá nhân để chấp nhận hi sinh cho người khác. 

Ranh giới giữa cái tốt và cái xấu thực sự rất mong manh. Có những người ta coi là xấu xa, thấp hèn nhưng trong những khoảnh khắc lịch sử, họ sẵn sàng hi sinh hạnh phúc cá nhân để mang lại sự sống cho người khác, và trở thành những người anh hùng như 12 cô kỹ nữ trong phim.

Kim Thập Lăng Hoa bi hùng và cảm động đúng phong cách Trương Nghệ Mưu - 6

Nhờ thành công của Kim Thập Lăng Hoa, Nghê Ni đã vươn lên ngôi vị ngôi sao hạng A của làng giải trí Hoa ngữ. 

Hay như vị mục sư "giả" John cũng có thể trở thành người hùng, dám đứng lên chống lại quân Nhật khi đứng trước sự tàn ác của quân Nhật với những bé gái đáng tuổi con mình ngay trong tu viện. 

Một cái kết mở với tất cả các nhân vật trong Kim Lăng Thập Tam Thoa khiến khán giả theo dõi bộ phim nặng lòng. Không ai biết rằng, số phận các kỹ nữ khi lọt vào tay quân Nhật sẽ thế nào, cuộc sống của 13 bé gái khi thoát khỏi tu viện ở Nam Kinh rồi sẽ về đâu, họ có thể quên được những ký ức đau lòng và ám ảnh mà quân Nhật đã gây ra cho đồng loại. Tất cả đều là những câu hỏi ngỏ mà khán giả có thể tự tìm câu trả lời cho riêng mình. 

Trong cuộc xâm chiếm Nam Kinh của lính Nhật vào năm 1937 - 1938, hàng chục nghìn phụ nữ Trung Quốc đã bỏ mạng và bị hãm hiếp. Tác giả của cuốn tiểu thuyết Nghiêm Ca Linh tiết lộ, bà có cảm hứng viết sách sau khi đọc được một bài báo cáo có thật của một mục sư người Mỹ tại một trường đại học ở Nam Kinh. Cả đời vị mục sư này bị ám ảnh khi ông quyết định hi sinh những cô gái kỹ nữ để thay thế cho các nữ sinh. 

"Những dòng trong cuốn tự truyện của mục sư đã khiến tôi cảm động và quyết thực hiện cuốn tiểu thuyết này. Những kỹ nữ đã hi sinh để bảo vệ những linh hồn bé nhỏ, non nớt. Đó là một hành động anh hùng", tác giả Nghiêm Ca Linh chia sẻ. 

Những thước phim bi hùng và cảm động trong "Kim Thập Lăng Hoa"