Kim Ngân - người xây tổ ấm
Có hàng ngàn cái tổ "lạnh" đã được trực tiếp hay gián tiếp làm ấm hay bỗng trở nên "nóng" từ tâm huyết của người phụ nữ - nhà báo Kim Ngân - "nhạc trưởng" của chương trình "Người xây tổ ấm". Nhân dịp ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), chị tâm sự về công việc của một người làm báo hình.
Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải mạnh tay hơn, cương quyết hơn với nạn mại dâm. Lúc nào chúng ta cũng chỉ chống tệ nạn xã hội một cách “lấp ló”. Báo chí, truyền hình tuyên truyền nhiều, nói nhiều, nhưng có lẽ chỉ đến chương trình "Người xây tổ ấm", khán giả mới thực sự thấy được nạn mại dâm nó khủng khiếp ra sao và bẩn thỉu như thế nào.
Chương trình đã nhận được sự phản hồi mạnh mẽ từ phía khán giả. Cũng có người nói rằng cần phải dành cho họ một lối về, một con đường để hoàn lương, chẳng qua cũng chỉ tại hoàn cảnh… Xin thưa, nếu họ biết họ đang phá tan hạnh phúc của biết bao mái ấm, nếu họ thực sự biết nghĩ thì họ đã nghĩ trước khi làm cái công việc này.
Hoàn lương ư? Trại cải tạo ư? Cứ thả ra một ngày là các cô gái lại “ngựa quen đường cũ” ngay. Tôi sẽ còn làm mạnh tay hơn nữa, quyết liệt hơn nữa. Tôi sẽ trở đi trở lại đề tài này. Sẽ có một chương trình Người xây tổ ấm - ở đó một bà chủ chứa kiêm gái mại dâm ngồi kể chuyện, và một chương trình khác - một người đàn ông từng dối lừa vợ đi mua dâm ngồi tâm sự… Tôi nhất định sẽ làm những chương trình như thế!
Bằng cách nào chị đã thuyết phục được những nhân vật như thế lên hình tâm sự? Có sự dàn xếp, dựng cảnh hay diễn xuất nào ở đây không?
Khán giả ở ta đã quá no nê với những điều hình thức. Chỉ có sự chân thực mới thuyết phục được công chúng, chỉ có sự chân thực mới giúp Người xây tổ ấm khẳng định được mình trong 5 năm qua.
Với những gia đình được ca ngợi, thì dễ thuyết phục. Nhưng với những nhận vật có vấn đề như một người từng tiêm chích ma tuý, một người đi tù về tu chí làm ăn, một bệnh nhân HIV, tôi phải nói với họ rất chân tình: “Các anh các chị hãy kể ra những câu chuyện lầm lỡ của mình. Cuộc đời ai cũng có những giây phút lầm lỡ như thế. Kể ra, các anh các chị sẽ thấy nhẹ lòng. Tôi là người chia sẻ tốt nhất. Hơn thế, câu chuyện của các anh các chị sẽ là bài học cho nhiều người trong xã hội. Biết đâu nó sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh với người ta? Hãy giúp họ, đừng để họ sa chân vào những con đường lầm lạc như các anh các chị đã từng đi và đã từng bị trả giá”.
Tôi đến với nhân vật của tôi bằng sự chia sẻ và thật lòng tôi muốn giúp họ.
Nhưng có một số khán giả nhận xét rằng chị có phong cách dẫn chương trình hơi… vô cảm. Lúc nào cũng tưng tửng, dù đó là một câu chuyện buồn đến mấy. Chị có sợ điều ấy sẽ bất lợi cho chị?
Có một số MC lên chương trình để khẳng định cái tôi của mình, nói nhiều, khoe khiến thức… đó không phải là cách của tôi. "Người xây tổ ấm" là chương trình để cho nhân vật lên tiếng. Tôi chỉ đơn thuần là người dẫn chuyện giữ vai trò trung gian đưa nhân vật của mình đến với khán giả. Tôi có thể khóc với nhân vật, chia sẻ với nhân vật những niềm vui nỗi buồn của cuộc sống. Nhưng khi lên hình, tôi phải chế ngự được tình cảm của mình. Tôi càng mờ nhạt, nhân vật càng nổi bật – tôi nghĩ đó là sự thành công của mình.
Chị đi làm bằng ôtô, có một người chồng yêu vợ hết mực và những đứa con ngoan ngoãn. Vậy chị chia sẻ với những người cơm ăn không đủ no, những người vợ bị chồng bạo hành ngược đãi, những người mẹ bị đứa con bất hiếu đánh đập… bằng cách nào?
Tôi là một nhà báo. Và tôi nghĩ, với một chương trình điều quan trọng không phải là chuyện được phát sóng, mà là những dư âm của chương trình ấy. Tôi đến với các nhân vật của tôi bằng sự chân thành. Và họ đáp lại tôi bằng sự chân thành. Tôi làm chương trình về những người nghèo gây xúc động tới hàng ngàn khán giả không nhất thiết tôi phải là một người nghèo, chỉ cần tôi nói lên được tiếng nói của người nghèo bằng sự chân thành và trách nhiệm.
Trước khi làm báo hình, chị đã có một thời gian làm báo viết. Đó là hai công việc hoàn toàn khác nhau. Chị cảm thấy lĩnh vực nào thú vị hơn?
Tôi du học ở Nga môn lịch sử, quen nhà tôi, yêu và cưới. Chúng tôi có hai cậu con trai. Cuộc sống gia đình êm ấm và yên ả. Về nước, chồng tôi là người kiếm chính, anh không muốn tôi phải bươn chải vất vả. Do vậy, tôi ở nhà chăm lo cho gia đình. Thỉnh thoảng, rảnh rỗi, tôi ngồi tập viết báo rồi gửi bài đến các toà soạn như báo Tiền Phong, báo Thanh Niên, báo Tuổi trẻ… Và rất ngạc nhiên là bài nào cũng được đăng. Biết tôi ở nhà mãi thế cũng buồn nên ông xã có nhờ vài người quen trong Đài truyền hình giới thiệu vào làm. Vậy là tôi vào Đài.
Mới đầu, tôi chỉ nghĩ mình làm một “chân” thư viện, văn thư nào đó thôi. Công việc nhàn, sáng đi chiều về cho người nó vận động một chút. Ai ngờ, người đầu tiên tôi gặp khi vào Đài là chị Nguyên Hạnh - người chỉ biết có công việc và công việc. Tôi bị cuốn vào guồng máy đó. Chị Nguyên Hạnh nảy ra ý tưởng làm một chương trình về mái ấm gia đình, tôi theo giúp các chị. Ít lâu sau, chị Hạnh chuyển sang công việc khác. Tôi đứng nhận đảm đương chương trình với tên gọi ''Người xây tổ ấm''.
Theo tôi, báo viết hay báo hình đều có những thú vị riêng, những cái khó khăn riêng… Điều quan trọng là nhà báo phải có trách nhiệm và tình yêu với những gì mình viết, với những gì mình làm. Cũng như một chương trình truyền hình, điều quan trọng không phải là việc được phát sóng hay không mà là dư âm sau mỗi lần phát sóng.
Đến giờ ‘’Người xây tổ ấm’’ đã phát sóng được hơn 5 năm, tới đây chương trình có sự thay đổi gì không, thưa chị?
Tôi nghĩ, quan trọng nhất vẫn là đề tài nên đầu tư lớn cho việc tìm kiếm. Phải là những đề tài hay, bám sát cuộc sống và có sức lay động với đời sống xã hội. Nhưng tất nhiên, cũng sẽ phải có những thay đổi về mặt thể hiện. Chúng tôi đang dự định, không chỉ thực hiện những cuộc phỏng vấn ở trường quay, mà bên cạnh đó sẽ có những chương trình được thực hiện ngay tại hiện trường - ngay tại gia đình của nhân vật. Như thế sẽ sống động, chân thực hơn. Nhưng vì điều kiện chưa cho phép, có lẽ trước mắt chúng tôi sẽ thực hiện xen kẽ, cứ một chương trình tại trường quay, lại đến một chương trình tại hiện trường… Chắc chắn trong năm 2005, khán giả truyền hình sẽ được xem Người xây tổ ấm được thể hiện trong một hình thức mới!
Gần tới ngày lễ dành cho những người làm báo, chị hẳn nhận được rất nhiều lời chúc của bạn bè, của chồng, con và cả những nhân vật mà chị từng gắn bó, chia sẻ?
Đến bây giờ chồng tôi vẫn ngạc nhiên với những gì tôi đã làm được. Không phải tôi tự kiêu đâu, nhưng đúng là phải sống, phải xông pha bạn mới nhận ra được hết giá trị của mình. Ngày nhà báo, tôi được chúc công tác tốt hơn nữa, làm nghề nhiệt tình năng động, hơn nữa. À, chồng tôi còn chúc tôi có thêm sức khoẻ, bởi tôi nhìn thế này thôi nhưng lại rất yếu. Ngày nhà báo, tôi xin gửi lời chúc mừng tới tất cả các đồng nghiệp! Và xin cảm ơn các nhân vật của tôi.
Cảm ơn chị, chúc Người xây tổ ấm sẽ thành công hơn nữa!
Theo Thu Hương
Netmode