Khi ca sĩ thị trường hát... "nhạc đỏ"
Lâu nay, khán giả vẫn quen với việc những ngôi sao hàng đầu của dòng nhạc thị trường thi nhau hát các ca khúc bi lụy, não tình với tóc tai rườm rà, trang phục màu mè, ít ai hình dung lại có lúc họ mặc áo lính, đầu đội mũ tai bèo để hát "nhạc đỏ", dòng nhạc cách mạng mà lâu nay đa phần chỉ có thế hệ cha anh gồng gánh.
Hát "nhạc đỏ" chưa chắc đã vì... yêu
Các ca sĩ hát "nhạc đỏ" hiện nay chưa đến mức trở thành trào lưu nhưng cũng đủ tạo nên "làn sóng mới". Đầu tiên phải kể đến ca sĩ một thời tưng bừng với nhạc Hoa lời Việt - Đan Trường. Sau thử nghiệm khá thành công với ca khúc mang hơi thở cội nguồn - Dòng máu Lạc Hồng, Đan Trường đã xuất hiện trên sân khấu cũng như các album với nhiều ca khúc sục sôi một thời như Phương Thanh hát Đất nước, Phi Hùng hát Thành phố của tôi, Mỹ Lệ hát Vì đâu em chết...
Có một điều rất dễ nhận thấy là các ca sĩ quay sáng hát "nhạc đỏ" chưa chắc đã phải vì yêu, vì mê, vì đau đáu với dòng nhạc này như những giọng ca gạo cội trước đây. Họ hát "nhạc đỏ" đơn giản vì nhạc thị trường không còn "ăn khách" nữa, họ hát "nhạc đỏ" khi mà nhiều bài hát thị trường cứ na ná nhau, lộ rõ sự nhạt nhẽo vô vị, thậm chí vô cảm.
Họ tự nhận ra rằng không thể cứ quanh quẩn mãi với thứ nhạc "thất tình", nên họ tìm đến với dòng "nhạc đỏ" vĩnh cửu, cố gắng thổi vào đó một phong cách mới, một sức sống mới. Sự thay đổi này cũng là để giữ lại một lượng không nhỏ khán giả trẻ đang bắt đầu quay lưng với dòng nhạc thị trường.
Hát "nhạc đỏ", đâu phải dễ
Khi chuyển sang hát "nhạc đỏ", các ca sĩ thị trường vấp phải những trở ngại không nhỏ. Giải nhất Opera khu vực ASEAN năm 2002, Bích Thủy từng nói: "Hát "nhạc đỏ" rất khó, nó đòi hỏi ca sĩ thể hiện bài hát phải có sự am hiểu về kỹ thuật thanh nhạc".
Trong khi đó, phần lớn các ca sĩ thị trường lại đi lên từ phong trào quần chúng, hoặc các trung tâm lăng xê ca sĩ. Thậm chí có người "một chữ bẻ đôi" về kỹ thuật thanh nhạc cũng không có. Họ đã quen với kiểu hát bản năng, miễn sao cho khớp lời với nhạc là được nên đương nhiên khi quay sang hát "nhạc đỏ" họ sẽ gặp nhiều khó khăn khi xử lý kỹ thuật bài hát.
Một áp lực nữa đối với các ca sĩ thị trường khi hát "nhạc đỏ" là cảm giác sợ bị đem ra so sánh với những ca sĩ đã rất thành công của dòng nhạc này. Họ thường bị đưa lên bàn cân và đương nhiên là sẽ... thua và khó được công chúng chấp nhận. Nhưng bù lại những thiệt thòi ấy, họ lại có một điểm tựa khác đó là lực lượng fans hùng hậu luôn trung thành với thần tượng của mình.
Một chủ cửa hàng băng đĩa trên Phố Huế cho biết: "Lúc đầu nhập đĩa "nhạc đỏ" của các ca sĩ thị trường tôi cũng lo lo vì sợ không bán được, nhưng không ngờ các fans của những "sao" này rất hưởng ứng và bán chạy. Ngoài ra có cả những người trung tuổi cũng hỏi mua vì họ muốn thử nghe xem các ca sĩ thị trường hát "nhạc đỏ" như thế nào...".
Hiện có nhiều ý kiến trái ngược nhau về việc ca sĩ thị trường quay sang hát "nhạc đỏ". Người thì cho rằng các ca sĩ đang tự "gạch sổ" tên tuổi của mình khi nhảy vào dòng nhạc vốn "rất kén người nghe" này. Có người lại chỉ trích nặng nề hơn: "Không nên để các ca sĩ thị trường hát "nhạc đỏ" vì sợ rằng họ sẽ làm hỏng dòng nhạc đáng trân trọng này".
Theo An Ninh Thủ Đô