"Khai mở cảm xúc" và "Khai mở hạnh phúc" giúp bạn hiểu rõ nội tâm của mình
(Dân trí) - Hai cuốn sách của Emma Hepburn mang đến những trải nghiệm, dẫn dắt người đọc vào thế giới nội tâm, nhiều cảm xúc của con người.
Trong thời đại biến động như hiện nay, chúng ta được dạy nhiều kỹ năng để "bắt kịp" thế giới, nhưng dường như ít có ai dạy ta cách khai mở chính mình. Để rồi, nhiều người dần cảm thấy xa lạ với cảm xúc của bản thân, thậm chí là có những lầm tưởng sai lầm về hạnh phúc.

Hai cuốn sách "Khai mở cảm xúc" và "Khai mở hạnh phúc" của bác sĩ tâm lý Emma Hepburn (Ảnh: First News).
Trong bộ sách Khai mở cảm xúc (A toolkit for your emotions) và Khai mở hạnh phúc (A toolkit for happiness), bác sĩ tâm lý Emma Hepburn sẽ dẫn dắt chúng ta bước vào hành trình khai mở thế giới bên trong: Từ cảm xúc hình thành, vận hành, cho đến cách nhận diện hạnh phúc và ở lại với nỗi buồn mà không để nó nhấn chìm mình.
Sẽ ra sao nếu con người không còn cảm xúc tồi tệ?
Có một sự thật thú vị là chúng ta có nhiều từ để gọi các cảm xúc tiêu cực hơn cảm xúc tích cực. Nhưng dù có nhiều cách để gọi, ta lại có xu hướng ít nói về cảm xúc tiêu cực, thậm chí là tránh né hoặc đẩy chúng ra xa. Nhưng sẽ ra sao nếu có một ngày con người không còn cảm xúc tiêu cực?
Emma Hepburn cho rằng chính những cảm xúc không dễ chịu ấy lại là phần thiết yếu trong cơ chế sinh tồn của con người. Nếu không còn lo lắng, chúng ta sẽ không cân nhắc rủi ro. Nếu không biết sợ hãi, ta sẽ không tránh khỏi nguy hiểm. Nếu không còn mệt mỏi hay buồn đau, ta sẽ chẳng biết nghỉ ngơi khi bệnh tật đến, chẳng biết xót xa khi ai đó rời xa.
Một thế giới không có cảm xúc tiêu cực sẽ là một thế giới mà con người thờ ơ trước nỗi đau, không biết đồng cảm, không biết yêu thương. Và lúc này, niềm vui cũng sẽ trở nên vô nghĩa bởi vì không có gì để so sánh nên thật khó để nhận ra cảm giác dễ chịu và hài lòng.
Tự thân cảm xúc không hề tốt hay xấu. Chúng là một phần không thể thiếu trong cấu trúc con người. Chúng không chỉ đơn thuần là niềm vui hay nỗi buồn mà là vô vàn trạng thái giao thoa, đôi khi mâu thuẫn, đôi khi trộn lẫn đến mức chính ta cũng không gọi tên được.
Nhưng bất kể hình hài nào, cảm xúc luôn mang một vai trò không thể thay thế: Chúng giúp ta sống, cảm, phản ứng và kết nối. Khi ta cố gắng phủ nhận một cảm xúc tiêu cực, đồng nghĩa với việc ta đang chối từ chính mình. Và chính hành vi này mới thật sự khiến ta kiệt sức, xa rời hạnh phúc.
Trong Khai mở cảm xúc, Emma Hepburn ví đời sống cảm xúc như một chuyến tàu lượn siêu tốc - có lúc lên vút tận trời xanh, có khi rơi tự do không phanh. Và mỗi người đều có chuyến tàu riêng, vận hành theo những ký ức, trải nghiệm, tổn thương và bản chất độc nhất của mình.
Ta không thể điều khiển hoàn toàn đường ray, nhưng ta có thể học cách ngồi vững vàng hơn trong những khúc cua nghiêng ngả. Điều quan trọng là nhận diện, hiểu và đồng hành với từng cảm xúc, kể cả những cảm xúc khó chịu như giận dữ, lo âu, thất vọng, buồn bã.
Khi ta đủ dịu dàng và kiên nhẫn, cảm xúc sẽ trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy thay vì kẻ thù khiến ta chệch hướng.

Bác sĩ tâm lý Emma Hepburn (Ảnh: First News).
Như Emma đã khẳng định, cảm xúc là nhân vật trung tâm trong câu chuyện của bạn, chứ không chỉ là tình tiết nhỏ hay một dòng phụ chú. Chúng là yếu tố vốn có trong ký ức, phản ứng, kế hoạch cho tương lai, cách ứng xử, sự kết nối và hơn hết là sự sống còn.
"Việc ta hiểu và phản ứng thế nào với cảm xúc của mình rất quan trọng, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc cả đời. Một khi hiểu được cảm xúc, ta sẽ có thể đưa ra những quyết định phù hợp cho những điều quan trọng, giúp giải quyết những tác nhân gây căng thẳng mà cuộc sống ném vào con đường ta đi và giúp ta tìm thấy ý nghĩa cuộc đời", Emma cho biết.
Phá bỏ những lầm tưởng về hạnh phúc
Có thể thấy, việc thấu hiểu cảm xúc là một phần quan trọng để ta sống hạnh phúc. Nhưng có phải chỉ cần khai mở được cảm xúc thì ta sẽ mãi mãi hạnh phúc, sẽ không bao giờ cảm thấy đau khổ nữa không?
Rất tiếc, câu trả lời là không. Chính Emma Hepburn đã thừa nhận rằng bản thân cô "không phải lúc nào cũng hạnh phúc" ngay từ những trang đầu tiên của Khai mở hạnh phúc.
Cô nói: "Sẽ cực kỳ đạo đức giả nếu vờ như mình lúc nào cũng hạnh phúc. Tệ hơn nữa, việc đó sẽ củng cố thêm cho những lầm tưởng về hạnh phúc vẫn rì rầm xung quanh ta, ăn sâu vào niềm tin, suy nghĩ và hành vi của ta".
Ngẫm lại, có vẻ lâu nay chúng ta vẫn thường tiếp xúc với những quan điểm có phần sai lầm về hạnh phúc. Lúc nhỏ, ta đọc những câu chuyện cổ tích với đoạn kết "Họ hạnh phúc mãi mãi về sau".
Lớn lên, ta lại nghe nói, hạnh phúc là một điểm đến mà ta không thấy đau khổ hay thất vọng nữa.
Những lầm tưởng về hạnh phúc xuất hiện nhan nhản trong các thông điệp mà chúng ta tiếp nhận từ xã hội: Từ quảng cáo, phương tiện truyền thông cho đến những câu chuyện kể, những dòng chia sẻ trên mạng xã hội… Và chính những điều này đã ảnh hưởng đến cách ta nghĩ về hạnh phúc và cách ta cố gắng để có được hạnh phúc.
Như tác giả Emma đã chỉ ra trong cuốn sách Khai mở hạnh phúc: "Xã hội nói: hãy mua sắm nhiều hơn, kiếm nhiều tiền hơn, được thăng chức, bận rộn, luôn luôn vui vẻ, đạt được nhiều thành tựu hơn và nhất định không bao giờ được thất bại. Nếu hiện tại bạn đã làm được tất cả những điều đó thì hãy phấn đấu nhiều hơn nữa.
Nhưng trớ trêu thay, việc phấn đấu để đạt được những điều này thường không khiến chúng ta hạnh phúc, mà ngay cả khi thật sự làm được, hầu như chúng ta cũng không bao giờ cảm thấy hạnh phúc. Nhưng những niềm tin xã hội đó vẫn thúc đẩy các quyết định, hành vi và niềm tin của chúng ta. Chúng là lý do khiến chúng ta thường tìm kiếm hạnh phúc không đúng chỗ".

Hai cuốn sách của Emma Hepburn dẫn dắt người đọc vào thế giới nội tâm nhiều cảm xúc (Ảnh: First News).
Trong Khai mở hạnh phúc, Emma Hepburn chọn cách mô tả hạnh phúc như một chiếc bánh kẹp mà chúng ta ăn hàng ngày.
Phần đế là những điều căn bản ta thường bỏ quên như ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, uống đủ nước, không gian an toàn để thở… Lớp nhân là những điều mang lại niềm vui, cảm hứng, ý nghĩa sống.
Mỗi người khác nhau sẽ có phần nhân khác biệt. Lớp bánh kẹp trên cùng là niềm tin của chúng ta.
Lớp bánh này tuy mỏng manh nhưng chi phối toàn bộ khẩu vị của chiếc bánh: Nếu ta tin rằng hạnh phúc là phải trọn vẹn và kéo dài mãi mãi, ta sẽ luôn thấy mình thiếu hụt; nhưng nếu ta hiểu rằng hạnh phúc là những khoảnh khắc nhỏ bé kết nối với chính mình và người khác, ta sẽ không còn mải miết tìm kiếm nó nữa.
Với góc nhìn sâu sắc, bác sĩ Emma Hepburn không chỉ giúp ta phá vỡ những lầm tưởng về hạnh phúc mà còn cung cấp cho ta bộ công cụ thiết thực để cải thiện và xây dựng hạnh phúc từ bên trong. Thay vì tô vẽ một đời sống toàn màu hồng, cô cho rằng, để hiểu được trọn vẹn hạnh phúc, ta cần hiểu được nỗi buồn và tất cả những cảm xúc phức tạp khác mà cuộc sống "ném" vào mình.
Suy cho cùng, "Hạnh phúc không phải là đích đến, nó chỉ là một nơi mà bạn ghé thăm trên đường đời" như Giáo sư Dan Gilbert đã từng nói. Thay vì kiếm tìm một đoạn kết hạnh phúc mãi mãi, ta có thể tận hưởng hạnh phúc trong những khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng sâu sắc.
Đó có thể là cảm giác yên lòng khi ở cạnh người mình thương. Là một sớm mai mở mắt ra và thấy mình vẫn còn sống, còn có cơ hội để yêu và sai. Là được ngồi dưới hiên nhà trong một buổi chiều gió mát mà không phải làm gì.
Hoặc có đôi khi, hạnh phúc chỉ đơn giản là lúc ta không còn bị những bất an giằng xé trong lòng.
Trong thời đại liên tục biến động và con người ngày càng bị tách rời khỏi chính mình, bộ sách Khai mở cảm xúc và Khai mở hạnh phúc của Emma Hepburn là một người bạn không thể thiếu đối với mỗi người.
Nếu bạn đang lạc lối trong những cơn lốc cảm xúc, hay mệt mỏi vì mãi chưa nắm bắt được hạnh phúc, có lẽ đây là lúc bạn nên dừng lại một chút, mở một trang sách và bắt đầu trò chuyện với chính mình.
Bác sĩ Emma Hepburn là một nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về tâm lý học thần kinh, có hơn 15 năm kinh nghiệm làm việc và điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đam mê của cô là đưa tâm lý học và thông tin sức khỏe tâm thần thực chứng vượt ra khỏi phạm vi phòng khám, đến với nhiều đối tượng hơn và khuyến khích mọi người chủ động chăm sóc sức khỏe tâm thần của mình.
Những tác phẩm có hình minh họa của cô đã được một số tổ chức sử dụng, bao gồm The American Association for the Prevention of Suicide (Hoa Kỳ), The Royal Society of Public Health and the Samaritans (Ấn Độ).
Tài khoản trên Instagram của cô có 134 ngàn người theo dõi, đã giành được giải thưởng Bronze Lovie (Best of European Internet) cũng như giải Peoples' Choice Lovie cho hoạt động truyền thông xã hội, được vào danh sách rút gọn cho giải Media Awards.