1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Jazzy Dạ Lam - vọng cổ khơi nguồn... jazz

"Tôi mong trong năm nay sẽ thực hiện được chuyến về thăm VN, chuyến lưu diễn tại Mỹ và hoàn thành album thứ hai với chủ đề “Hương cốm”, Jazzy Dạ Lam tâm sự qua e-mail.

Trong nghệ danh Jazzy Dạ Lam của Nguyễn Thảo Hương, Jazzy là tên do bạn bè online thân tình đặt cho. Từ Nhạc viện TPHCM, Thảo Hương trúng tuyển sang Nga học piano tại Mátxcơva(1989).

Nước Nga biến động, Thảo Hương sang Đức. Sau bảy năm bươn chải, cô nối lại con đường âm nhạc với khoa piano jazz Nhạc viện Richard Strauss ở Munich (1998). Bây giờ cô con gái yêu của nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã là một nhạc sĩ, ca sĩ kiêm nghệ sĩ piano ở châu Âu.

Năm 2005, Jazzy Dạ Lam hòa vào dòng chảy jazz trong nước. Với album Trăng và em (phát hành cả ở châu Âu và Mỹ), cô trở thành nghệ sĩ người Việt đầu tiên hòa âm và hát ca khúc của mình.

Chị theo đuổi những hình thức, thể loại âm nhạc nào?

Tôi thường muốn diễn đạt những cảm xúc bất chợt của mình một cách cô đọng qua âm nhạc, nên hình thức tôi thường làm là tiểu phẩm (hay ca khúc).

Thể loại pha trộn từ classic đến blues, jazz, pop, funk, soul, R&B và world music - tôi không rõ gọi là gì và cũng không muốn tự xếp mình vào hướng nào.

Chị đến với âm nhạc do ba mẹ định hướng?

Ba mẹ tôi đều hoạt động âm nhạc nên từ nhỏ tôi đã sống trong không gian đầy tiếng nhạc, rồi bị ngấm, bị mê. Lúc tôi mới 5 tuổi, mẹ dìu dắt những bước đầu tiên đến với âm nhạc, những buổi sáng mới mở mắt ôm gối ê a hát hai điệu thức đô trưởng, la thứ chạy lên chạy xuống, rồi hát các quãng như người ta luyện thanh.

Ngày ngày đạp chiếc xe mini chở tôi đến nơi làm việc để tập đàn, từng được nghe mẹ hát các bài Lý chiều chiều, Lý mười thương, Lý quạ kêu, Ru con... để tôi từ thuở đó đã mê mẩn cung oán của nhạc cổ miền Nam, yêu âm điệu trọ trẹ dễ thương của miền Trung;

Ba thường hát cho tôi nghe những bài hát của Gounod, Schubert, Mendelssohn..., đàn cho tôi nghe những âm điệu réo rắt của Paganini, Massenet, Piazzolla, Sarasate.

Nếu không có những điều đó từ ba mẹ thì chắc là tâm hồn tôi đã bị thiếu thốn, nghèo nàn lắm, đã không thể thưởng thức được trọn vẹn cái đẹp trong âm nhạc, và đã không có được nền tảng tốt cho tôi phát triển như hôm nay.

Ấn tượng mới nhất của chị vê âm nhạc VN?

Tôi chỉ mới về VN được một lần vào đầu năm 2004 sau mười mấy năm xa quê. Dù rất sợ nhưng chạy xe máy ở Sài Gòn là một cái thú của tôi trong những ngày ngắn ngủi đó.

Còn âm nhạc VN giờ đây rất đa dạng, ngoài những loại nhạc trẻ được phần đông giới trẻ yêu thích, còn thấy những nỗ lực làm mới rất đáng khích lệ của các nhạc sĩ sáng tác như Đỗ Bảo, Lê Minh Sơn, Quốc Trung..., các nhạc sĩ hòa âm như Phan Cường, Thanh Phương, Trần Mạnh Hùng, Trần Minh...

Các dòng nhạc như classic, jazz, new age, folklore, chill-out... được tìm tòi pha trộn với nhau đã mang lại một hơi thở mới cho nhạc Việt.

Chị có ý định đưa nhiều hơn yếu tố truyền thống vào tác phẩm của mình, và sẽ làm điều đó như thế nào?

Như đã nói qua ở trên, từ nhỏ xíu tôi đã mê các điệu lý, dân ca Nam-Trung-Bắc, lớn lên một chút còn được biết thêm về những làn điệu Tây nguyên, rồi nghe ca trù, nghe cải lương, tuồng chèo...

Tôi đã được ngấm những chất liệu này từ ngày còn rất nhỏ nên yêu vì thấy nó thật tuyệt. Tôi không có ý định đưa yếu tố truyền thống vào tác phẩm của mình theo cách đơn thuần... mix các thứ với nhau, mà những yếu tố đó đã nằm sẵn trong tôi. Âm nhạc tôi làm là thứ âm nhạc được thừa hưởng từ vốn quí đó.

Vì sao chị chọn chủ đề Trăng và em cho album đầu tay?

Trăng và em (1999) là tên một ca khúc tôi phổ thơ Nguyễn Tấn Đạt. Có thể nói nó là bài hát phản ánh được nhiều nhất cá tính âm nhạc và quan niệm về cái đẹp trong âm nhạc của tôi vào lúc đó.

Không hiểu sao các ca khúc của tôi thời gian ấy thường gắn liền với “đêm” và “trăng” từ những cảm xúc thật tự nhiên, nên chủ đề Trăng và em rất phù hợp và xuyên suốt album mà không phải mất thời gian khai triển gì cả.

Dù album chỉ mới đạt con số phát hành 3.000 bản nhưng tôi rất vui vì thật không ngờ lại được sự quan tâm của mọi người nhiều đến thế trong khi mình là một cái tên hoàn toàn xa lạ, chưa ai biết đến...

Trong album Trăng và em đặc biệt nhất có lẽ là Võng đêm (2003). Bài này khởi nguồn từ việc tôi hòa âm lại bản vọng cổ đầu tiên của VN Dạ cổ hoài lang. Trong lúc làm việc đó, tôi đã tình cờ tìm được chuỗi hòa thanh Gm7 - F#m9 - Em9 nằm dưới giai điệu của câu “sao nỡ phụ phàng”, và ngay lập tức bị hớp hồn bởi nét đẹp của nó.

Tôi đã say sưa đánh đi đánh lại những hợp âm này, rồi dùng mô-típ đó để phát triển thành đoạn nhạc sau này là điệp khúc của Võng đêm. Đầu tiên, tôi chỉ viết cho piano, sau đó muốn viết thêm lời để thành một bài hát ru vì nét đong đưa nhịp nhàng của đoạn intro gợi đến hình ảnh chiếc võng, cũng như vòng tay người mẹ bồng con, cho con bú thật tình tứ, gợi cảm...

Chị có ước muốn hoặc hoạch định gì cho năm nay?

Tôi mong trong năm nay sẽ thực hiện được chuyến về thăm VN, chuyến lưu diễn tại Mỹ và hoàn thành album thứ hai với chủ đề Hương cốm.

Theo Thiên Thạch
Tuổi trẻ