1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Hoàng Cúc: “Đôi lúc thấy buồn, thấy bất lực...”

(Dân trí) - Khi mắc bệnh Ba-dơ-đô (Basedow), Hoàng Cúc tưởng mình đã quỵ ngã. Chị lui vào hậu trường với công tác quản lý. Nhưng nhiều khán giả vẫn nhớ chị, nhớ Tám Bính của Bỉ vỏ với đôi mắt biết nói và nụ cười nửa miệng…

Có một thời, Hoàng Dũng- Hoàng Cúc là cặp đôi diễn xuất ăn ý nhất của màn ảnh nhỏ. Dường như bộ phim truyền hình nào thời ấy cũng có sự góp mặt của Hoàng Cúc. Trong nghiệp diễn của mình, Hoàng Cúc đã có được những vai để đời với phim truyền hình và sân khấu.

Đã vắng bóng nhiều năm nay, nhưng khán giả vẫn nhớ chị, và vẫn nhắc vai Tám Bính của bộ phim Bỉ vỏ (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Nguyên Hồng), một vai diễn thành công của Hoàng Cúc. Gặp lại chị giữa một buổi chiều đông giá lạnh, giữa toà biệt thự rộng thênh thang, nghe tiếng chị rất nhỏ tâm sự mới thấy trong trái tim người phụ nữ ấy chưa bao giờ thôi nồng nàn, chưa bao giờ tắt lửa với nghệ thuật…

Rất lâu không thấy Hoàng Cúc trở lại với phim trường vài sân khấu. Chị đã quyết tâm giã từ nghiệp diễn hay vì công việc quản lý quá bận rộn?

Năm năm trước, tôi bị bệnh Ba-dơ-đô (Basedow), đáng lẽ phải mổ ngay, nhưng khi ấy nhà hát tôi (Nhà hát kịch Hà Nội) đang lưu diễn tại miền Nam. Tôi diễn vai chính của vở nên không thể bỏ được. Nhà hát cũng không thể tìm được diễn viên thay thế. Vậy là khi đi lưu diễn xong, tôi đến bệnh viện thì bệnh đã ảnh hưởng vào tới tim. Chị gái tôi từng mất vì căn bệnh này. Tôi vẫn nhớ 10 năm chị ở nhà tôi, tận tay tôi chăm sóc cho chị. Vậy mà, chị không thể thắng nổi bệnh tật.

Giờ tôi cũng đã bị bệnh vào tim, đang điều trị, tôi không thể đứng trên sân khấu hoặc đi đóng phim được nữa. Cảm xúc khó tiết chế, lại thêm phần khó khăn khi đi đóng phim xa, nên dù không muốn tôi cũng đành phải gác lại nghề diễn của mình. Lý do không phải vì tôi làm lãnh đạo hay quản lý, nào có gì đâu, nhà hát tôi chẳng còn mấy người làm, thế hệ tôi, anh Hoàng Dũng cùng bảo ban nhau làm thôi.

Hơn nữa, thế hệ tôi cũng đã có tuổi rồi, phải nhường sân khấu cho thế hệ trẻ chứ! Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống.
 
Hoàng Cúc: “Đôi lúc thấy buồn, thấy bất lực...” - 1
Hoàng Cúc ngày xưa

Dù đó là quy luật tất yếu của cuộc sống, nhưng để nhận ra và thấu hiểu nó hẳn chị cũng không thể tránh khỏi cảm giác buồn phiền, hẫng hụt?

Tôi không buồn. Chỉ có một nỗi trĩu nặng về tâm tư nghề nghiệp thì có. Tôi vẫn hay xem phim Trung Quốc, Hàn Quốc hàng ngày, và thấy diễn viên người ta diễn xuất tài quá. Từ vai bà, vai mẹ đến các diễn viên trẻ, diễn xuất rất tinh tế, bộc lộ cảm xúc hết sức đời thường và chân thật. Không có cảm giác là mình đang xem phim, mà là đang xem cuộc sống diễn ra trên màn ảnh. Thế mới biết, tại sao điện ảnh của họ phát triển đến vậy.

Phim truyền hình Việt Nam hiện giờ vẫn còn nhiều chuyện phải bàn. Nghệ sỹ của chúng ta cũng còn mỏng, diễn xuất hạn chế, có lẽ bởi vốn sống “nghèo nàn”. Chúng ta làm cái gì cũng chưa tới. Tôi nghĩ, giữa bối cảnh khó khăn như vậy thì tôi có tham gia hay không, có đóng phim nữa hay không, cũng chẳng thay đổi được gì. Điều quan trọng là, người nghệ sỹ đã để lại hình bóng của mình như thế nào qua từng vai đã diễn, thế thôi.

Tôi chỉ còn đau đáu với sân khấu. Mỗi lần công tác vào Nam, nhìn thấy Hồng Vân, Thành Lộc làm sân khấu mà tôi buồn da diết, khắc khoải với tình hình sân khấu phía Bắc. Tôi cứ ước ao được làm nghề như Hồng Vân, như Thành Lộc. Nếu sân khấu phía Bắc có đất dụng võ như vậy, tôi sẵn sàng vứt bỏ tất cả để làm nghề.

Nhắc đến sân khấu phía Bắc lâu nay, giới trong nghề vẫn thở dài vì bế tắc. Đã hô hào xã hội hoá, đã rậm rịch chuyện tự dựng vở, tự kiếm sống, nhưng xem ra sân khấu vẫn là… “thung lung hoang vắng”. Nếu so sánh với nhà hát Tuổi trẻ, nhà hát kịch Hà Nội xem ra càng cám cảnh hơn. Là phó giám đốc nhà hát kịch Hà Nội, chị nghĩ lý do chính yếu nào đã khiến sân khấu đáng buồn đến thế?

Có nhiều lý do khiến sân khấu rơi vào tình trạng như bây giờ. Cả năm trời chúng tôi duyệt kịch bản, kịch bản hay cực kỳ hiếm. Thêm nữa, khán giả phía Bắc lại rất… lười. Cũng có lẽ bởi cuộc sống còn khó khăn, người ta còn mải mê lo kiếm kế sinh nhai, nên chẳng ai đoái hoài đến sân khấu.

Tôi vẫn hy vọng, như ông bà ta xưa vẫn nói “Phú quý sinh lễ nghĩa”, đến khi cuộc sống đủ đầy hơn, giàu có hơn, người ta sẽ lại đến xem sân khấu. Nhìn cuộc sống phương Tây, ở Anh, ở Pháp, khán giả xếp hàng từ trước ba tháng để mua một vé xem sân khấu. Đến một lúc nào đó, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cao hơn, khán giả chắc chắn sẽ lại tìm về với sân khấu.

Hiện tại, nhà hát Tuổi trẻ rất năng động, nhạy bén, đã dựng những chùm hài kịch để bán vé. Nhà hát tôi cũng mới có Cười ơi!, Mối tình Osin… Nhưng tôi xin khẳng định, bởi vì sân khấu đang rơi vào vụ làm ăn thất bát nên các nhà hát mới phải duy trì bằng những tiểu phẩm thất bát như vậy, đó không phải là sân khấu.

Lê Khanh trở thành NSND là bởi những vai chính kịch có tầm của Khanh trong các vở Vũ Như Tô, Con cáo và chùm nho, Nhà búp bê… chứ không phải bằng Đời cười! Sân khấu chính thống phải cần có những vở chính thống. Người làm nghệ thuật nếu cứ chạy theo thị hiếu khán giả, sẽ có lúc khán giả tự thấy nhàm chán. Bởi thế, chúng ta phải định hướng khán giả.

Tôi vẫn nghĩ, cách dựng tiểu phẩm hài chỉ là làm ăn mùa vụ, “ăn xổi” để duy trì sự sống thôi, đến một lúc nào đó, sân khấu sẽ trở lại với đúng vị trí, đúng diện mạo của nó. Điều đó cần đến sự nỗ lực không ngừng của những người làm sân khấu… Nhưng tôi có cảm giác, bây giờ hình như không có ai dám sống hết mình, làm nghề hết mình cả.
 
Hoàng Cúc: “Đôi lúc thấy buồn, thấy bất lực...” - 2
NSƯT Hoàng Cúc bây giờ

Trong số những người không dám sống hết mình, không dám làm nghề hết mình ấy, có chị không?

À, tất nhiên! Đó là một guồng quay của cuộc sống rồi bạn! Ai cũng sợ một tý, ngại một tý, khó khăn một tý… Khi nhà hát Hà Nội vào Nam lưu diễn, tất cả các nghệ sỹ trong nhà hát, từ anh Hoàng Dũng, tôi, chị Minh Hoà, Minh Vượng đến Trung Hiếu, Kiều Thanh… đều phải đi bán vé. Lần ấy chúng tôi thắng lợi, vé bán hết, rạp đông khán giả. Nhưng nếu để có được thắng lợi, cứ dựng xong vở các nghệ sỹ lại cần mẫn đi bán vé, thử hỏi, ai không thấy mệt mỏi?

Khán giả trách sân khấu không còn hấp dẫn, xem ra các nghệ sỹ cũng có rất nhiều điều để trách khán giả?

Mỗi lần đến giờ diễn, chúng tôi thỉnh thoảng hay chạy ra cánh gà đếm khán giả. Tôi nhớ có lần, nhà hát tôi đi diễn Tết, chẳng có mấy người xem, nhưng chúng tôi vẫn quyết định diễn vở. Đang diễn, bỗng có mấy khán giả nói to “Thôi đừng diễn nữa, hát đi”… Đúng là, chảy nước mắt. Tôi chảy nước mắt thật.

Cũng có đêm chúng tôi đi diễn, mưa to gió lớn quá, không diễn được phải về. Tôi bèn bỏ tiền mời cả đoàn đi ăn một bữa thịt chó giải đen. Về đến nhà hát, anh Giám đốc đùa “Chị ghê thật đấy, lại còn bỏ tiền mời cả đoàn đi ăn”, nhưng có đi cùng mới hiểu, diễn viên bị huỷ Suất diễn là không có tiền, và khổ thân, chuẩn bị từ chiều có kịp ăn gì đâu, đến sát giờ lại không được diễn...

Tôi không trách khán giả, tôi không bi quan về tương lai của sân khấu, tôi tin đến một thời điểm nào đó, hội tụ được những điều kiện tốt, sân khấu sẽ trở lại đúng vị trí sang trọng của nó.
 
Hoàng Cúc: “Đôi lúc thấy buồn, thấy bất lực...” - 3
Chị từng là gương mặt đẹp nhất màn ảnh nhỏ VN một thời

Nghe chị kể về sân khấu, thấy đời nghệ sỹ vất vả, cực nhọc. Nhưng chị thì đi xe hơi, ở nhà lầu… Ai dám tin chị chỉ sống chết với sân khấu?

Có một thời gian cực khổ quá, nhà hát chẳng có việc làm, anh chị em nghệ sỹ gần như giải tán. Tôi cũng đã định chuyển nghề. Hồi ấy, ai cũng cố mở một cửa hàng kinh doanh nào đó để kiếm thêm. Tôi mở cửa hàng cho thuê áo cưới, rồi còn buôn cả long nhãn, sau đó, có được chút vốn tôi mua mấy mảnh đất. Không ngờ, giá đất bất ngờ lên, vậy là tôi có thêm được chút tiền. Cũng là may mắn cả. Tôi thấy mình may mắn khi chưa bao giờ phải nhọc nhằn với chuyện kiếm sống, sinh nhai.

Vậy mà nhìn chị, nhiều người lại nói rằng, Hoàng Cúc- hồng nhan mà bạc phận?

Hạnh phúc hay không là do quan điểm của mỗi người. Với người này, giàu sang, phú quý là hạnh phúc, nhưng với người kia lại không phải. Đâu có quan niệm chuẩn nào dành cho “bạc phận” hay “hạnh phúc” đâu?

Hạnh phúc với chị là gì?

Tôi tự tin với cuộc sống của mình. Nếu cần có một người đàn ông thực sự cho mình, thì đó phải là một người bản lĩnh, thông minh, hiểu biết, đường hoàng, một người xứng đáng để mình yêu thương, quý trọng. Còn nếu không tìm được người như vậy, thì cũng không cần. Đôi lúc thấy buồn, thấy bất lực, cũng tự hỏi không biết ngày mai mình sẽ ra sao, nhưng tôi nghĩ, sống ở đời, ai cũng có lúc như vậy. Nếu biết cách hoá giải những nỗi buồn, sẽ tìm được sự thanh bình, yên ổn cho bản thân.

Mấy hôm trước, tôi đi xe đi làm, suýt bị xe tải đâm. Trở về nhà, tôi phải cảm ơn trời đất. Bây giờ ra đường, cứ một đoạn lại thấy có tai nạn giao thông. Hạnh phúc có khi chỉ là thấy được sự bình yên hiện hữu trong ngôi nhà của mình.
 
Hoàng Cúc: “Đôi lúc thấy buồn, thấy bất lực...” - 4
Hạnh phúc có khi chỉ là nhìn thấy sự bình yên còn hiện hữu trong ngôi nhà mình...

Hiền Hương