HDV bơi lội người Anh chỉ cách phòng, chống đuối nước và dạy bơi cho trẻ

Tô Sa

(Dân trí) - Trong cuốn sách, nhóm tác giả khuyến nghị 4-5 tháng là độ tuổi lý tưởng nhất để trẻ làm quen với nước trong lúc tắm, còn trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi thường sợ nước hơn.

Nhà xuất bản Phụ nữ liên kết Công ty Quảng Văn phát hành cuốn sách Dạy trẻ tập bơi và cách phòng, chống đuối nước của nhóm tác giả Susan Meredith, Carol Hicks và Jackie Stephens - những chuyên gia bơi lội và huấn luyện viên Hiệp hội bơi lội nghiệp dư, Trung tâm thể thao quốc gia Crystal Palace.

Tác phẩm do dịch giả Lộc Diệu Linh chuyển ngữ, có khoảng 200 hình minh họa sống động, cụ thể cho từng nội dung, kỹ thuật, động tác bơi lội và phòng, chống đuối nước. 

Cuốn sách gồm 5 nội dung chính: Trước khi đến bể bơi, Những chuyến đến bể bơi đầu tiên (Bài hát vận động, Tập nổi…); Dạy bơi (Bơi sải, Bơi ngửa, bơi ếch); Dạy các kỹ năng khác (Hướng dẫn cách nổi, bơi đứng, nhảy lộn nhào, nhảy lao đầu xuống) và Thông tin tham khảo (Cách đối phó với các trường hợp khẩn cấp, trang thông tin hữu ích về bơi…).

HDV bơi lội người Anh chỉ cách phòng, chống đuối nước và dạy bơi cho trẻ - 1

Bìa sách "Dạy trẻ tập bơi và cách phòng, chống đuối nước" (Ảnh: Quảng Văn).

Trong cuốn sách, nhóm tác giả khuyến nghị 4-5 tháng là độ tuổi lý tưởng nhất để trẻ làm quen với nước trong lúc tắm, còn trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi thường sợ nước hơn. 

Họ cũng lưu ý không bao giờ để trẻ nhũ nhi (từ 1 tháng đến 1 năm tuổi) một mình ở gần chậu hay bồn nước trong phòng tắm dù chỉ trong chốc lát, vì bé có thể chết ngạt ngay cả khi nước rất ít và trong một thời gian rất ngắn.

Nếu đưa trẻ đến bể bơi, phụ huynh cần lưu ý nhiệt độ của nước, bởi trẻ thường mất thân nhiệt rất nhanh. Trẻ lại không có phản xạ rùng mình nên phụ huynh khó có thể phát hiện.

Phụ huynh không nên chọn phao tròn hay phao ghế vì loại này dễ bị lật úp. Các loại phao sử dụng trong làm quen với nước hoặc bơi lội phải đạt chuẩn quốc gia.

Nếu phụ huynh hoặc trường, lớp thuê người dạy bơi thì cần chắc chắn giáo viên có bằng cấp được công nhận, trường có bể bơi dành riêng cho trẻ nhỏ.

Trẻ cần được dạy không bao giờ chạy dọc thành bể và biết cách lên xuống từ thành bể.

Đối với trẻ mầm non, mục đích chính của học bơi là để làm quen và thích thú với nước. Muốn làm được điều đó, trẻ cần cảm thấy an toàn, tự tin khi có bố mẹ cùng chơi đùa dưới nước. 

Với trẻ mắc các bệnh hen suyễn, tự kỷ, đái tháo đường, hội chứng down, động kinh, chậm phát triển, suy giảm thính lực và thị lực… trước khi làm quen với nước thì phụ huynh cần xin tư vấn của bác sĩ nhi khoa.

HDV bơi lội người Anh chỉ cách phòng, chống đuối nước và dạy bơi cho trẻ - 2

Những nội dung bổ ích trong cuốn sách (Ảnh: Quảng Văn).

Về kỹ thuật bơi lội, các chuyên gia giới thiệu 3 kỹ thuật bơi phổ biến: Bơi sải (kỹ thuật bơi nhanh và hiệu quả nhất), bơi ngửa (kỹ thuật bơi cho những người không thích úp mặt xuống nước) và bơi ếch (kiểu bơi thông dụng và cũng là kiểu bơi sinh tồn thiết yếu).

Nhóm tác giả còn giới thiệu chi tiết trình tự tập, từng động tác tay, chân và chỉ ra danh sách kiểm lỗi của 3 kỹ thuật bơi trên. Điều này được đánh giá hữu ích cho người học bơi, người dạy bơi và phụ huynh.

Ngoài 3 kỹ thuật bơi, các chuyên gia còn giới thiệu những kỹ năng dưới nước khác như: Chèo thuyền, đi dưới nước, nổi, lặn, nhảy, chìm, lộn, bơi trong nước và tư thế giảm nhiệt.

Đây là những kỹ năng sinh tồn rất hữu dụng, đặc biệt là tự giảm thoát nhiệt. Tư thế này giúp trẻ có thể tăng cơ hội sống sót bằng cách giữ cơ quan nội tạng ấm và đầu ở trên mặt nước, vì cơ thể mất nhiệt nhiều nhất thông qua đầu.

Một trong những nội dung quan trọng của cuốn sách là chỉ dẫn bơi ở biển và đối phó với trường hợp khẩn cấp.

Theo chuyên gia, người lớn biết bơi luôn phải quan sát trẻ trong suốt thời gian. Trẻ được khuyến cáo chỉ nên bơi song song với bờ. 

Trẻ không nên chơi đùa trên nệm nổi hay thuyền bơm khí vì thủy triều, sóng và gió có thể nhanh chóng cuốn chúng ra biển.

Những người tham gia cứu hộ cần theo học một khóa cứu hộ đã được chứng nhận để có thể cứu người mà không đẩy mình vào nguy hiểm. 

Trong trường hợp bản thân gặp nạn thì cần giữ bình tĩnh, kêu cứu và vẫy tay, cố gắng giữ người nổi mà tốn ít sức, tránh làm ướt đầu để giữ nhiệt cho cơ thể.

Nếu người khác gặp nạn, đầu tiên bạn phải gọi trợ giúp, ném vật cứu hộ và tránh lao xuống nước trừ phi bạn không còn cách nào khác. Bạn chỉ lao xuống nước khi đã từng học khóa cứu hộ đã được chứng nhận.

Trong phần cuối, nhóm tác giả giới thiệu chi tiết cách hồi sức cấp cứu, hô hấp nhân tạo cho trẻ em và người lớn.

Dạy trẻ tập bơi và cách phòng, chống đuối nước là cuốn sách phổ biến ở Anh và châu Âu. Hầu như mỗi bậc phụ huynh, mỗi thư viện trường học hoặc câu lạc bộ bơi ở Vương quốc Anh đều sở hữu cuốn sách này.

Susan Meredith, 73 tuổi, lớn lên ở Yorkshire (Anh), luôn bận rộn đọc sách hoặc tạo ra những cuốn sách nhỏ của riêng mình.

Bà đã viết hơn 20 cuốn sách cho Usborne - Nhà xuất bản sách thiếu nhi lớn nhất và thành công nhất tại An - với đa dạng chủ đề. 

Cuốn sách Growing Up của bà đã giành giải thưởng sách thông tin cấp cao của năm của Times Educational Supplement.

Carol Hicks là chuyên gia bơi lội và huấn luyện viên Hiệp hội Bơi lội Nghiệp dư, Trung tâm Thể thao Quốc gia Crystal Palace.

Jackie Stephens là huấn luyện viên Hiệp hội Bơi lội Nghiệp dư, Trung tâm Thể thao Quốc gia Crystal Palace.

Cùng sự cố vấn của các thành viên Hiệp hội Bơi lội Nghiệp dư: Alison Bell, Mary Bainbridge, Jean Findlay, Jean Cook, Lorna Hunt.

Trịnh Minh Tuấn