Hát bản gốc "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" Duyên Quỳnh thu bao nhiêu tiền?
(Dân trí) - "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" do Duyên Quỳnh thể hiện đang gây bão với hơn 2 tỷ lượt xem trên các nền tảng xã hội. Với lượng view khủng như vậy, Duyên Quỳnh thu về bao nhiêu?
Những ngày qua, ca khúc Viết tiếp câu chuyện hòa bình bất ngờ trở thành hiện tượng mạng xã hội. Giai điệu hào hùng, ca từ xúc động cùng thông điệp tri ân thế hệ cha anh đã giúp ca khúc được lan tỏa mạnh mẽ, trở thành hiện tượng âm nhạc tại đại lễ 30/4 năm nay.

Ca sĩ Duyên Quỳnh - người thể hiện ca khúc "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" (Ảnh: Facebook nhân vật).
Ca sĩ Duyên Quỳnh - Quán quân chương trình Người kể chuyện tình 2019 - là người đầu tiên thể hiện ca khúc này. Trên các nền tảng như YouTube, Facebook, TikTok... ca khúc được lồng ghép vào nhiều video diễu binh, thu hút hơn 2 tỷ lượt xem.
Sự lan tỏa của ca khúc khiến cho công chúng tò mò: Với hơn 2 tỷ lượt xem trên các nền tảng, Nguyễn Duyên Quỳnh thu về bao nhiêu tỷ đồng?
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh cho biết, video chính trên kênh YouTube cá nhân của Duyên Quỳnh hiện đạt hơn 3 triệu lượt xem, nếu video có bật nút kiếm tiền, Duyên Quỳnh hoàn toàn có thể thu tiền trực tiếp từ lượt xem.
Với 3,4 triệu lượt xem, mức doanh thu ước tính dao động từ 1.500 USD đến 3.000 USD (khoảng 39 triệu đồng đến 80 triệu đồng), tùy thuộc vào các yếu tố như đối tượng khán giả, tỷ lệ hiển thị quảng cáo và thời lượng xem.
Ông Minh cho biết thêm, riêng trên TikTok, nếu clip do chính Duyên Quỳnh đăng tải thì vẫn chưa có thu nhập trực tiếp đáng kể (do TikTok Việt Nam chưa mở rộng mô hình chia sẻ doanh thu như YouTube).
Hơn nữa, thu nhập này còn tùy thuộc vào hợp đồng nhạc số trên YouTube do Quỳnh hay Nguyễn Văn Chung là người đứng ra ký kết.
"Tuy nhiên, với một video mang tính chất nghệ thuật, văn hóa như ca khúc Viết tiếp câu chuyện hòa bình, yếu tố "giá trị mềm" còn quan trọng hơn, nó giúp Duyên Quỳnh định vị lại hình ảnh, mở rộng tệp khán giả và thu hút sự chú ý của truyền thông, đơn vị tổ chức chương trình", ông Minh nhận định.
Nhà sản xuất Tiến Nam cũng cho rằng, nhìn con số hơn 2 tỷ lượt xem từ các nền tảng mang lại, nhiều người tưởng ca sĩ, nhạc sĩ thu nhập nhiều tiền nhưng số lượt xem đó được tổng hợp từ nhiều video ngắn, được người dùng mạng xã hội lồng vào các hình ảnh trên TikTok, Facebook, YouTube... mà ca sĩ hát chính không nhận được cát-xê.
"Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, có nhiều video ấn tượng trên TikTok cũng chưa có thu nhập từ kênh này. YouTube, Facebook thì có con số nhất định. Thậm chí, có nghệ sĩ kiếm tiền ở Facebook từ việc quảng cáo cho nhãn hàng chứ không phải từ các video âm nhạc, nghệ thuật...", nhà sản xuất Tiến Nam thông tin.
Khi phóng viên hỏi: "Ca sĩ Đông Hùng và Võ Hạ Trâm thể hiện ca khúc Viết tiếp câu chuyện hòa bình trong chương trình đại lễ 30/4, video được VTV đăng tải và đang lan tỏa mạnh mẽ, họ có được hưởng thu nhập gì từ lượt xem không?".
Chuyên gia truyền thông Quang Minh cho rằng, quyền khai thác doanh thu từ YouTube thuộc về kênh VTV, nơi nắm giữ bản quyền phát sóng.
"Đông Hùng và Võ Hạ Trâm được trả cát-xê biểu diễn một lần, theo hợp đồng chương trình và không được chia tiền từ lượt xem.
Tuy nhiên, giống như nhiều nghệ sĩ khác, họ được hưởng lợi gián tiếp rất lớn từ hiệu ứng lan tỏa: Xây dựng hình ảnh gắn với dòng nhạc giàu cảm xúc, uy tín nghệ thuật được nâng cao, dễ tạo sự tin tưởng cho các nhãn hàng, đơn vị tổ chức sự kiện quy mô lớn. Đây là tài sản thương hiệu cá nhân lâu dài, đôi khi giá trị gấp nhiều lần con số cụ thể từ lượt xem", ông Minh cho biết.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung hạnh phúc khi bài "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" được lan tỏa (Ảnh: Facebook nhân vật).
Vào ngày 2/5, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thông báo ca khúc đạt tổng 3,1 tỷ lượt xem trên các nền tảng như TikTok, YouTube, Facebook, Instagram... do nhiều ca sĩ biểu diễn.
Ngoài ra, bài hát cũng xuất hiện trong nhiều chương trình nghệ thuật, hội thi văn nghệ chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Khi được hỏi về thu nhập từ ca khúc Viết tiếp câu chuyện hòa bình, anh cho biết, nguồn thu từ ca khúc không nhiều, vì anh sẵn sàng cống hiến, chia sẻ miễn phí đến cộng đồng.
"Bài hát của tôi được lan tỏa đến cộng đồng, khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết đến thế hệ trẻ, là niềm vinh dự lớn nhất. Đó không chỉ là phần thưởng cho bản thân mà còn là niềm tự hào cả cuộc đời này", Nguyễn Văn Chung chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Nhạc sĩ 8X cho biết thêm, thời gian qua, nhiều đơn vị, trường học liên hệ xin được sử dụng tác quyền beat (bản nhạc không lời, chỉ có nhịp và hòa âm, dùng làm nền cho người hát) của ca khúc Viết tiếp câu chuyện hòa bình.
Quan điểm của anh là luôn đồng ý, chia sẻ miễn phí nếu tác phẩm phục vụ cho các dự án phi lợi nhuận với mục đích giáo dục, các chiến dịch thiện nguyện hoặc cơ quan báo đài sử dụng cho phim tài liệu.
Nhạc sĩ cũng ưu tiên hỗ trợ các đơn vị, lực lượng cán bộ, chiến sĩ dùng nhạc cho hội thi, biểu diễn nội bộ, các chương trình tuyên truyền mang ý nghĩa chính trị.
"Một bài hát được đất nước sử dụng và trưng dụng là niềm vinh dự cho bất kỳ nhạc sĩ nào", Nguyễn Văn Chung khẳng định.
Nguyễn Duyên Quỳnh, sinh năm 1990 tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, là ca sĩ được đào tạo bài bản tại Nhạc viện TPHCM.
Cô bắt đầu sự nghiệp âm nhạc từ nhỏ và từng tham gia hợp xướng tại Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM. Duyên Quỳnh đã nhận nhiều giải thưởng âm nhạc như giành Quán quân cuộc thi Người kể chuyện tình 2019 và Á quân Ban nhạc quyền năng 2019, là ca sĩ lồng tiếng cho nhân vật Isabela trong bom tấn Encanto.